Định hướng phát triển mô hình nông nghiệp đặc trưng

  • Cập nhật: Thứ năm, 17/11/2022 | 1:50:33 PM

YênBái - Huyện Văn Chấn đã quy hoạch và phát triển nhiều vùng chuyên canh sản xuất nông, lâm sản hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp của Văn Chấn còn đối mặt với không ít khó khăn, thách thức do thời tiết, khí hậu, dịch bệnh và giá cả thị trường. Chính vì vậy, việc phát triển các mô hình nông nghiệp đặc trưng gắn với xây dựng nông thôn mới phù hợp với đặc thù của mỗi xã, thị trấn là định hướng quan trọng.

Mô hình quế hữu cơ của người dân thôn Vàng Ngần, xã Suối Quyền, huyện Văn Chấn cho hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình quế hữu cơ của người dân thôn Vàng Ngần, xã Suối Quyền, huyện Văn Chấn cho hiệu quả kinh tế cao.

Những năm qua, Văn Chấn đã triển khai có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi phát triển khá đa dạng như: vùng cao có quế, thảo quả, chè Shan tuyết, mắc ca, măng sặt, chăn nuôi đại gia súc; khu vực trung tâm và vùng ngoài có chè, cây ăn quả có múi, cây dâu tằm tơ, trồng rừng, chăn nuôi thủy đặc sản, gia súc, gia cầm quy mô vừa và nhỏ. 

Tuy nhiên, số lượng các mô hình vẫn còn hạn chế, nhiều địa phương chưa có lựa chọn được cây, con giống chủ lực để phát triển kinh tế, các nông sản thế mạnh chưa có tính đặc trưng mang giá trị riêng biệt, góp phần quảng bá sản phẩm nâng cao thu nhập của người nông dân. 

Nhận thức được những hạn chế đó, những năm gần đây, huyện đã triển khai nhiều mô hình để đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, vật nuôi tạo thế cân bằng trong phát triển nông, lâm nghiệp giữa các khu vực. Ngoài các đề án hỗ trợ phát triển cây quế và phát triển cây ăn quả có múi của tỉnh, huyện hỗ trợ phát triển cây măng sặt, cây mắc ca, na dai, chăn nuôi gà đen, lợn bản địa. 

Các mô hình bước đầu đã khẳng định hiệu quả cho thu nhập gấp 3 - 5 lần trồng lúa. Đặc biệt, việc đưa các mô hình hỗ trợ sản xuất đã thay đổi tư duy, tập quán sản xuất, giúp người nông dân lựa chọn được cây, con giống phù hợp để đẩy mạnh sản xuất. 

Bà Sùng Thị Xía - Phó Chủ tịch UBND xã Suối Bu chia sẻ: "Sau thời gian được hỗ trợ phát triển mô hình trồng na dai, na Thái, chúng tôi thấy đây là cây trồng mới nhưng phát triển rất tốt. Sau hơn 3 năm trồng thử nghiệm, đến nay, nhiều diện tích cho thu hoạch bói nên người dân rất phấn khởi. Đây là cây trồng để đồng bào Mông lựa chọn thay thế cây ngô trên các khu vực đồi, núi đá, giúp người dân nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo”.

Sau nhiều nỗ lực, những nông sản đặc trưng của địa phương đã bắt đầu định danh trên thị trường. Đến nay, huyện có 19 sản phẩm đạt chuẩn OCOP. Trong đó: 10 sản phẩm đạt 4 sao, 9 sản phẩm đạt 3 sao. Tuy nhiên, các sản phẩm chất lượng cao chủ yếu thuộc nhóm các sản phẩm sau chế biến, chưa thực sự trở thành sản phẩm đặc trưng của xã, thị trấn. 

Mặt khác, các mô hình sản xuất đặc trưng từng khu vực chưa nhiều, chưa phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Vì vậy, huyện đang tiếp tục tạo điều kiện cho nhân dân phát triển sản phẩm đặc trưng, truyền thống của địa phương, khai thác hiệu quả hơn tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, phát triển các sản phẩm có chất lượng theo đúng quy chuẩn, tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. 

Với mục tiêu tạo ra các mô hình nông nghiệp tiêu biểu, gắn với đặc thù của mỗi địa phương, huyện đang chỉ đạo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp với các xã, thị trấn hỗ trợ xây dựng các mô hình kinh tế đặc trưng, gắn với thế mạnh của từng địa phương. 

Các mô hình phải đảm bảo về quy mô, số hộ tham gia, hiệu quả sản xuất và tính riêng biệt, đặc trưng của mỗi địa phương. Huyện cũng xem xét cơ chế, chính sách cụ thể để hỗ trợ cho mỗi mô hình, tạo động lực thúc đẩy sâu rộng và đồng bộ; có cơ chế chính sách quan tâm đến việc hỗ trợ phát triển theo hướng nội sinh và gia tăng giá trị nhằm khai thác sản phẩm thế mạnh, đặc hữu của địa phương, tạo tiền đề cho phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của nhân dân trên địa bàn. 

Tiếp tục lựa chọn phát triển các loại cây, con chủ lực, củng cố, hoàn thiện tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa các hộ sản xuất với hợp tác xã và doanh nghiệp, sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn. Qua đó, xem xét, đánh giá, rút kinh nghiệm, tổ chức liên kết, mở rộng sản xuất giúp người nông dân nâng cao giá trị kinh tế trên mỗi đơn vị diện tích canh tác.

Trần Van

Tags Văn Chấn nông nghiệp đặc trưng chuyên canh nông thôn mới OCOP

Các tin khác
Gạo Việt Nam tại hệ thống bán lẻ của Pháp.

Lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 10/2022 đạt 713.546 tấn, trị giá 341 triệu USD, tăng 22,3% về lượng và tăng 23,9% về trị giá so với tháng 9/2022.

Nhiều cây xăng tại Hà Nội không còn tình trạng tắc nghẽn do quá đông người xếp hàng dài chờ mua như những ngày trước.

Giá xăng dầu thế giới trong những ngày qua diễn biến tăng giảm trái chiều song xu hướng chung là tăng, có thể gây áp lực đến giá bán lẻ trong nước kỳ điều chỉnh tới.

Người dân yên tâm với sự điều hành, quản lý của cơ quan chức năng trong việc điều tiết mặt hàng xăng, dầu trên địa bàn tỉnh Yên Bái. (Ảnh: Thanh Chi)

Trước tình trạng một số cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh tạm ngưng phục vụ, có nơi bán xăng dầu hạn chế số lượng, phóng viên (P.V) Báo Yên Bái đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đình Chiến - Phó Giám đốc Sở Công Thương về vấn đề này.

Toàn cảnh cầu Giới Phiên.

Đến nay, công trình cầu Giới Phiên vượt sông Hồng cơ bản xong phần trụ T5, T6, T7 và T8 ở giữa sông, ước đã đạt 35% khối lượng công việc. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính tập trung nhân lực đẩy nhanh tiến độ thi công.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục