Kỹ thuật trồng cây tre mai

  • Cập nhật: Thứ tư, 2/3/2022 | 1:56:50 PM

YênBái - Măng cây tre mai ăn rất ngon; thân cây được dùng làm vật liệu xây dựng, đồ dùng gia đình, đồ mỹ nghệ và bột giấy…, lá dùng để gói bánh. Cây tre mai có thể trồng được ở hầu hết các địa phương trong tỉnh Yên Bái.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

1. Kỹ thuật nhân giống: 

Tre mai có thể trồng bằng giống: gốc, cành chét và hiện nay dùng giống gốc là phổ biến, giống chét; giống cành có nhiều triển vọng.

a. Giống gốc: 

Tiêu chuẩn cây lấy làm giống: cây trong cụm sinh trưởng tốt, không có hoa, không sâu bệnh. Cây 1 tuổi măng đã định hình, cành lá đã phát triển đầy đủ; cây có đường kính trung bình hoặc nhỏ; các mắt ngủ ở thân ngầm không bị sâu thối.

Kỹ thuật đánh gốc: dùng dao sắc chặt phần thân khí sinh chừa lại 3 - 4 lóng dưới cùng; cắt cây giống ra khỏi cây mẹ tại vị trí cổ thân ngầm; cắt đứt rễ xung quanh gốc cây giống chừa lại 1 - 2 cm; cùng lực đẩy gốc đã đánh vào phía gốc cây mẹ, lấy cây giống ra khỏi cụm tre.

Bảo quản giống: khi vận chuyển đi xa phải che đậy giữ ẩm, không được làm dập mắt ngủ hoặc làm tổn thương phần thân ngầm và thân khí sinh. Nếu không trồng ngay có thể ươm trong đất ẩm nơi râm mát 5 - 7 ngày. Hồ rễ bằng bùn ao có trộn lẫn phân chuồng hoai trước khi đem trồng.

b. Giống chét: chét có đường kính 2 - 7 cm và khi chét có đủ cành lá có thể dùng làm giống và kỹ thuật tạo giống như giống gốc.

c. Giống cành chiết:

Chọn cây mẹ và cành làm giống: cây mẹ từ 1 - 1,5 năm tuổi ở các bụi trên 3 năm tuổi, sinh trưởng tốt, không sâu bệnh, không có hoa (hiện tượng khuy); đường kính cành trên 1 cm, cành đã tỏa hết lá; mắt ngủ trên đùi gà không bị sâu thối.

Thời vụ chiết: chiết cành vào vụ xuân và vụ thu, thời tiết mưa ẩm.

Kỹ thuật chiết cành: độ dài cành chiết 30 - 40 cm (có trên 2 đốt). Tại nơi tiếp giáp giữa đùi gà với thân cây mẹ, phía trên cưa 4/5 diện tích dọc theo thân cây. Dùng 150 - 200 g hỗn hợp bùn ao trộn với rơm băm nhỏ theo tỷ lệ 2 bùn 1 rơm, đủ ẩm cho 1 bầu chiết; dùng nilon kích thước 12x60 cm bọc kín bầu chiết. Sau khi chiết khoảng 20 - 30 ngày cành chiết ra rễ, khi rễ chuyển sang màu vàng và đang hình thành rễ thứ cấp thì cắt xuống để ươm tại vườn ươm.

Nuôi dưỡng cành chiết tại vườn ươm: 

Vườn ươm phải đủ sáng, không bị úng ngập nước, độ dốc < 50; đất thịt nhẹ đến thịt trung bình; đất được cày bừa, phơi ải và làm sạch cỏ; luống nổi, kích thước luống rộng 1 - 1,2 m, dài không quá 10 m, rãnh giữa 2 luống khoảng 40cm; dùng phân chuồng hoai bón lót trước khi ươm cành từ 10 đến 15 ngày, lượng bón từ 1 đến 3kg/m2 mặt luống; bón thúc 2 lần bằng phân NPK vào thời điểm sau khi ươm 1 tháng và 3 tháng, lượng bón 100 - 200g/10 lít nước cho 1 m2 mặt luống; cành ươm được đặt theo rạch cự ly 40x25 cm, nghiêng một góc khoảng 700 so với mặt luống, lấp đất và lèn chặt, tưới ngay sau khi ươm với lượng nước 10 - 15 lít/m2 mặt luống.

Giàn che cao khoảng 60 cm, độ che sáng 60 - 70%; thời gian che sáng 20 - 30 ngày kể từ lúc giâm cành; có thể sử dụng vật liệu sẵn có như rơm, rạ, tế guột… để phủ lên mặt luống.

Tưới nước: trong tháng đầu 4 - 5 ngày tưới một lần lượng nước 8 - 10lít/m2 mặt luống. Từ tháng thứ 2 đến tháng 12, ngày tưới một lần, lượng nước 13 - 15 lít/m2 mặt luống.

Tiêu chuẩn cây giống xuất vườn: giống nuôi dưỡng ở vườn ươm sau 4 tháng trở lên đã có một thế hệ tỏa lá là đủ tiêu chuẩn đem trồng.

2. Kỹ thuật trồng, chăm sóc:

Chuẩn bị đất: phát dọn toàn bộ thực bì, cuốc hố với kích thước 60x60x60 cm, cuốc trước khi trồng một tháng, trộn đều 15 - 30 kg phân hữu cơ vào đất trước khi trồng 1 tuần.

Phương thức trồng: trồng thuần loài, tập trung hoặc phân tán; mật độ trồng 400 - 500 cụm/ha, cự li 5x5m; 5x4m.

Thời vụ trồng: trồng vào những ngày râm mát khi đất đủ ẩm giống cành chiết trồng vụ xuân (tháng 1,2,3) hoặc vụ thu (tháng 7,8,9); giống gốc, giống chét trồng vào vụ xuân (tháng 1,2,3).

Thao tác trồng: dùng cuốc đào đất ở giữa hố với độ sâu đảm bảo khi đặt giống xuống, nếu trồng bằng gốc cành chiết thì mặt bầu thấp hơn mặt đất tự nhiên khoảng 5 - 10cm. Nếu trồng bằng giống gốc, giống chét thì cây giống đặt nghiêng, đổ nước đầy vào lóng trên cùng của giống; lấp đất theo công thức 3 lấp 2 lèn (lần lấp đất thứ 3 không lèn). Sau khi trồng phủ các vật liệu như cỏ, rơm rác, cành lá vào gốc cây giống để giữ ẩm.

Chăm sóc rừng: Năm thứ nhất: chăm sóc 4 lần; lần 1 sau khi trồng 1 tháng, trồng dặm, làm cỏ, xới xáo đất xung quanh gốc trồng rộng 1m. Lần 2 sau khi trồng 3 tháng xới xáo đất đường kính rộng 1 m. Lần 3 sau khi trồng 6 - 7 tháng làm cỏ xới xáo đất đường kính 1 m xung quanh gốc trồng, bón phân với lượng 15 - 20 kg phân chuồng/hố trồng. Lần 4 sau khi trồng 9 - 10 tháng xới đất lộ gốc. 

Năm thứ hai trở đi: Chăm sóc như sau:

Tháng 1, xới để lộ gốc; tháng 3 lấp đất bằng mặt đất; tháng 4 lấp đất đã trộn 15 - 25 kg phân chuồng hoai cho 1 cụm, tủ đất vào gốc tre với độ cao 20 - 30 cm, đường kính tủ đất tùy thuộc vào cụm tre to hay nhỏ; tháng 6,7,8, hàng tháng bón phân NPK với lượng 0,3 - 0,5kg/cụm; tháng 11 làm cỏ xới đất; tháng 1 xới đất để lộ gốc bắt đầu chu kỳ chăm sóc năm tiếp theo.

Lưu ý: Người dân chú ý đề phòng sâu bệnh hại, lửa rừng, bảo vệ không bị trâu bò phá hoại.   
 
Lê Thị Hải Yến (Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái)

Các tin khác
Cán bộ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cùng cán bộ kiểm lâm, chủ rừng xác định vị trí hưởng phí dịch vụ môi trường rừng.

Rừng được quản lý, bảo vệ tốt hơn, chất lượng rừng được nâng lên, góp phần cải thiện sinh kế người trồng, bảo vệ và phát triển rừng (BVPTR). Đó là nhờ những năm gần đây, Yên Bái thực hiện nhiều giải pháp để BVPTR, nhất là từ khi thực hiện chính sách chi trả phí dịch vụ môi trường rừng (DVMTR).

Huyện Trấn Yên ra quân trồng rừng vụ xuân năm 2022.

Ngay sau Lễ phát động Tết trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” vào ngày 7/2, huyện Trấn Yên đã tập trung đẩy nhanh tiến độ trồng rừng. Kế hoạch năm nay, toàn huyện trồng 2.750 ha rừng; tập trung vào quế, tre Bát độ, rừng gỗ lớn, góp phần nâng cao giá trị kinh tế rừng và phục vụ công nghiệp chế biến gỗ.

Công nhân Công ty cổ phần Sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn tăng tốc sản xuất đầu năm 2022.

Dù còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng do có sự chuẩn bị khá tốt về các kịch bản phòng, chống dịch nên tình hình sản xuất công nghiệp (SXCN) của các doanh nghiệp trong tỉnh tiếp tục duy trì ổn định, giá trị SXCN trong tháng 1/2022 tăng 11,34% so với cùng kỳ năm 2021.

Ruộng bậc thang thôn Khe Táu, xã Phong Dụ Thượng đang trở thành một điểm du lịch hấp dẫn cho du khách.

Năm 2021, lượng khách đến tham quan, trải nghiệm và lưu trú ở Phong Dụ Thượng tăng gần 300% so với năm trước. Với quần thể ruộng bậc thang thôn Khe Táu, khu vực suối nước nóng thuộc thôn Cao Sơn, thác nước Khe Ban, thác nước Khe Mạng...; hiếm có vùng đất nào trên địa bàn huyện Văn Yên lại sở hữu nhiều tiềm năng du lịch như Phong Dụ Thượng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục