Mặc dù dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng nhờ triển khai chặt chẽ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 nên hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty TNHH quốc tế Vina KNF, thị trấn Cổ Phúc vẫn được duy trì.
Ông Phạm Ngọc Mai - Quản lý nhân sự Công ty cho biết: Ngay khi quyết định đầu tư xây dựng nhà máy may tại thị trấn Cổ Phúc, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi nhất về mặt bằng, cơ sở hạ tầng cũng như các thủ tục hành chính và thường xuyên nhận được sự, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn kịp thời của chính quyền địa phương. Đặc biệt, trong hơn 2 năm qua, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, huyện Trấn Yên và lực lượng chức năng thường xuyên trao đổi, phối hợp thực hiện các giải pháp trong phòng, chống dịch bệnh để đảm bảo an toàn, duy trì sản xuất.
Được biết, Công ty TNHH quốc tế Vina KNF bắt đầu đi vào hoạt động năm 2016 với sản lượng bình quân 16 triệu sản phẩm/năm. Hàng năm, Công ty tạo việc làm cho hơn 1.000 lao động địa phương cùng thu nhập ổn định từ 4,5 - 6 triệu đồng/người/tháng.
Cùng với Công ty TNHH quốc tế Vina KNF, những năm qua đã có hàng trăm doanh nghiệp, công ty lựa chọn Trấn Yên làm điểm đến.
Theo ông Phan Tiến Thắng - Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện, để có được những kết quả đó, huyện Trấn Yên đã khuyến khích, quan tâm, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đầu tư, phát triển sản xuất; tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng, an ninh trật tự để các doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, huyện xây dựng hàng loạt cơ chế, chính sách thông thoáng, đồng hành cùng nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc từ công tác giải phóng mặt bằng, nguồn vốn, nguồn nhân lực và xúc tiến thương mại…
Hiện nay trên địa bàn huyện Trấn Yên có trên 470 cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN), tăng trên 270 cơ sở so với năm 2015; trong đó, 110 doanh nghiệp, 13 hợp tác xã, 349 hộ cá thể, thu hút và tạo việc làm cho trên 4.000 lao động có thu nhập ổn định.
Bên cạnh đó, mặc dù thời gian qua, hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng kết thúc năm 2021, giá trị sản xuất CN-TTCN của huyện đạt 1.108 tỷ đồng, bằng 109,7% kế hoạch tỉnh giao và tăng 21,5% so với cùng kỳ; giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt trên 50 triệu USD, bằng 106,4% kế hoạch và tăng 27,9%.
Ngoài ra, năm 2021 trên địa bàn huyện đã có 8 dự án được cấp phép đầu tư mới với tổng vốn đầu tư 530 tỷ đồng như: Dự án đầu tư Nhà máy ươm tơ tự động tại xã Báo Đáp, công suất 150 tấn/năm của Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Trấn Yên, vốn đầu tư 49 tỷ đồng; Dự án đầu tư cửa hàng xăng dầu 37 tại xã Hưng Khánh, vốn đầu tư 7,3 tỷ đồng...
Hiện nay, huyện đang tiếp tục tạo điều kiện và hỗ trợ, lựa chọn địa điểm, cung cấp thông tin, lập dự án đầu tư đối với 2 dự án: Dự án đầu tư Tổ hợp Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ của Tổng Công ty Viglacera tại xã Bảo Hưng và Minh Quân; Dự án quần thể du lịch, thể thao quốc tế Venus của Công ty cổ phần Đầu tư Quốc tế Gold tại xã Minh Quân…
Để tiếp tục thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh, huyện Trấn Yên đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, thủ tục hành chính; quy hoạch vùng nguyên liệu gắn với việc bảo vệ khai thác sử dụng vùng nguyên liệu một cách hợp lý, có hiệu quả cho sản xuất chế biến nông - lâm sản; khai thác lợi thế các loại hình giao thông, nhất là giao thông kết nối vùng với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai để phát triển các ngành có giá trị tăng cao; tập trung hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất xây dựng mới, đầu tư mở rộng quy mô các ngành, nghề có thế mạnh về vùng nguyên liệu phục vụ chế biến nông - lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng, gia công may mặc…
Hùng Cường