Yên Bái tăng sức cạnh tranh, hướng tới xuất khẩu

  • Cập nhật: Thứ ba, 10/5/2022 | 7:33:25 AM

YênBái - Mục tiêu cụ thể của Yên Bái trong giai đoạn 2021 - 2025 là giá trị xuất khẩu nông lâm sản đạt 23 triệu USD; trong đó, nhóm nông - lâm sản chính như chè đạt khoảng 3 triệu USD, sắn đạt 3,3 triệu USD, gỗ và các sản phẩm từ gỗ đạt 15 triệu USD, quế đạt 1 triệu USD.

Công nhân Hợp tác xã Quế hồi Việt Nam chế biến quế xuất khẩu.
Công nhân Hợp tác xã Quế hồi Việt Nam chế biến quế xuất khẩu.

Có diện tích đất nông nghiệp lớn lại nằm trong các tiểu vùng khí hậu khác nhau, vì vậy, Yên Bái có nhiều loại cây con đặc sản, mang lại giá trị kinh tế cao. Mặt khác, những năm gần đây, tỉnh Yên Bái đã tích cực triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, từ đó hình thành các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh có quy mô lớn với 10 sản phẩm nông nghiệp chủ lực gồm: cây lương thực có hạt, chè, cây ăn quả, đàn gia súc chính, thủy sản, quế, sơn tra, tre măng Bát độ, dâu tằm, gỗ nguyên liệu. 

Một số sản phẩm đã tìm được chỗ đứng

Nằm giữa vùng quế lớn thứ hai của tỉnh, Hợp tác xã (HTX) Quế hồi Việt Nam ở xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên xác định mục tiêu sản xuất ra các sản phẩm quế chất lượng bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu. Hiện nay, HTX đang tạo ra trên 10 loại sản phẩm quế chất lượng cao với các mặt hàng chủ lực như: quế điếu thuốc, quế ống, quế tăm, quế bột, tinh dầu quế… đang có sức cạnh tranh mạnh và giá bán ổn định. 

Để nâng cao giá trị sản phẩm, HTX chủ động tiếp cận các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, tham gia các hội thảo thương mại, hội chợ thương mại trong nước và quốc tế. Đến nay, sản phẩm của HTX được các bạn hàng quốc tế đánh giá cao và có mặt trên 7 quốc gia, trong đó có những thị trường khó tính như: Nhật, Hàn Quốc, Mỹ, Pháp... 

Đặc biệt, sản phẩm quế điếu thuốc, được dùng như một loại ống hút khi uống cà phê đang được người tiêu dùng tại Ấn Độ ưa chuộng. 

Với lợi thế có vùng nguyên liệu dồi dào, chất lượng gỗ tốt, nhiều năm qua, Doanh nghiệp tư nhân Đăng Khoa, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên đã chú trọng đầu tư dây chuyền máy móc hiện đại, quy trình sản xuất tiên tiến theo quy chuẩn quốc tế để sản xuất các sản phẩm gỗ ghép thanh đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. 

Năm 2021, tuy phải đối mặt nhiều khó khăn nhưng Doanh nghiệp vẫn đạt doanh thu 67 tỷ đồng; trong đó, có 33 tỷ đồng xuất khẩu. Năm 2022, dự kiến, tổng doanh thu năm đạt trên 80 tỷ đồng; trong đó, doanh thu xuất khẩu khoảng 50 tỷ đồng. 

Ông Nguyễn Đăng Khoa - Giám đốc DN tư nhân Đăng Khoa cho biết: "Người tiêu dùng châu Âu quan tâm đến việc bảo vệ phát triển rừng; có yêu cầu cao về sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc hợp pháp. Do vậy, chúng tôi thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát về nguồn gốc gỗ; tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường”. 

Các sản phẩm từ quế của HTX Quế hồi Việt Nam, hay các sản phẩm gỗ của Doanh nghiệp tư nhân Đăng Khoa chỉ là 2 trong số nhiều sản phẩm nông - lâm sản của tỉnh Yên Bái đang hướng đến xuất khẩu; ngoài ra, còn có các sản phẩm: măng tre Bát độ của Công ty cổ phần Yên Thành, chè Suối Giàng của HTX Hệ sinh thái du lịch Suối Giàng.... 

Điểm chung của những sản phẩm này là được xây dựng tại những vùng nguyên liệu rộng lớn, do đó, kiểm soát được chất lượng sản phẩm đầu vào, giá thành nguyên liệu giảm. 

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, HTX đã xây dựng được chuỗi giá trị; đồng thời, chú trọng đầu tư vào khu vực với hệ thống dây chuyền sản xuất hiện đại, đội ngũ công nhân được đào tạo bài bản; ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất... Chính những yếu tố này đã cho ra những sản phẩm có chất lượng, tạo được niềm tin với các đơn vị đối tác. 

Còn đó những khó khăn 

Thời gian qua, tỉnh Yên Bái nỗ lực trong việc xây dựng các sản phẩm nông - lâm sản đáp ứng thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, so với tiềm năng thế mạnh của địa phương, số lượng các sản phẩm nông sản xuất khẩu còn ít, chưa có sản phẩm chế biến sâu. Do vậy, giá trị của các sản phẩm chưa tương xứng với quy trình và quá trình lao động sản xuất. Điều này đặt ra thách thức lớn cho ngành nông nghiệp Yên Bái trong thời gian tới. 

Là làng nghề đầu tiên tại tỉnh Yên Bái, với vùng sản xuất tập trung gần 100 hộ làm miến, sản lượng đạt khoảng trên 500 tấn/năm, chất lượng đã được khẳng định, thế nhưng, miến đao Giới Phiên mới chỉ dừng lại ở việc tiêu thụ trong nước. Vài năm trở lại đây, sản phẩm này mới "chập chững bước chân” vào các cửa hàng, siêu thị lớn ở một số tỉnh, thành. 

Nguyên nhân được cho là HTX bao tiêu sản phẩm ở quy mô nhỏ, công tác tiếp thị, quảng bá sản phẩm còn yếu, không có điều kiện để đưa sản phẩm đi giới thiệu tại các hội chợ thương mại quốc tế.Đa phần các thành viên của HTX là nông dân, việc tiếp cận với công nghệ thông tin, các sàn thương mại điện tử còn thiếu và yếu... trong khi đây lại là xu hướng của thị trường tiêu dùng hiện nay. 


Các doanh nghiệp, hợp tác xã tìm kiếm thị trường xuất khẩu thông qua các hội nghị giao thương trực tuyến. 

Không chỉ những doanh nghiệp, HTX nhỏ mà ngay cả những HTX, doanh nghiệp sản xuất lớn trên địa bàn tỉnh cũng gặp phải những khó khăn trong xuất khẩu nông sản. Trong đó, phải kể đến những trở ngại lớn về việc đáp ứng hệ thống tiêu chuẩn quốc tế cho các sản phẩm nông sản như chứng minh được vùng nguyên liệu sạch, không gây hại ra môi trường, quá trình chế biến an toàn, đặc biệt ở những quốc gia nhập khẩu đòi hỏi các sản phẩm hữu cơ... 

Ông Đào Đức Hiếu - Giám đốc HTX Hệ sinh thái du lịch Suối Giàng cho biết: "Những sản phẩm của HTX đã hội đủ các yếu tố về một sản phẩm thương hiệu quốc gia. Nhưng hiện nay, chúng tôi vẫn đang tìm kiếm các thị trường xuất khẩu”. 

