Bộ Giao thông vận tải báo cáo Thủ tướng tiến độ thu phí không dừng của VEC

  • Cập nhật: Thứ ba, 29/3/2022 | 7:39:33 AM

Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tiến độ triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng (ETC) tại các dự án đường cao tốc do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý.

Trạm thu phí BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ. Ảnh tư liệu
Trạm thu phí BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ. Ảnh tư liệu

Văn bản do Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ ký nêu rõ: VEC được Bộ Giao thông vận tải giao làm chủ đầu tư xây dựng và quản lý vận hành, khai thác 5 dự án đường cao tốc gồm cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Bến Lức - Long Thành và TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây.

Trong 5 dự án nêu trên mới chỉ có tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình được đầu tư, vận hành hệ thống thu phí ETC (15/40 làn) từ ngày 10/6/2020, các tuyến cao tốc khác vẫn triển khai thu phí theo hình thức một dừng.

"Trên cơ sở số lượng các làn, lưu lượng xe qua các trạm thu phí và năng lực khai thác của hệ thống thu phí không dừng so với hệ thống thu phí một dừng, VEC tính toán trước mắt sẽ phân kỳ đầu tư 140 làn thu phí không dừng sẽ đảm bảo các cao tốc thu phí theo hình thức thu phí ETC đồng bộ, đáp ứng yêu cầu", Bộ Giao thông vận tải thông tin thêm.

Về nguồn vốn đầu tư hệ thống thu phí ETC, Bộ Giao thông vận tải cho biết, trên cơ sở đề xuất của VEC, Bộ Giao thông vận tải đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ đồng thuận phương án sử dụng chi phí quản lý thu phí VEC đang thực hiện (thu phí một dừng) để thuê trọn gói dịch vụ thu phí ETC, đồng thời Thủ tướng cũng yêu cầu hoàn thành trong quý I/2022.

Trên cơ sở đó, VEC đã triển khai việc thuê nhà cung cấp dịch vụ thu phí cho các tuyến cao tốc do VEC quản lý bằng nguồn chi phí tổ chức thu phí trong phương án tài chính của dự án. Đến thời điểm này, VEC đã chuẩn bị các thủ tục về lập kế hoạch thuê, yêu cầu kỹ thuật, hồ sơ mời thầu để lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ thu phí.

Tuy nhiên, do tính chất đặc thù của hình thức thuê dịch vụ thu phí ETC tại các dự án cao tốc do VEC quản lý nên còn có ý kiến khác nhau trong việc áp dụng các quy định pháp luật.

Cụ thể, việc triển khai các dự án về công nghệ thông tin (bao gồm cả việc thu dịch vụ công nghệ thông tin) được hướng dẫn tại Nghị định số 73/2019/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Theo đó, trường hợp coi hệ thống thu phí ETC là một dự án mới, VEC phải triển khai các thủ tục lập dự án thuê dịch vụ thu phí điện tử không dừng và thuộc thẩm quyền Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Quy trình này sẽ mất nhiều thời gian do phải thực hiện rất nhiều thủ tục nên không thể hoàn thành trong năm 2022 (phương án 1).

Trường hợp coi việc triển khai thu phí ETC chỉ là hình thức thu phí mới thay thế hình thức thu phí một dừng, VEC sẽ vận dụng trình tự thủ tục thuê nhà cung cấp dịch vụ như đối với hoạt động thuê dịch vụ công nghệ thông tin sử dụng chi phí chi thường xuyên nguồn vốn ngân sách nhà nước (phương án 2). Triển khai theo phương án này, thẩm quyền do VEC quyết định và đẩy nhanh tiến độ do chỉ cần phê duyệt kế hoạch thuê dịch vụ để tổ chức lựa chọn ngay nhà cung cấp dịch vụ.

Bộ Giao thông Vận tải khẳng định, cả 2 phương án trên đều bảo đảm công khai, minh bạch thông qua đấu thầu lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ, đều sử dụng chi phí quản lý thu phí trong phương án tài chính của các dự án cao tốc để thuê nhà cung cấp dịch vụ. Do vậy không ảnh hưởng tới hiệu quả, phương án tài chính và phương án trả nợ của các dự án cao tốc.

"Để đẩy nhanh tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, phát huy hiệu quả đầu tư, cũng như sớm lắp đặt, vận hành hệ thống đáp ứng nhu cầu xã hội, VEC đã tổ chức triển khai thực hiện theo phương án 2 để tổ chức thực hiện. Với phương án này tiến độ thực hiện sẽ được đẩy nhanh hơn, dự kiến hoàn thành công tác lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ thu phí trovg quý II/2022, triển khai lắp đặt thiết bị và vận hành hệ thống trong quý III/2022", Bộ Giao thông Vận tải cho hay.
(Theo Tin tức)

Các tin khác
Số lượng người sử dụng Facebook Messenger để quảng bá và bán hàng trực tuyến tại Việt Nam nhiều nhất khu vực Đông Nam Á.

Tổng cục Thuế vừa đưa vào hoạt động Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài để đăng ký, kê khai và nộp thuế. Đây được cho là giải pháp quan trọng giúp chống thất thu thuế đối với hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới.

Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính tập trung trang thiết bị thi công công trình cầu Giới Phiên. (Ảnh: Văn Tuấn)

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình và giải ngân vốn đầu tư công, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phấn đấu thực hiện cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 được Thường trực Tỉnh ủy giao nhiệm vụ triển khai cho Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh và lãnh đạo các đơn vị chủ đầu tư.

Sản phẩm thanh long ruột đỏ Minh Quân bày bán tại cửa hàng các sản phẩm OCOP - Anmart đặc sản Yên Bái và các vùng miền.

Những năm gần đây, cây thanh long ruột đỏ (TLRĐ) trở thành cây thế mạnh kinh tế ở xã Minh Quân, huyện Trấn Yên, giúp nhiều hộ vươn lên làm giàu và mở hướng phát triển kinh tế mới. Đáng phấn khởi là, năm 2021, quả TLRĐ ở Minh Quân đạt tiêu chuẩn VietGAP và được chứng nhận sản phẩm OCOP hạng 3 sao.

Cán bộ Phòng Tuyên truyền - Hỗ trợ người nộp thuế, Cục Thuế tỉnh hướng dẫn người nộp thuế quyết toán thuế năm 2021 theo phương thức điện tử.

Hiện, ngành thuế Yên Bái đang gấp rút hướng dẫn người nộp thuế (NNT) công tác quyết toán các loại thuế năm 2021. Để tạo thuận lợi cho NNT khi thực hiện quyết toán thuế (QTT), Cục Thuế tỉnh triển khai Chương trình “Tháng hỗ trợ QTT”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục