Dưa hấu đang là cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao so với các loại cây trồng ngắn ngày khác cho người dân vùng ven hồ Thác Bà.
Mời chúng tôi thưởng thức miếng dưa hấu có vị ngọt sắc, cùi mỏng, lõi dày, màu đỏ rực ngay giữa đảo hồ, chị Tạ Thị Thành, thôn Đồng Tý, xã Phúc An phấn khởi: "Trước đây, khi nước hồ rút gia đình chỉ trồng ngô, song hiệu quả không cao. Khi thấy bà con ở đây trồng nhiều dưa hấu, dưa lê cho thu nhập cao cùng với được chính quyền xã tuyên truyền nên gia đình cũng trồng thử. Năm nay là năm thứ 4 gắn bó với cây dưa, tôi thấy cây dưa cho hiệu quả kinh tế cao mà không mất nhiều công chăm sóc. Thời gian tới, nước rút tới đâu, gia đình lại tiếp tục trồng dưa đến đó”.
Cũng là một trong những hộ có nhiều năm canh tác trên đất hồ Thác Bà, nhận thấy hiệu quả kinh tế từ trồng dưa hấu, năm nay gia đình bà Bàn Thị Quế, thôn Máy Đựng, xã Yên Thành đã tăng diện tích trồng dưa lên trên 1,6 ha.
Bà Quế cho biết: "Được hỗ trợ hạt giống và được Trung tâm Dịch vụ Hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện hướng dẫn áp dụng thêm một số kỹ thuật mới, đặc biệt là không dùng thuốc bảo vệ thực vật nên dưa hấu sinh trưởng, phát triển tốt với trọng lượng trung bình khoảng 3kg/quả. Với giá dưa ổn định như hiện nay thì dự kiến hết vụ, tôi sẽ thu gần 100 triệu đồng”.
Năm nay, cả xã Yên Thành có trên 200 hộ trồng dưa, tập trung nhiều nhất ở các thôn: Máy Đựng, Ngòi Khương, Khe Cạn, Ngòi Di. Nhờ điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp cùng việc bà con tích cực áp dụng khoa học, kỹ thuật vào trồng, chăm sóc nên dưa hấu, dưa lê trồng trên đảo hồ Thác Bà cho năng suất cao, có hương vị thơm, ngọt, đặc biệt không dùng thuốc bảo vệ thực vật nên được khách hàng ưa chuộng. Năng suất dưa khoảng gần 30 tấn/ha, với giá bán trung bình dưa hấu từ 8.000 - 15.000 đồng/kg, dưa lê 15.000 - 20.000 đồng/kg giúp người dân xã Yên Thành có lãi từ 70 đến 120 triệu đồng/vụ.
Ông Nguyễn Văn Yên - Chủ tịch UBND xã Yên Thành cho biết: "Thực hiện chủ trương phát triển kinh tế địa phương, chúng tôi đã triển khai đồng loạt đến các hộ để bà con biết và chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng dưa tại đảo hồ. Hiệu quả trồng dưa những năm qua rất rõ rệt nên ngày càng có nhiều hộ trồng dưa. Từ việc bà con tích cực áp dụng khoa học, kỹ thuật trong quá trình trồng, chăm sóc và đảm bảo sản phẩm khi xuất ra thị trường là dưa sạch. Năm nay, xã đang chuẩn bị các điều kiện xây dựng thương hiệu cho cây dưa hấu trở thành sản phẩm OCOP, huy động tối đa các nguồn lực tập trung sản xuất hàng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm, tuân thủ các điều kiện, quy trình xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP”.
Trung bình một vụ dưa trên đất bán ngập kéo dài từ tháng Giêng đến hết tháng 6 (Âm lịch) hàng năm, là cơ hội tăng thu nhập cho người dân các xã vùng Đông Hồ Thác Bà, huyện Yên Bình. Năm 2022, bà con trồng được gần 100 ha dưa, tập trung nhiều ở các xã: Mỹ Gia, Xuân Lai, Yên Thành, Phúc Ninh, Phúc An. Dưa ngon, mã đẹp, cho năng suất cao nên ngoài việc thương lái ra tận đảo thu mua thì các hộ còn bày bán dưa ở ven đường.
Ông Phạm Thành Đạt - Phó Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Bình cho hay: mô hình trồng dưa hấu, dưa lê trên đảo hồ đang mang lại giá trị kinh tế tương đối cao so với các loại cây trồng ngắn ngày khác. Do đó, huyện tập trung chỉ đạo các địa phương tích cực tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi diện tích cây ngắn ngày không hiệu quả sang trồng dưa; phối hợp với cơ quan chuyên môn tập huấn, hướng dẫn nông dân kỹ thuật trồng, chăm sóc dưa. Huyện đang xây dựng sản phẩm dưa hấu của xã Yên Thành và Mỹ Gia trở thành sản phẩm OCOP trong năm nay.
Đồng thời, vận động các hộ trồng dưa vùng ven hồ thành lập hợp tác xã liên kết sản xuất, tiêu thụ dưa với các doanh nghiệp nhằm mở rộng thị trường, tạo đầu ra ổn định để nông dân yên tâm sản xuất và nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm dưa sạch hồ Thác.
Thanh Chi