Cơ hội tiếp cận các thị trường khó tính

Thời gian qua, các doanh nghiệp Yên Bái đã tận dụng được những ưu thế, ưu đãi của các FTA để tiếp cận các thị trường xuất khẩu khó tính. Ông Nguyễn Đình Chiến - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: "Sở Công Thương sẽ tiếp tục thông tin tuyên truyền mạnh mẽ và tận dụng hiệu quả các cơ hội của các FTA, nhất là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như: CPTPP, EVFTA, UKVFTA. Đồng thời, khai thác các thông tin chế độ chính sách mới về xuất nhập khẩu và hội nhập kinh tế quốc tế… giúp doanh nghiệp triển khai hoạt động sản xuất, kinh doanh và tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa”. 

Bà Phạm Quỳnh Mai - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên - Bộ Công Thương nhận định: "Yên Bái là tỉnh có thế mạnh về xuất khẩu các sản phẩm nông - lâm sản cho nên các doanh nghiệp cần đầu tư vào vùng nguyên liệu cũng như sản xuất, chế biến, đảm bảo các sản phẩm của Yên Bái được sạch từ đầu vào đến thành phẩm thì mới có cơ hội xuất sang thị trường EU”. 

Cùng với đó, để thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nông - lâm thủy sản chủ lực của tỉnh, nâng cao chất lượng và giá trị xuất khẩu nhằm đáp ứng các quy định của thị trường nhập khẩu; đồng thời, từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm nông - lâm thủy sản của tỉnh trên thị trường quốc tế, tỉnh Yên Bái đã ban hành Đề án "Thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản đến năm 2030”. 

Mục tiêu cụ thể là trong giai đoạn 2021 - 2025, giá trị xuất khẩu nông lâm sản đạt 23 triệu USD; trong đó, nhóm nông - lâm sản chính như chè đạt khoảng 3 triệu USD, sắn đạt 3,3 triệu USD, gỗ và các sản phẩm từ gỗ đạt 15 triệu USD, quế đạt 1 triệu USD. 

Giai đoạn 2025 - 2030, giá trị xuất khẩu nông lâm sản đạt 30 triệu USD. Đề án này được xem là đòn bẩy tạo động lực để các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh Yên Bái đầu tư mạnh mẽ vào chế biến sâu nhằm xuất khẩu trực tiếp các sản phẩm. 

Để cụ thể hóa đề án cùng với các giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX và người dân tập trung sản xuất, thời gian qua, ngành nông nghiệp đã phối hợp với ngành công thương tổ chức các hội nghị giao thương quốc tế cả trực tiếp và trực tuyến, tạo diễn đàn cho các HTX, doanh nghiệp Yên Bái trực tiếp đối thoại với các tham tán, các doanh nghiệp nước ngoài để nắm bắt được yêu cầu của đối tác; đồng thời, giới thiệu các thế mạnh của các sản phẩm nông sản, từ đó các bên thuận lợi trong việc ký kết các hợp đồng thương mại quốc tế.

Hồng Duyên

Tags Yên Bái cạnh tranh xuất khẩu nông lâm sản thủy sản quế sơn tra tre măng Bát độ dâu tằm

Các tin khác
Giá xăng được điều chỉnh giảm.

Giá xăng trong nước hôm nay (16/5) được liên bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh giảm. Mỗi lít xăng RON 95 giảm 410 đồng, giá bán xuống mốc 23.130 đồng/lít.

12.300 lượng vàng miếng SJC đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đấu thầu bán thành công.

Kết quả phiên đấu thầu vàng miếng SJC sáng 16/5, có 11 thành viên trúng thầu với tổng khối lượng 12.300 lượng vàng.

Khách hàng sẽ được gia hạn nợ đến hết năm nay.

Ngân hàng Nhà nước đề xuất gia hạn thời gian cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02 thêm 6 tháng, đến hết năm 2024.

Hôm nay, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đấu thầu vàng lần thứ 7. Ảnh minh họa.

Sáng 16/5, Ngân hàng Nhà nước sẽ tổ chức phiên đấu thầu vàng miếng lần thứ 7 với giá đặt cọc 87,5 triệu đồng một lượng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục