Để thành công trong huy động sức dân xây dựng nông thôn mới - Bài 1: Từ thực tiễn ở cơ sở

  • Cập nhật: Thứ tư, 11/10/2023 | 2:01:13 PM

YênBái - Để thành công trong dân vận huy động sức dân xây dựng nông thôn mới (XDNTM) chẳng những cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị mà còn cần đến sự quyết tâm, kiên trì, làm gương và nêu gương của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Thực tiễn ở cơ sở đã khẳng định những điều này.

Người dân Lục Yên tình nguyện chặt bỏ cây cối trên đất để hiến đất làm đường.
Người dân Lục Yên tình nguyện chặt bỏ cây cối trên đất để hiến đất làm đường.


Để thành công trong tuyên truyền, vận động nhất định phải quyết tâm, kiên trì, làm gương và nêu gương. Ấy cũng chính là những yếu tố cơ bản đã được đúc rút từ thực tiễn quá trình XDNTM trên địa bàn tỉnh. Để thành công trong dân vận huy động sức dân XDNTM chẳng những cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị mà còn cần đến sự quyết tâm, kiên trì, làm gương và nêu gương của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Thực tiễn ở cơ sở đã khẳng định những điều này.

Thôn Làng Già, xã Yên Thắng (Lục Yên) phấn đấu XDNTM kiểu mẫu từ năm 2022. Từ năm 2021 đến nay, nhân dân trong thôn đã đóng góp 643 triệu đồng phục vụ XDNTM kiểu mẫu, cho các phần việc: mở rộng 1,5 km trục đường chính trong thôn từ 3m lên 5m; làm 350m đường bê tông ngõ xóm; chỉnh trang, mua sắm, xây dựng các công trình nhà văn hóa và xây cổng làng văn hóa thôn. Làng Già cũng là một trong những điểm sáng, tiên phong trong phong trào hiến đất làm đường. 

Để mở rộng mặt đường 1,5 km đường trục chính của thôn, 16 hộ dân đã hiến trên 1.300m2 đất, chặt hạ trên 1.000 cây cối, phá dỡ trên 500m tường rào. Đến nay, 100% các tuyến đường liên thôn, ngõ xóm của thôn đã được bê tông hóa và có điện thắp sáng. 

Ông Nguyễn Ngọc Minh - Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Làng Già cho biết: Ban đầu, việc vận động người dân hiến đất làm đường, đóng góp kinh phí XDNTM kiểu mẫu gặp không ít khó khăn với nhiều lý do được các gia đình đưa ra, như: gia đình không có tiền, muốn được đền bù, hỗ trợ. 

Với tinh thần quyết tâm, Chi bộ đã cử Ban Công tác Mặt trận, các chi hội đoàn thể, người có uy tín đến các gia đình, "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng hộ” gặp gỡ, nói chuyện, lắng nghe, giải thích với phương châm "mưa dầm thấm lâu” và đặc biệt là lấy những tấm gương tiêu biểu đi đầu trong phong trào hiến đất của xã, của huyện để tuyên truyền, thuyết phục, đồng thời nêu cao tinh thần tiên phong, hành động nêu gương của cán bộ, đảng viên. 

"Với người dân, chúng tôi cũng quán triệt tinh thần nhà nào không có của thì đóng góp công và phân kỳ đóng góp. Nhờ vậy mà thôn đã huy động tốt được sức dân cho mục tiêu XDNTM kiểu mẫu” - ông Minh chia sẻ.


Xã Mường Lai - điểm sáng của huyện Lục Yên trong phong trào hiến đất làm đường. Từ năm 2020 đến nay, nhân dân Mường Lai đã đóng góp được trên 4 tỷ đồng để bê tông hóa trên 20 km đường giao thông. Toàn xã có trên 500 hộ gia đình hiến trên 20.000 m2 đất, trên 5.000 cây cối, trên 1.500 m2 vật kiến trúc để làm đường. Đến nay, tỷ lệ cứng hóa đường giao thông trên địa bàn xã đạt trên 75%. 

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Mường Lai Triệu Văn Huấn cho hay: "Ngay từ đầu, xác định vận động nhân dân hiến đất làm đường là việc khó nên Đảng ủy xã cũng xác định rõ là dù khó khăn đến mấy cũng phải quyết tâm làm”. 

Với quyết tâm đó, Mường Lai đã áp dụng linh hoạt nhiều cách thức trong tuyên truyền, vận động nhân dân, trong đó sau khi thông tin rõ về chủ trương, mục đích, ý nghĩa của những tuyến đường khi được đầu tư thì duy trì sự kiên trì thuyết phục đối với các hộ còn chưa đồng thuận. 

Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Thị Hà khẳng định: "Sự kiên trì của đội ngũ cán xã trong quá trình tuyên truyền, vận động nhân dân chính là một yếu tố vô cùng quan trọng. Cán bộ xã chúng tôi xác định luôn phải giữ thái độ tôn trọng nhân dân, ghi nhận từ những đóng góp nhỏ bé nhất của nhân dân. Dù có những hộ chúng tôi phải trở đi trở lại nhiều lần để vận động nhưng vẫn luôn giữ một thái độ tôn trọng nhất mực với người dân, kiên trì vận động, giải thích, thuyết phục”. 


Những con đường mới ở Lục Yên có sự đóng góp lớn của người dân bằng việc hiến đất làm đường. 

Đồng thời, phương thức làm gương, nêu gương cũng đã được cấp ủy, chính quyền xã Mường Lai vận dụng. Ông Hoàng Văn Kê - thôn 12 là hộ tiên phong hiến đất phục vụ tuyến đường Mường Lai - Liễu Đô. Xã lấy việc làm của ông Kê để biểu dương và nhanh chóng thông tin tới đông đảo người dân, bằng cả trực tiếp và trên mạng xã hội, từ đó dần tạo hiệu ứng đồng thuận lan tỏa tới vài hộ, nhiều hộ rồi tới toàn thể 32 hộ dân có đất bị ảnh hưởng trên toàn tuyến. 

Trong vận động nhân dân mở rộng, sửa chữa tuyến đường từ thôn 1 nối với trung tâm xã, xã lại lấy hành động, việc làm của đội ngũ cán bộ làm gương cho nhân dân. Khi người dân chưa đồng lòng chung tay, góp sức cải tạo tuyến đường, xã huy động tất cả cán bộ, công chức tập trung san lấp những điểm lầy lội; những đoạn đường chật hẹp thì từng bước vận động nhân dân hiến đất, cây cối, tường rào mở rộng và vận động xã hội hóa rải đá dăm. Nhìn thấy những đoạn lầy lội được cải thiện, đoạn chật hẹp được mở rộng thông thoáng, người dân đã đồng lòng, đồng sức với cán bộ xã, vừa góp công vừa hiến đất vừa góp của cùng cải tạo tuyến đường. 

Khích lệ, động viên, lan tỏa trong nhân dân tinh thần hiến đất làm đường bằng làm gương, nêu gương cũng là cách thức đã khẳng định được hiệu quả ở những địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa.  


Thôn Đỗng Hảo - nơi có 95% dân tộc Tày sinh sống, trước đây là thôn có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất nhì của xã Bình Thuận (Văn Chấn). Ông Hoàng Kim Đạo - Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Đỗng Hảo cho biết: Chi bộ thôn đã đề ra giải pháp: đảng viên phải gương mẫu thực hiện trước. Với phương châm "Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, 25 đảng viên trong Chi bộ được phân công phụ trách từng phần việc, từng hộ để tuyên truyền, vận động, khơi dậy ý thức vươn lên, phát huy sức mạnh nội lực của nhân dân trong từng phần việc, nhiệm vụ XDNTM. 

"Từng đồng chí đảng viên vận động trong gia đình mình, người thân, họ hàng mình trước, nêu gương làm trước. Ngay trong chính những đảng viên, lại lấy gương của đảng viên này khích lệ, động viên đảng viên khác thêm nỗ lực, phấn đấu” - ông Đạo cho hay. 

Từ năm 2021 đến nay, thôn Đỗng Hảo đã vận động nhân dân hiến hàng nghìn mét vuông đất, toàn thôn đóng góp được 590 triệu đồng, trên 300 ngày công, cùng với sự hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước, hoàn thành 3 km đường bê tông trục chính của thôn; các hộ gia đình theo nhóm hộ tự đóng góp làm tổng cộng trên 4km đường bê tông từ trục chính đến nhà ở. Nhân dân tự nguyện đóng góp 120 triệu đồng, 250 ngày công để xây dựng nhà văn hóa thôn trị giá 300 triệu đồng. Đỗng Hảo góp phần không nhỏ vào kết quả chung của xã Bình Thuận được công nhận đạt chuẩn NTM năm 2022.

