Thuế, phí chiếm trên 40%
Theo Bộ Tài chính, hiện thuế nhập khẩu xăng dầu trong nước là 0 - 8%; thuế giá trị gia tăng (GTGT) 10% (xăng dầu không thuộc nhóm hàng giảm thuế); thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng là 10% (không thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dầu các loại). Riêng xăng sinh học E5 có mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt là 8% và xăng E10 là 7%. Còn thuế bảo vệ môi trường đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định với xăng (trừ ethanol) là 4.000 đồng/lít; dầu diesel 2.000 đồng/lít; nhiên liệu bay là 3.000 đồng/lít.
VN đã tuyên bố là nền kinh tế thị trường từ rất lâu thì các doanh nghiệp kinh doanh đều phải chấp nhận theo biến động của thị trường, có lời và có lỗ cũng là bình thường. Nhưng với doanh nghiệp xăng dầu lại được hưởng định mức lợi nhuận thì không ai hiểu được
TS Bùi Trinh |
Ngoài ra, mỗi lít xăng đang "cõng” thêm khoản lợi nhuận định mức 300 đồng/lít và chi phí định mức 1.050 - 1.250 đồng. Như vậy, ước tính bình quân giá bán mỗi lít xăng đang chịu thuế, phí khoảng 42 - 43%, dầu 21 - 27%. Tức là với một lít xăng RON95 hiện nay hơn 26.300 đồng, người mua phải chịu từ 11.000 - 11.300 đồng tiền thuế, phí. Thuế, phí là lý do giá xăng VN đang cao hơn nhiều nước.
Theo chuyên trang Globalpetrolprices cập nhật đến ngày 21.2, giá xăng của Malaysia là 0,49 USD/lít (khoảng 11.270 đồng), Indonesia 0,884 USD/lít (20.332 đồng), Mỹ 1,023 USD/lít (23.529 đồng), Bangladesh 1,036 USD/lít (23.828 đồng), Miến Điện 1,072 USD/lít (23.621 đồng), Đài Loan 1,138 USD/lít (26.197 đồng)… Chuyên trang Globalpetrolprices cho rằng theo nguyên tắc chung, các nước giàu hơn có giá xăng dầu cao hơn, trong khi các nước nghèo hơn và các nước sản xuất, xuất khẩu dầu mỏ thì giá thấp hơn đáng kể. Tất cả các quốc gia đều được tiếp cận với giá xăng dầu như nhau trên thị trường quốc tế, nhưng sau đó quyết định áp các loại thuế khác nhau. Do đó, giá bán lẻ xăng dầu sẽ có sự chênh lệch.
PGS-TS Phạm Thế Anh, Trường đại học Kinh tế quốc dân, nhận định giá bán lẻ xăng dầu tại VN đang ở mức trung bình cao, chứ không phải thấp như giải thích của Bộ Tài chính mới đây. Chỉ cần so với 2 nước trong khu vực là Indonesia và Malaysia, có khai thác dầu mỏ như VN, thì giá xăng ở ta cao hơn rất nhiều. Nếu so sánh với giá của vài nước không tương đồng với VN về mức thu nhập, không có khai thác dầu mỏ thì đó là sự khập khiễng. Giá nhập thế giới thì về nước nào cũng tương đương nhau. Các nước trong khu vực đa số nhập từ cảng Singapore, nên chi phí vận chuyển cũng không khác nhau bao nhiêu, nhưng giá bán ra tại các thị trường thì chênh lệch rất lớn do khoản thuế phí sau đó.
Chẳng hạn, Malaysia và Indonesia là 2 quốc gia có khai thác dầu thô như VN, có tài nguyên dầu như VN, nhưng nguồn thu từ khai thác dầu thô được trích để trợ giá cho xăng dầu trong nước nên giá bán lẻ của họ thấp hơn VN rất nhiều. Như Malaysia, giá xăng dầu chưa bằng một nửa của VN.
"Nếu tính theo tương quan với thu nhập, thì VN đang ở trong nhóm vừa có thu nhập thấp vừa có giá xăng cao. Do xăng dầu là hàng hóa gần như không thể thay thế, điều này có nghĩa là những nước có thu nhập thấp như VN thì người dân sẽ phải chi trả phần lớn thu nhập của họ cho xăng dầu. Không chỉ có thuế bảo vệ môi trường, các loại thuế khác như thuế GTGT, thuế tiêu thụ đặc biệt… đều có thể cắt giảm bớt lúc này. Đó là chưa nói, các loại thuế đang được "đánh” theo kiểu thuế chồng thuế nữa”, vị này chia sẻ.
Năm 2021, ông Phạm Thế Anh từng đề xuất thay vì dùng các biện pháp như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp hay miễn giảm phí trước bạ ô tô, thì nên dành một phần hỗ trợ giảm thuế, phí đối với xăng dầu bởi nó có thể đạt được hai mục đích cùng lúc. Đó là kích thích sản xuất và tiêu dùng, đồng thời giúp giảm sức ép lạm phát.
Lợi nhuận định mức ai hưởng mà kêu lỗ?
Hiện nay, không chỉ gánh quá nhiều thuế, phí mà cách tính trên xăng dầu cũng theo kiểu thuế chồng thuế. Chẳng hạn, thuế tiêu thụ đặc biệt đang tính 10% trên tổng giá nhập bao gồm chi phí vận chuyển. Hoặc thuế GTGT tính 10% trên tổng giá từ giá nhập, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, chi phí định mức, lợi nhuận định mức, trích lập quỹ bình ổn giá và thuế bảo vệ môi trường. Chính cách tính này cũng góp phần làm đội giá xăng dầu khi đến tay người dân.
Trước đây, Bộ Kế hoạch - Đầu tư từng đề xuất giảm giá xăng dầu từ 10 - 30% nếu tính toán hết các yếu tố, dư địa liên quan xăng dầu. Năm 2021, Bộ Công thương cũng đặt vấn đề sớm giảm thuế bảo vệ môi trường nhưng câu chuyện vẫn chỉ dừng lại ở đó.
TS Bùi Trinh, chuyên gia kinh tế, phân tích: các loại phí, thuế chiếm hơn 40% trong giá xăng là quá vô lý. Trong đó, có những khoản lại càng cực kỳ khó hiểu. "Vì sao đưa ra định mức lợi nhuận? VN đã tuyên bố là nền kinh tế thị trường từ rất lâu thì các doanh nghiệp kinh doanh đều phải chấp nhận theo biến động của thị trường, có lời và có lỗ cũng là bình thường. Nhưng với doanh nghiệp xăng dầu lại được hưởng định mức lợi nhuận thì không ai hiểu được. Đáng chú ý hơn nữa là dù đã có định mức lợi nhuận nhưng các đơn vị kinh doanh ngành này vẫn kêu lỗ”, ông Trinh bức xúc và đặt vấn đề : Vậy định mức lợi nhuận này là ai được hưởng?
Cũng theo ông Bùi Trinh, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu hoàn toàn không liên quan. Theo nhiều nghiên cứu khoa học, các hoạt động sản xuất tiêu dùng, nhất là nhiều ngành công nghiệp mới tạo ra hiệu ứng nhà kính lớn nhất, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng chứ không phải do người dân đi xe máy hay các phương tiện giao thông vận tải. Vì vậy, cần phải bỏ luôn thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu hiện nay. TS Bùi Trinh cũng đề xuất nên xem xét và giảm thuế GTGT cho xăng dầu từ 10% xuống còn 5% để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Bởi giá xăng dầu tăng thì các doanh nghiệp sẽ chịu tác động ở nhiều chu kỳ sản xuất chứ không chỉ riêng 1 - 2 tháng. Như vậy ước tính nếu giảm được thuế này tương đương mỗi lít xăng sẽ giảm được thêm khoảng 1.000 đồng. Tổng cộng chỉ cần bỏ được thuế bảo vệ môi trường và giảm thuế GTGT thì mỗi lít xăng sẽ hạ được 5.000 đồng.
Việc giảm thuế, phí cho xăng dầu không những hỗ trợ cho người dân nói riêng mà còn làm lan tỏa đến nhiều lĩnh vực, đóng góp cho sự hồi phục và phát triển của nền kinh tế.
(Theo TNO)