Tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp

  • Cập nhật: Thứ ba, 22/3/2022 | 7:49:40 AM

YênBái - Mới đây, 3 sản phẩm nông nghiệp của huyện Trấn Yên gồm: bưởi, chè, quế vỏ khô đã được Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) cấp giấy chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu thông qua nhiệm vụ khoa học “Xác lập quyền SHTT cho một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái”.

Các sản phẩm bưởi, chè xanh, quế vỏ khô huyện Trấn Yên được trao quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận. (Ảnh: Phan Thu Hương)
Các sản phẩm bưởi, chè xanh, quế vỏ khô huyện Trấn Yên được trao quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận. (Ảnh: Phan Thu Hương)

Việc thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã góp phần đưa sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Trấn Yên đạt được những bước đột phá rõ nét trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng. 

Đến nay, huyện hình thành vùng cây ăn quả có múi hiệu quả ở các xã phía Tây có điều kiện đất đai, khí hậu phù hợp. Toàn huyện có trên 700 ha (sản lượng đạt trên 3.400 tấn), trong đó diện tích bưởi đạt trên 370 ha (sản lượng đạt trên 2.200 tấn) tập trung tại các xã: Hưng Thịnh, Quy Mông, Hưng Khánh, Hồng Ca, Việt Thành... 

Vùng quế đã tăng diện tích lên 19.000 ha, trong đó, diện tích chuyên canh theo chuỗi giá trị là 8.100 ha, sản lượng quế vỏ khô đạt trên 4.000 tấn. 

Chè xanh vốn là cây trồng chủ lực nhưng đang có xu hướng giảm về diện tích và chất lượng trong vài năm trở lại đây khiến cho người trồng chè đứng trước nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do người dân chuyển đổi sang cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn hoặc ít đòi hỏi đầu tư chăm sóc; công tác quản lý sử dụng vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật còn bị buông lỏng; mối liên kết giữa cơ sở chế biến và người trồng chè còn chưa chặt chẽ...

Trước thực tế đó, bài toán đặt ra hiện nay là cần mở rộng thị trường đầu ra cho các sản phẩm quế, bưởi và ổn định diện tích sản xuất chè theo quy hoạch, chủ trương và chính sách của tỉnh. Từ đó, nhiệm vụ khoa học "Xác lập quyền SHTT cho một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái” được ngành khoa học và công nghệ (KH&CN) đề xuất triển khai.

Đơn vị triển khai nhiệm vụ khoa học đã tích cực triển khai các nội dung như: điều tra, khảo sát thực trạng sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm; xây dựng bản thuyết minh tính chất/chất lượng đặc thù; xây dựng bản đồ xác định phạm vi lãnh thổ tương ứng với nhãn hiệu chứng nhận (NHCN); thiết kế lôgô, tem nhãn, bao bì các sản phẩm được đăng ký bảo hộ NHCN; xây dựng các website để quản lý, tuyên truyền và quảng bá sản phẩm… 

Sau khi được Cục SHTT cấp giấy chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng NHCN cho 3 chủ thể đủ điều kiện sử dụng NHCN là: Hợp tác xã (HTX) trồng cây ăn quả Quy Mông (sản phẩm bưởi quả tươi); HTX Chè Khe Năm (sản phẩm chè xanh); HTX Quế Khánh Thành (sản phẩm quế vỏ khô). 

Việc xác lập thành công quyền bảo hộ NHCN là một bước tiến nổi bật thể hiện sự đồng hành giữa ngành KH&CN với huyện Trấn Yên trong phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương. Sản phẩm mang NHCN được pháp luật và người tiêu dùng coi như là một minh chứng rằng sản phẩm của nhà sản xuất đáp ứng được các tiêu chuẩn cụ thể và được kiểm nghiệm/chứng nhận bởi 1 tổ chức có thẩm quyền. 

Từ đó, nhân dân biết áp dụng và tuân thủ tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, chất lượng đảm bảo an toàn theo tiêu chuẩn, mẫu mã sản phẩm được cải thiện, có tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm và hình thành lên vùng sản xuất tập trung, chuỗi liên kết giá trị theo hướng bền vững, đủ sức cạnh tranh trên thị trường, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, ngành KH&CN tiếp tục đồng hành cùng với chính quyền và người dân huyện Trấn Yên trong phát triển thương hiệu cho các sản phẩm: mật ong Trấn Yên; gà đồi Trấn Yên; miến đao Trấn Yên.

Nguyễn Hoài

Tags Trấn Yên Yên Bái sản phẩm nông nghiệp tái cơ cấu ngành nông nghiệp thương hiệu người tiêu dùng

Các tin khác
Cán bộ, nhân dân tham quan, mua sắm tại điểm bán hàng và giới thiệu sản phẩm OCOP tại thị xã Nghĩa Lộ.

Thực hiện Cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, với vai trò là thành viên Ban Chỉ đạo CVĐ, Sở Công Thương phối hợp với các cấp, ngành chỉ đạo các đơn vị liên quan, các doanh nghiệp (DN) trong tỉnh tăng cường quảng bá đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng, tạo hiệu ứng tích cực cho sản xuất, củng cố niềm tin của người tiêu dùng trong việc lựa chọn các sản phẩm của các DN Việt.

Nhiều hộ dân ở xã Xuân Tầm, huyện Văn Yên có diện tích quế trồng lâu năm và giá trị kinh tế cao.

Huyện Văn Yên hiện có trên 52.000 ha quế phân bố ở khắp 25 xã, thị trấn. Sản lượng vỏ quế hàng năm khai thác đạt trên 5.000 tấn, tận thu trên 65.000 tấn cành lá và hơn 50.800 m3 gỗ quế, chưng cất tinh dầu quế đạt 300 tấn... mang lại doanh thu lớn và riêng năm 2021, thu nhập từ quế đạt 943,2 tỷ đồng.

Đợt "giải cứu” dứa cho nông dân Lào Cai do Sở Công Thương kết nối diễn ra trong 2 ngày 21/3 và 24/3. Đến nay, có trên 30 cơ quan, đơn vị của tỉnh Yên Bái đăng ký tham gia hỗ trợ tiêu thụ trên 12 tấn.

Sử dụng hiệu quả nguồn vốn của các chương trình, dự án về phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa đã giúp Lục Yên phát huy lợi thế về đất đai, lao động, từng bước đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính. Đến nay, đàn gia súc chính của Lục Yên đã có trên 120 ngàn con; huyện đã hình thành gần 250 cơ sở chăn nuôi hàng hóa, giúp nhiều hộ dân thoát nghèo bền vững và đóng góp vào mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo tại địa phương theo chuẩn đa chiều mới.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục