Những năm qua, huyện chú trọng quy hoạch diện tích, hỗ trợ và động viên nhân dân tập trung nâng cao chất lượng các sản phẩm chủ lực nên sản lượng và chất lượng nông, lâm sản của địa phương ngày càng được khẳng định.
Tuy nhiên, do chưa có thị trường tiêu thụ ổn định nên giá trị các mặt hàng nông, lâm sản chưa tương xứng. Tạo "giấy thông hành” giúp nông dân nâng cao chất lượng sản phẩm, huyện nỗ lực xúc tiến, quảng bá, từng bước xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản chủ lực.
Năm 2022, cùng với việc hoàn thành hầu hết các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm, nhân dân trong huyện còn đón thêm niềm vui khi được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm "Chè Shan tuyết Suối Giàng”, "Cam Văn Chấn” và Nhãn hiệu tập thể "Mật ong Văn Chấn”.
Theo đó, văn bằng bảo hộ Chỉ dẫn địa lý "Cam Văn Chấn” được cấp cho 9 xã, thị trấn vùng ngoài và thị trấn Sơn Thịnh; Chỉ dẫn địa lý "Chè Shan tuyết Suối Giàng” được cấp cho 7 xã vùng cao có nhiều diện tích chè Shan tuyết Suối Giàng; Nhãn hiệu tập thể "Mật ong Văn Chấn” được cấp cho các hộ nông dân thị trấn Sơn Thịnh.
Trên cơ sở việc cấp nhãn hiệu bảo hộ, bước đầu UBND huyện Văn Chấn trao quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý "Chè Shan tuyết Suối Giàng” cho 3 doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) tại xã Suối Giàng; cấp quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý sản phẩm "Cam Văn Chấn” cho HTX Trồng cây ăn quả Bình Thuận và 1 hộ gia đình tại xã Bình Thuận; Hội Nông dân huyện trao quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể "Mật ong Văn Chấn” cho 7 hộ nông dân trên địa bàn xã Sơn Thịnh.
Doanh nghiệp Sổng Gia Trà, xã Suối Giàng do anh Giàng A Súa làm chủ doanh nghiệp là 1 trong 3 đơn vị được nhượng quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý sản phẩm "Chè Shan tuyết Suối Giàng” chia sẻ: Chúng tôi rất vinh dự và phấn khởi khi được nhận quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý. Có Chỉ dẫn địa lý sản phẩm khách hàng sẽ biết rõ nguồn gốc các sản phẩm chè của Suối Giàng nói chung và của doang nghiệp chúng tôi nói riêng, từ đó đánh giá chất lượng và đặt hàng, sử dụng sản phẩm nhiều hơn. Chúng tôi sẽ sử dụng, quản lý chặt chẽ Chỉ dẫn địa lý, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm để khẳng định tên tuổi, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm chè Shan tuyết Suối Giàng.
Với 2 sản phẩm vừa được cấp bảo hộ Chỉ dẫn địa lý, đến nay huyện Văn Chấn đã có 4 sản phẩm nông sản chủ lực là Gạo nếp Tan - Tú Lệ, Ba ba gai Văn Chấn, Cam Văn Chấn và Chè Shan tuyết Suối Giàng được cấp văn bằng bảo hộ Chỉ dẫn địa lý; 2 sản phẩm là Cam Văn Chấn và Mật ong Văn Chấn được cấp Nhãn hiệu tập thể.
Các sản phẩm được bảo hộ Chỉ dẫn địa lý và Nhãn hiệu tập thể có thể coi đó như "giấy thông hành" để rộng thị trường trong và ngoài nước, qua đó khẳng định uy tín, chất lượng các sản phẩm nông sản Văn Chấn, mở ra nhiều cơ hội mới cho nông dân trong việc tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị sản xuất.
Hiện nay, huyện Văn Chấn có trên 4.500 ha chè, 2.500 ha cam, trên 9.000 ha quế và trên 2.700 ha lúa nước. Tổng sản lượng lương thực hàng năm đạt trên 46.000 tấn, sản lượng chè búp tươi đạt trên 46.000 tấn, sản lượng quả tươi đạt trên 13.000 tấn, sản lượng vỏ quế trên 7.000 tấn.
Với trên 3.600 hộ dân tham gia sản xuất nông, lâm nghiệp, huyện xác định kinh tế nông, lâm nghiệp là chủ lực. Huyện quan tâm quy hoạch diện tích đất và lựa chọn các sản phẩm nông, lâm nghiệp thế mạnh vận động nhân dân đầu tư, nâng cao chất lượng.
Đến nay, huyện đã lựa chọn được 6 sản phẩm nông, lâm sản đặc sản là gạo nếp Tan Tú Lệ, chè Shan hữu cơ, quế hữu cơ, cây dược liệu, gà đen cùng hàng chục sản phẩm nông sản chủ lực khác. Hiện có 21 sản phẩm chủ lực đã được cấp chứng nhận OCOP.
Nhiều sản phẩm đã và đang được xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, được khách hàng trong và ngoài nước đánh giá cao. Với sản phẩm đa dạng, số lượng tương đối lớn, việc đa dạng hoá thị trường, kênh phân phối, tránh bị phụ thuộc thương lái, giảm rủi ro cho nhân dân là mục tiêu ưu tiên của huyện.
Cùng với việc tăng cường xúc tiến, quảng bá sản phẩm, thời gian qua huyện đặc biệt quan tâm xác lập quyền chỉ dẫn địa lý đối với một số sản phẩm nông sản chủ lực và xây dựng các công cụ phục vụ công tác quản lý chỉ dẫn địa lý.
Ông Đinh Văn Trường - Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn chia sẻ: Hiện nay hầu như xã, thị trấn nào trên địa bàn huyện cũng có những sản phẩm nông sản chủ lực, sản phẩm mang tính đặc trưng riêng và tạo nên thế mạnh của địa phương. Do đó, huyện xác định các sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý có ý nghĩa kinh tế quan trọng, góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
Được cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý, chúng tôi sẽ tổ chức phân quyền hợp lý và quản lý chặt chẽ quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể để từng bước xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản chủ lực.
Trước mắt, huyện chỉ đạo kiện toàn, nâng cao năng lực của Tổ Quản lý Chỉ dẫn địa lý; tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân nhằm tuân thủ một cách chặt chẽ quy trình trồng và sản xuất nông, lâm sản đảm bảo đặc tính của sản phẩm và tiêu chuẩn chất lượng. Phối hợp chặt chẽ của các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị, cá nhân sử dụng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu sản phẩm, đảm bảo thông tin đầy đủ, xuyên suốt, hỗ trợ hiệu quả, kịp thời người nông dân.
Việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản, đặc sản của Văn Chấn gắn với chỉ dẫn địa lý đã và đang trở thành một định hướng quan trọng nhằm gia tăng giá trị của sản phẩm, khẳng định thương hiệu cho các sản phẩm đặc sản của địa phương. Từ nỗ lực xây dựng "giấy thông hành" cho các sản phẩm chủ lực, Văn Chấn đã và đang tạo ra công cụ đắc lực hỗ trợ cho các sản phẩm nông sản có thêm lợi thế cạnh tranh, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm ra thị trường trong nước và quốc tế.
Bà Lâm Thị Kim Thoa - Giám đốc Hợp tác xã Suối Giàng
Là đơn vị sản xuất kinh doanh chè Suối Giàng nhiều năm, chúng tôi thấy việc cấp văn bằng bảo hộ Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm "Chè Shan tuyết Suối Giàng” có ý nghĩa hết sức quan trọng giúp khẳng định nguồn gốc chất lượng sản phẩm. Chúng tôi rất vinh dự và phấn khởi là một trong số ít đơn vị được trao quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý "Chè Shan tuyết Suối Giàng”. Chúng tôi sẽ tiếp cận, sử dụng có hiệu quả Chỉ dẫn địa lý vào các sản phẩm chè của đơn vị, đồng thời tiếp tục áp dụng công nghệ để nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm chè của đơn vị, góp phần khẳng định tên tuổi, giá trị sản phẩm chè Shan tuyết Suối Giàng.
Ông Triệu Như Đình - Chủ tịch UBND xã Minh An
Được trao quyền Chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm "Cam Văn Chấn” là nguồn cổ vũ động viên nhân dân tập trung thâm canh, chăm sóc, áp dụng các quy trình sản xuất nông sản sạch, nâng cao chất lượng sản phẩm. Cùng với Nhãn hiệu "Cam Văn Chấn”, "Chỉ dẫn địa lý sản phẩm "Cam Văn Chấn” sẽ giúp khách hàng trong và ngoài nước biết đến các sản phẩm cam quả của Minh An nói riêng và Văn Chấn nói chung, qua đó giúp người trồng cam tiêu thụ thuận lợi, nâng cao giá trị và thu nhập.
Ông Nguyễn Văn Bắc - Tổ dân phố Hà Thịnh, thị trấn Sơn Thịnh
Là một trong 4 hộ dân được cấp quyền sử dụng Nhãn hiệu tập thể "Mật ong Văn Chấn”, chúng tôi cảm thấy rất vinh dự và phấn khởi. Trước đây, chúng tôi rất lo lắng vì việc tiêu thu mật ong rất thất thường, chủ yếu buôn bán nhỏ lẻ và phụ thuộc vào tư thương. Được cấp Nhãn hiệu tập thể, sản phẩm mật ong của chúng tôi cũng được đưa lên sàn thương mại điện tử Postmart nên khách hàng biết đến nhiều hơn, việc tiêu thụ bước đầu thuận lợi hơn rất nhiều.
Trần Van (thực hiện) |
Hồng Hải