Nậm Lành là xã được chọn để xây dựng và hoàn thành xã NTM trong năm 2023. Theo đó, cùng với nguồn lực đầu tư của Nhà nước, xã tập trung vận động nhân dân, hiến đất, góp công, tiền mặt để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Tính riêng từ đầu năm 2023 đến nay, xã đã huy động được trên 35 tỷ đồng xây dựng NTM.
Từ nguồn vốn này, xã đã xây dựng hệ thống trường học cấp 1 và cấp 2 trị giá 7 tỷ đồng; bê tông hóa trục đường chính trị giá 8 tỷ đồng; bê tông hóa tuyến đường thôn Ngọn Lành trị giá 3,5 tỷ đồng; xây dựng hệ thống cầu bê tông thôn Nậm Kịp 3,5 tỷ đồng; xây dựng nhà văn hóa thôn Tộc Cài 800 triệu đồng; hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, xóa nhà tạm...
Với điểm xuất phát thấp song vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong xây dựng NTM, hết năm 2022, huyện Văn Chấn có 11 xã đạt chuẩn NTM, 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 3 thôn được công nhận thôn NTM, 4 xã đạt từ 9 - 14 tiêu chí NTM, 6 xã đạt 6 - 8 tiêu chí NTM.
Trong 3 năm từ 2021 - 2023, huyện đã huy động trên 54,2 tỷ đồng xây dựng NTM. Từ nguồn vốn này, huyện bê tông hóa 82,7 km đường nông thôn; sửa chữa 5 công trình thủy lợi tại các xã: Cát Thịnh, Minh An, Nậm Búng, Bình Thuận; đầu tư 3 dự án điện tại xã Cát Thịnh; xây dựng mới, nâng cấp nhà văn hóa thôn tại các xã: Gia Hội, Bình Thuận, Nậm Lành; nâng cấp sửa chữa chợ Gia Hội; lắp đặt chuyển đổi sang đài truyền thanh cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông tại xã Gia Hội và xã Bình Thuận...
Huy động có hiệu quả các nguồn lực xây dựng NTM, cơ sở hạ tầng nông thôn được đầu tư đồng bộ, khang trang; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, huyện đã lựa chọn, xác định những cây trồng, vật nuôi phù hợp, có hiệu quả kinh tế cao, hình thành được các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng NTM.
Trong chăn nuôi, đã từng bước chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi hàng hóa; phát triển được các cơ sở chăn nuôi tập trung quy mô lớn, góp phần tăng năng suất, sản lượng, giá trị các sản phẩm. Các hình thức tổ chức sản xuất tiếp tục được hình thành và phát triển.
Đến nay, huyện đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung như: vùng lúa chất lượng cao 1.200 ha; vùng quế 8.400 ha; trên 1.500 ha chè Shan vùng cao; trong đó, 400 ha chè cổ thụ Shan tuyết Suối Giàng... Văn Chấn trở thành một trong những huyện điển hình về phát triển lâm nghiệp bền vững; bình quân hàng năm trồng trên 3.500 ha.
Đặc biệt, huyện đã chú trọng xây dựng các chuỗi liên kết, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho các sản phẩm nông sản thế mạnh. Cụ thể đã xây dựng thành công nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm chè Shan tuyết Suối Giàng, mật ong và sản phẩm cam quả Văn Chấn; xây dựng được 7 chuỗi liên kết giá trị.
Hết năm 2022, huyện có 23 sản phẩm được công nhận đạt sao OCOP; trong đó, 11 sản phẩm đạt 4 sao, 12 sản phẩm đạt 3 sao, 10 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP. Hết năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn 16,07%, tỷ lệ hộ cận nghèo còn 6,42%.
Để phấn đấu mục tiêu xây dựng huyện NTM vào năm 2025, trên cơ sở cân đối các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, tỉnh, huyện, nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia…, huyện sẽ phân bổ cho các xã và ưu tiên đặc biệt đối với các xã phấn đấu hoàn thành xây dựng NTM năm 2023; tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực nhằm đẩy nhanh tiến trình xây dựng huyện NTM.
Thanh Tân