Thời điểm cao nhất, toàn tỉnh có trên 12.000 ha chè. Tuy nhiên, do nhiều biến cố, diện tích chè dần bị thu hẹp và từ năm 2016 đến nay giảm 2.220 ha chè; trong đó, huyện Trấn Yên giảm 1.042 ha.
Nguyên nhân giảm ở Trấn Yên là do chè già cỗi, thiếu kiến thiết cơ bản, ít đầu tư thâm canh, khai thác tận thu và một phần diện tích chuyển đổi trồng các loại cây lâm nghiệp, cây ăn quả, quế…; một phần giảm do thu hồi đất để làm các công trình giao thông, đất tái định cư do giải phóng mặt bằng.
Đồng thời, giá chè nguyên liệu thấp, bấp bênh, khiến nhiều hộ không còn mặn mà với cây chè. Dù vậy, trước những khó khăn trên, nhiều hộ làm chè đã tìm cho mình những hướng đi riêng: tập trung cải tạo giống chè già cỗi bằng những giống chè lai, chè nhập nội cho năng suất, chất lượng cao, đáp ứng cho chế biến chè xanh nội tiêu và xuất khẩu. Từ làm đơn lẻ, mạnh ai nấy làm thì nay liên kết thành nhóm hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất hàng hóa.
Cùng đó, huyện vẫn xác định chè là cây trồng chủ lực không chỉ góp phần xóa đói, giảm nghèo trong nông nghiệp, nông thôn mà còn tiến tới xuất khẩu làm giàu. Đồng thời, triển khai các dự án phát triển sản xuất, liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, áp dụng quy trình sản xuất chè sạch, chè VietGAP.
Điển hình như nhóm 5 hộ tại thôn Khe Năm, xã Hưng Khánh trước đây sản xuất đơn lẻ, nay liên kết lại và cùng sản xuất bằng giống chè Bát tiên, chè LDP1 với diện tích trên 5 ha. Các hộ sản xuất đều áp dụng quy trình VietGAP và có 3 hộ sản xuất, chế biến đóng gói sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP bán với giá 250.000 - 300.000 đồng/kg; chè VietGAP có giá từ 150.000 - 200.000 đồng/kg đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Tương tự, hộ ông Trần Đức Mạc, thôn Hồng Thái, xã Nga Quán có 1,5 ha chè Bát tiên và ông Mạc không bán chè nguyên liệu mà tự thu hái, chế biến chè xanh bình quân mỗi năm đạt khoảng 1,6 tấn, giá bán từ 200.000 - 250.000 đồng/kg cho thu nhập gần 340 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 150 triệu đồng. Ông Vũ Viết Quốc ở thôn Bảo Lâm, xã Bảo Hưng có 0,4 ha chè Bát tiên và sản xuất 2 - 3 tạ chè khô/năm, giá bán 200.000 - 250.000 đồng/kg, thu lãi 70 triệu đồng/năm. Ông Phan Tiến Viện, thôn Khe Ngay, xã Bảo Hưng với diện tích 0,54 ha, giống chè Bát tiên, sản lượng thu hoạch 7,5 tấn và tự chế biến chè khô, sau khi trừ chi phí được thu 120 triệu đồng. Ông Vũ Ngọc Tề, thôn Trực Thanh, xã Bảo Hưng, với 0,36 ha giống chè Bát tiên, sản lượng đạt 5,25 tấn búp tươi, giá bán 22.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí thu 80 triệu đồng.
Thực tế SXKD chè ở Bảo Hưng cho thấy, tuy không phải xã có nhiều chè, nhưng bằng việc đầu tư chăm sóc, thu hái đúng kỹ thuật, sản xuất chè sạnh, chè an toàn và đưa vào chế biến chè xanh nội tiêu đã mang lại hiệu quả khá cao.
Vì vậy, toàn bộ 230 ha chè trước đây thiếu đầu tư chăm sóc, thu hái bán cho các nhà máy chế biến chè đen, nay được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, thành lập Hợp tác xã Chè xanh chất lượng cao với 300 hộ tham gia, tạo thành 6 nhóm hộ sản xuất, chế biến chè xanh và năm 2020 nguồn thu từ chè đạt 13 tỷ đồng; năm 2021 đạt gần 14 tỷ đồng và thương hiệu chè Bát tiên Bảo Hưng đã có chỗ đứng trên thị trường, vào được các nhà hàng, siêu thị và tạo nguồn thu ổn định cho nông dân.
Việc SXKD chè sạch, chè VietGAP ở Trấn Yên đã mang lại hiệu quả kinh tế cao; do đó, các doanh nghiệp, địa phương trong tỉnh nói chung và ở Trấn Yên nói riêng cần tham khảo để tiếp tục đầu tư, cải tạo, liên kết phát triển nguyên liệu, nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường theo hướng phát triển bền vững.
Thanh Phúc