Để chủ động ứng phó thiên tai, sự cố điện mùa mưa bão đảm bảo duy trì nguồn sáng an toàn, ổn định đáp ứng hoạt động sản xuất - kinh doanh (SXKD) và sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn tỉnh, Công ty Điện lực Yên Bái (PCYB) đã chủ động theo dõi, nắm bắt diễn biến thời tiết, lập phương án cấp điện linh hoạt, hợp lý, đẩy mạnh tuyên truyền phòng tránh sự cố tai nạn điện, quyết tâm giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do mưa bão, dông sét, sạt lở gây ra. Để hiểu rõ thêm về nhiệm vụ này, phóng viên (P.V) Báo Yên Bái trao đổi với ông Cao Bình Định - Giám đốc PCYB.
P.V: Đề nghị ông cho biết tình hình cung ứng và sử dụng điện trên địa bàn tỉnh trong những tháng đầu năm 2022?
Ông Cao Bình Định: Trong 5 tháng đầu năm 2022, diễn biến thời tiết khắc nghiệt thường xảy ra mưa lớn kéo dài, dông sét và nắng nóng; dịch bệnh Covid-19 cũng gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động SXKD của các cơ quan, doanh nghiệp và khách hàng sử dụng điện.
Ông Cao Bình Định - Giám đốc Công ty Điện lực Yên Bái.
Sản lượng điện tiêu thụ của tỉnh trong 5 tháng đầu năm đạt 443,14 triệu kWh tăng trưởng 4,82% so với cùng kỳ năm 2021; công suất tiêu thụ điện toàn tỉnh đạt đỉnh là 216.4 MW tăng trưởng 5% so với cùng kỳ năm 2021.
Được sự hỗ trợ, chỉ đạo kịp thời của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, PCYB đã thực hiện tốt chủ đề "Thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả” là vừa chủ động thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 vừa đảm bảo cấp điện liên tục đáp ứng hoạt động SXKD cho các cơ quan, doanh nghiệp và đời sống sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Cùng đó, PCYB đã thực hiện nhiều giải pháp giảm suất sự cố lưới điện và đầu tư, cải tạo, xây dựng lưới điện, công trình chống quá tải. Đến nay, PCYB đã hoàn thành 18/18 hạng mục sửa chữa lớn và các hạng mục xây dựng cơ bản trong kế hoạch năm 2022.
Trong khoảng thời gian dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp, PCYB ưu tiên đảm bảo cấp điện cho các cơ sở y tế, bệnh viện điều trị, khu cách ly phòng, chống dịch Covid-19; Ban Giám đốc PCYB xây dựng kế hoạch triển khai đến các đơn vị điện lực có phương án kiểm tra, sửa chữa đường dây, trạm biến áp để duy trì cấp điện thông suốt trong dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần, Giỗ tổ Hùng Vương, dịp lễ 30/4 - 1/5…
Công nhân ngành điện bảo dưỡng trạm biến áp đảm bảo cấp điện mùa mưa bão.
P.V: PCYB đã triển khai công tác phòng chống thiên tai như thế nào để hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản khi mưa bão xảy ra, thưa ông?
Ông Cao Bình Định: Ngay từ đầu tháng 3 trước mùa mưa bão, PCYB đã kiện toàn, thành lập Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT - TKCN), đội xung kích PCYB và các điện lực cơ sở; xây dựng phương án PCTT - TKCN sẵn sàng, chủ động ứng phó trong mọi tình huống; tổ chức diễn tập PCTT - TKCN xử lý sự cố - an toàn cấp Công ty, cấp điện lực.
Đối với những vị trí xung yếu có nguy cơ xảy ra sự cố gây hư hỏng, sạt lở, ngập úng được rà soát, thống kê nhận diện như các móng cột gần taluy, gần bờ sông, suối được theo dõi thường xuyên. Cùng đó, chuẩn bị sẵn các phương án xử lý, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra như: Dùng đá hộc kè chân móng cột; chằng néo giữ cột hoặc di chuyển các cột có nguy cơ mất an toàn cao đến vị trí khác an toàn hơn để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó khi xảy ra thiên tai theo phương án đã lập nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại. Những thiết bị điện không đảm bảo tiêu chuẩn vận hành được gia cố, xử lý và thay mới đảm bảo vận hành an toàn.
Cùng đó, PCYB triển khai thực hiện kiểm tra, thí nghiệm định kỳ toàn bộ thiết bị lưới điện trước mùa mưa bão và xử lý các tồn tại khiếm khuyết của thiết bị sau kiểm tra, thí nghiệm; bổ sung thiết bị thông tin liên lạc cần thiết bảo đảm thông tin thông suốt trong mọi tình huống khẩn cấp, tổ chức phát quang cây trong và liền kề hành lang an toàn lưới điện.
Đối với các phương tiện, vật tư kỹ thuật phục vụ công tác PCTT - TKCN - cứu hộ được PCYB chuẩn bị chu đáo, chặt chẽ, sẵn sàng cơ động khi có tình huống xảy ra. Với phương châm "4 tại chỗ” điện lực các huyện, thị và thành phố đã xây dựng phương án chi tiết, sát thực, phù hợp tình hình địa bàn quản lý để kịp thời xử lý, khắc phục sự cố do mưa bão gây ra. Từ vật tư dự phòng như: máy biến áp, cột điện, sứ, dây dẫn điện cho đến áo phao, thuốc cấp cứu đều được trang bị đầy đủ sẵn sàng cơ động thực hiện nhiệm vụ, tăng cường lực lượng ứng trực tại các trạm, điểm nguy cơ xảy ra được duy trì 24/24 giờ.
P.V: Mùa mưa bão là thời điểm nguy cơ gia tăng vi phạm an toàn lưới điện và tai nạn điện trong nhân dân. Vậy, PCYB khuyến cáo gì cho người dân nâng cao nhận thức, ý thức đảm bảo an toàn điện khi xảy ra mưa lớn, lũ lụt?
Ông Cao Bình Định: PCYB đã chỉ đạo các phòng, đơn vị điện lực trực thuộc phối hợp với chính quyền các địa phương, cơ quan truyền thông trong tỉnh như: Báo Yên Bái, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh tăng cường tuyên truyền phổ biến phòng tránh tai nạn điện, an toàn điện trong nhân dân khi có thiên tai xảy ra như: mưa, bão, dông sét, sạt lở, lũ lụt.
Bên cạnh đó, PCYB phát tờ rơi tuyên truyền về các biện pháp phòng tránh tai nạn điện và công tác an toàn điện ở gia đình, khu dân cư giúp nâng cao nhận thức, ý thức cho người dân sử dụng điện an toàn, hiệu quả trong mùa mưa bão.
Ngành điện tuyên truyền, khuyến cáo người dân các biện pháp đảm bảo an toàn điện khi thiên tai xảy ra trong mùa mưa bão như: Không xây dựng, cơi nới nhà cửa và các công trình, đổ đắp đất, trồng cây vi phạm hành lang an toàn lưới điện; chặt tỉa cây cối trong và ngoài hành lang có nguy cơ đổ vào đường dây khi có mưa bão xảy ra; không đào đất gây lún sụt móng cột điện, trồng và để cành cây, dây leo của gia đình đeo, bám hoặc đến gần cột điện và dây dẫn điện.
Các hộ sử dụng điện kiểm tra lại toàn bộ hệ thống đường dây từ công tơ điện về hộ gia đình và thiết bị trong nhà; thay thế ngay các dây dẫn trần có tiết diện nhỏ, cách điện không đảm bảo, cột tre gỗ, sứ cách điện vỡ và thiết bị điện không đảm bảo an toàn.
Khi mạng điện của gia đình có nguy cơ bị ngập nước do lũ lụt, phải cắt ngay cầu dao, cầu chì, aptomat... nơi đầu nguồn điện vào nhà, để đề phòng mạng điện bị ngập nước gây tai nạn chết người. Thông báo ngay cho ngành điện biết để phối hợp xử lý đảm bảo an toàn.
Không di chuyển, đi lại bằng tàu, thuyền, bè… trong vùng ngập lụt có đường dây điện sát gần với mặt nước để tránh phóng điện gây tai nạn. Khi thấy hiện tượng bất thường, đứt dây, đổ cột, nước ngập dây dẫn điện thì người dân không được đến gần, cầm nắm vào dây mà phải nhanh chóng tìm cách báo ngay cho đơn vị quản lý điện hoặc chính quyền địa phương gần nhất biết để xử lý kịp thời.
Khi có người bị điện giật phải hô to gọi mọi người đến cứu giúp. Nếu dây dẫn còn dính với nạn nhân thì phải nhanh chóng cắt nguồn điện hoặc dùng vật dụng cách điện cắt đứt dây dẫn trước, dùng gậy khô cách điện để tách dây điện ra khỏi nạn nhân; sau đó, đưa nạn nhân ra chỗ an toàn để cứu chữa, tuyệt đối không được chạm vào nạn nhân khi chưa tách khỏi nguồn điện sống.
P.V: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Bùi Minh (thực hiện)