Thôn Thác Tiên - xã Mỏ Vàng (xã đặc biệt khó khăn của huyện Văn Yên) nơi có 90% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, là thôn đầu tiên của xã xây dựng và ra mắt NTM, đến nay tiếp tục là thôn đầu tiên trong xã XDNTM nâng cao. 

Để có thể tuyên truyền, vận động nhân dân chung tay góp sức XDNTM nâng cao, những cán bộ, đảng viên như ông La Tài Quan - Ủy viên Ban Chấp hành Chi bộ thôn luôn xác định phải làm gương trong mọi hoạt động, nhất là trong các phong trào  như"dịch rào hiến đất làm đường giao thông nông thôn” được phát động trên toàn huyện. Từ năm 2021 đến nay, ông La Tài Quan đã phối hợp vận động được 29 hộ gia đình trong thôn hiến đất làm đường với tổng diện tích đất hiến  2.000m2, trong đó 100% là đất vườn nhà đã trồng quế. 

Ông La Tài Quan cho hay: "Hiện nay, đang bê tông hóa tuyến đường đi khu ruộng lúa dài 500 m, gia đình tôi đã hiến 200m đất dài; tuyến nối đường quốc lộ lên cổng đi Khe Út dài 500m, gia đình tôi cũng tham gia hiến đất. Mình phải làm gương thì mới đi vận động người khác được”.

Từ thực tiễn ở cơ sở và trong suốt quá trình lãnh đạo, chỉ đạo XDNTM ở các địa phương thời gian qua, những bài học, kinh nghiệm về sự quyết tâm, kiên trì, làm gương, nêu gương để phát huy vai trò chủ thể, trực tiếp, tự nguyện của người dân trong XDNTM cũng đã được đúc rút, khẳng định.

Thu Hạnh
(Bài cuối: Đến những kinh nghiệm được đúc rút)

Tags huy động sức dân xây dựng nông thôn mới hiến đất kết cấu hạ tầng

Các tin khác
Người dân xã Khánh Hòa, huyện Lục Yên trồng giống na nhập nội do Trung tâm Ứng dụng, kỹ thuật, thông tin khoa học và công nghệ tỉnh Yên Bái hỗ trợ

Là địa phương không có nhiều lợi thế để sản xuất nông nghiệp, song Khánh Hòa lại biết tập trung phát triển và nâng cao chất lượng những sản phẩm thế mạnh, mang tính đặc trưng vùng miền cùng với mạnh dạn thử nghiệm nhiều cây trồng, sản phẩm mới áp dụng tiến bộ kỹ thuật để nâng cao giá trị và thu nhập cho nông dân. Những năm qua, người dân trên địa bàn xã Khánh Hòa, huyện Lục Yên đã biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tích cực tham gia các mô hình phát triển kinh tế, nâng cao giá trị sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới tại địa phương

Giá vàng miếng SJC liên tiếp tăng từ đầu tuần.

Sáng nay (11/10), giá vàng SJC tiếp tục tăng sát mốc 70 triệu đồng/lượng. Như vậy, so với đầu năm, người mua cả vàng miếng và vàng nhẫn đều lãi hơn 2 triệu đồng/lượng.

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy gặp gỡ, trao đổi với đồng bào người Tày thôn Thủy Văn, xã Phan Thanh, huyện Lục Yên về thực hiện các chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Yên Bái, tỷ lệ hộ nghèo giảm 8,1%, số thôn có nhà văn hóa đạt 96,8%; đã có 13 xã ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn...

Sản xuất sản phẩm may mặc xuất khẩu tại Công ty TNHH Unico Global YB, Khu Công nghiệp Âu Lâu, thành phố Yên Bái.

9 tháng của năm 2023, tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh Yên Bái đạt 243,78 triệu USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, ghi nhận một số nhóm hàng chủ lực có dấu hiệu hồi phục, nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu lớn đã có những đơn hàng ký kết trong quý IV/2023.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục