Việt Hồng phát triển nghề nuôi cá tầm

  • Cập nhật: Thứ sáu, 31/3/2023 | 7:30:16 AM

YênBái - Xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển nghề nuôi cá nước lạnh. Tận dụng tiềm năng sẵn có, vài năm gần đây, một số hộ đã phát triển các mô hình nuôi cá tầm và bước đầu đạt những thành công.

Cơ sở nuôi cá tầm mới đầu tư xây dựng của anh Nguyễn Đình Huyền ở thôn Bản Nả, xã Việt Hồng.
Cơ sở nuôi cá tầm mới đầu tư xây dựng của anh Nguyễn Đình Huyền ở thôn Bản Nả, xã Việt Hồng.

Ưu thế về địa hình, có nguồn nước sạch dồi dào, lạnh chảy từ núi cao xuống cùng với khí hậu mát mẻ quanh năm là điều kiện thích hợp để nuôi các giống cá nước lạnh như cá tầm. Sau khi đi tham quan, học tập kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi cá tầm ở nhiều nơi như: Lào Cai, Phú Thọ, Sơn La…, năm 2019, anh Đào Văn Phú và anh Hoàng Văn Bình ở thôn Bản Nả cùng nhau đầu tư xây dựng cơ sở nuôi cá tầm với quy mô hơn 2.300 m2 gồm 11 bể nuôi cá thịt, 24 bể ươm cá giống (chủ yếu nuôi giống cá tầm Siberi). Đến nay, cơ sở nuôi cá tầm đã có thể nuôi cá tầm thương phẩm và ươm giống cung cấp cho các cơ sở nuôi khác trong và ngoài địa phương. 

Anh Đào Văn Phú chia sẻ: "Nhờ chủ động nguồn nước ra vào liên tục nên cá tầm phát triển mạnh, cho năng suất cao. Đây là giống cá có giá trị kinh tế cao và không phải địa phương nào cũng nuôi được. Hiện, đầu ra của cá thịt được các nhà hàng trong, ngoài tỉnh tiêu thụ hết nên chúng tôi yên tâm sản xuất và giá cá tầm thương phẩm đang dao động trung bình khoảng 200.000 đồng/kg”.

Cá tầm là loài cá đặc sản có giá trị dinh dưỡng cao, dễ chế biến thành nhiều món ăn được người tiêu dùng ưa chuộng. Đây cũng là đối tượng nuôi cho giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, cá tầm được đánh giá là đối tượng nuôi khó tính, đòi hỏi điều kiện môi trường sống khắt khe hơn các đối tượng thủy sản nước ngọt khác như: phải có nguồn nước lưu thông tốt, ngưỡng nhiệt độ để sinh trưởng, phát triển tốt không quá 27oC; độ pH từ 6,5 - 8. 

Theo anh Phú, nghề ươm giống, nuôi thương phẩm cá tầm không mất nhiều công chăm sóc, song yêu cầu kỹ thuật cao, đặc biệt là phải đảm bảo cung cấp đủ nguồn nước lạnh sạch, khử trùng, điều chỉnh nhiệt độ nước đúng tiêu chuẩn thì cá sẽ ít bị nhiễm bệnh và sinh trưởng phát triển tốt. Thức ăn của cá không quá cầu kỳ, chủ yếu là thức ăn công nghiệp. Ngoài ra, có thể ăn thêm tôm, tép nhỏ. Mỗi lứa nuôi, cơ sở có thể nuôi được 5.000 con, sản lượng thu hoạch hơn 10 tấn và đem lại thu nhập gần 1,5 tỷ đồng. 

Cá tầm thương phẩm nuôi khoảng 15 tháng đạt trọng lượng từ 2 - 2,5 kg/con trở lên và có thể xuất bán. Thị trường tiêu thụ cá giống, cá thương phẩm hầu hết là tại địa phương và trong, ngoài tỉnh lân cận. Giá bán bình quân 15.000 đồng - 17.000 đồng/con; cá thương phẩm có giá trung bình 200.000 đồng - 250.000đồng/kg, cao hơn so với các loại cá nuôi khác. 

Hiện nay, ở Việt Hồng đã có 4 cơ sở nuôi cá tầm với quy mô nhỏ và vừa. Việc nuôi cá tầm được nhân rộng sẽ có thêm đối tượng nuôi mới cho giá trị, hiệu quả kinh tế cao, khai thác có hiệu quả tiềm năng nguồn nước lạnh, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập của người dân nông thôn. 

Anh Nguyễn Đình Huyền - chủ cơ sở nuôi cá tầm ở thôn Bản Nả cho biết: "Hiện nay, tại địa phương đã có một vài cơ sở nuôi cá tầm đem lại hiệu quả kinh tế cao. Sau khi tham khảo, học tập và được sự giúp đỡ về kỹ thuật của anh Phú, năm 2022, tôi quyết định định đầu tư hơn 200 triệu đồng để xây dựng bể nuôi cá tầm. Cơ sở của tôi nhập giống cá của anh Phú và chỉ tập trung nuôi cá thịt. Năm 2023, tôi mới bắt tay vào nuôi lứa cá tầm đầu tiên và hy vọng sẽ đạt được hiệu quả kinh tế”. 

Đồng chí Triệu Khánh Thiện - Chủ tịch UBND xã Việt Hồng cho biết thêm: "Hiện nay, chính quyền địa phương đang phối hợp với các ngành chức năng của huyện tiếp tục có các chính sách hỗ trợ người chăn nuôi; khuyến khích các hộ thành lập HTX nuôi cá tầm để liên kết chặt chẽ với nhau trong chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm”.

Cùng đó, để phát triển bền vững nghề nuôi cá tầm, ngoài việc có đủ các điều kiện tự nhiên về môi trường, khí hậu thì các tổ chức, cá nhân đã và đang dự định phát triển sản xuất cá tầm cần phải có đủ tiềm lực tài chính để đầu tư cơ sở hạ tầng đảm bảo áp dụng đúng quy trình kỹ thuật trong sản xuất giống và nuôi thương phẩm. Đặc biệt, chính quyền địa phương cần phối hợp với các ngành chuyên môn định hướng, quy hoạch vùng sản xuất, tuyên truyền các hộ liên kết trong sản xuất để xây dựng thương hiệu sản phẩm, tìm thị trường tiêu thụ ổn định. 

Thanh Tiến - Lộc Chầm (Trung tâm TT&VH Trấn Yên)

Tags Việt Hồng cá tầm chăn nuôi sản phẩm liên kết sản xuất thương hiệu

Các tin khác
Nông dân xã Vĩnh Kiên vay vốn từ NHCSXH nuôi trâu

Với mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng đặc thù, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Yên Bình đã thực hiện tốt việc phối hợp với Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên trong quá trình thực hiện nội dung ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Giá xăng được điều chỉnh giảm.

Giá xăng trong nước hôm nay (25/4) được liên bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh giảm. Mỗi lít xăng RON 95 giảm 320 đồng, giá bán xuống dưới mức 25.000 đồng/lít.

NHNN hủy phiên đấu thầu vàng miếng ngày 25-4

Phiên đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng sáng nay (25/4) lại bị hủy do chỉ có một đơn vị duy nhất nộp phiếu dự thầu.

Giá vàng miếng SJC tăng mạnh hơn 1 triệu đồng/lượng.

Sáng nay (25/4), giá vàng miếng SJC tiếp tục tăng mạnh tiến sát mốc 85 triệu đồng/lượng. Bất chấp việc Ngân hàng Nhà nước chuẩn bị đấu thầu vàng lần thứ hai, giá vàng miếng vẫn có xu hướng tăng không kiểm soát.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục