Yên Bái phát triển sản xuất dược liệu theo chuỗi giá trị

  • Cập nhật: Thứ sáu, 11/10/2024 | 4:07:56 PM

YênBái - Từ tiềm năng lợi thế về điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng, tỉnh Yên Bái đã quan tâm phát triển các mô hình trồng và sản xuất dược liệu. Qua đó, phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân; tạo ra vùng nguyên liệu bền vững cho ngành y học cổ truyền, góp phần bảo tồn nguồn gen những cây thuốc quý.

Lãnh đạo Liên minh HTX tỉnh Yên Bái tìm hiểu thực tế mô hình trồng sâm Ngọc Linh và sâm Lai Châu ở xã Púng Luông, huyện Mù Cang Chải.
Lãnh đạo Liên minh HTX tỉnh Yên Bái tìm hiểu thực tế mô hình trồng sâm Ngọc Linh và sâm Lai Châu ở xã Púng Luông, huyện Mù Cang Chải.

>> Kinh tế tập thể, hợp tác xã Yên Bái chủ động, tích cực khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh để phát triển

Kết quả bước đầu

Hiện, toàn tỉnh Yên Bái có khoảng 4.058 ha cây dược liệu, sản lượng đạt 11.000 tấn, trong đó dược liệu khai thác tự nhiên khoảng 98 ha, sản lượng 130 tấn; dược liệu được gieo trồng 3.960 ha, sản lượng ước đạt 10.870 tấn. 

Trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện một số dự án tiêu biểu. Có thể kể đến như: Dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm cây lá khôi tại 2 xã Xuân Long, Ngọc Chấn (huyện Yên Bình); mô hình "Hỗ trợ phát triển sản xuất cây khôi nhung dưới tán rừng theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng Chi hội Nông dân nghề nghiệp, Tổ hội Nông dân nghề nghiệp” tại xã Khánh Hòa (Lục Yên) với quy mô 3,4 ha, 20 hộ tham gia; trồng và nhân rộng mô hình trồng cây sâm Hoàng Shin cô tại xã Xà Hồ (Trạm Tấu) 3 ha…
 
Cùng với đó là các đề tài: "Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất nấm đông trùng hạ thảo trên giá thể nhộng tằm tại tỉnh Yên Bái”; "Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật phát triển cây dược liệu ba kích và đương quy Nhật Bản tại huyện Mù Cang Chải”; "Nghiên cứu, đề xuất giải pháp phát triển sản xuất và tiêu thụ cây dược liệu gắn với liên kết theo chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh Yên Bái”…

Bên cạnh phát triển các cây dược liệu thế mạnh như: quế, hoài sơn, khôi nhung, sâm cau, cát sâm, sơn tra..., trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh Yên Bái định hướng phát triển mở rộng diện tích và chủng loại dược liệu hàng hoá có ưu thế trên địa bàn. 

Toàn tỉnh  hiện có gần 4.100 ha trồng dược liệu, tăng 17,8% so với năm 2020. Trong đó, một số cây dược liệu có giá trị kinh tế cao được quan tâm phát triển như: khôi nhung, đương quy, hoài sơn, cà gai leo.... Tỉnh cũng hình thành các tổ hợp tác, nhóm hộ phát triển sản xuất dược liệu trên địa bàn. 

Ông Nguyễn Đức Lâm - Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh Yên Bái cho biết: Phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, các HTX trồng và sản xuất dược liệu được thành lập, liên kết với các hộ dân trồng, chế biến sâu các sản phẩm dược liệu, mang lại giá trị kinh tế cao. 

Có thể kể đến một số HTX điển hình như: HTX Sản xuất dược liệu Yên Bái Thanh Sơn liên kết với 60 hộ dân trồng cà gai leo tại 4 xã của huyện Văn Yên và huyện Yên Bình, với tổng diện tích trên 10 ha, mỗi năm cho sản lượng ổn định khoảng 80 tấn để chế biến sâu thành cao, trà và bột từ cây cà gai leo; HTX Lũng Lô (Văn Chấn) thực hiện dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dược liệu.
 
Ông Sầm Văn Nưa - Phó Giám đốc HTX Lũng Lô cho biết: HTX đã có trên 15 ha cây dược liệu, phấn đấu xuất khẩu được sản phẩm dược liệu sang thị trường nước ngoài. HTX đang tiếp tục mở rộng các cây dược liệu triển vọng lên tổng diện tích 20 ha trong những năm tới. 


Đoàn công tác của Liên minh HTX tỉnh Yên Bái, Viện Kinh tế hợp tác (Liên minh HTX Việt Nam) thăm, làm việc với HTX Lũng Lô, huyện Văn Chấn.

Chưa tương xứng tiềm năng

Dù đã có cố gắng phát triển diện tích trồng dược liệu song số lượng HTX trồng và sản xuất dược liệu trên địa bàn tỉnh Yên Bái chưa nhiều, giá trị mang lại từ nguồn dược liệu tự nhiên ở Yên Bái chưa thực sự tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương. 

Các HTX sản xuất dược liệu tỉnh Yên Bái đã và đang cùng chung những vướng mắc, ảnh hưởng không nhỏ tới kế hoạch, quy mô phát triển sản xuất nguồn dược liệu.

Hiện, nhiều giống cây dược liệu được sản xuất và bán ra thị trường nhưng đều có nguồn gốc tự nhiên (trên rừng), quy mô sản xuất chưa lớn. Vì vậy, thường chỉ bán lẻ với số lượng nhỏ; việc thực hiện các hợp đồng, dự án có giá trị lớn sẽ rất khó tiếp cận do chưa xác định được xuất xứ cây trồng, chứng nhận đảm bảo quy chuẩn trong nuôi trồng, thu hái.

Nguyên nhân chính là do nguồn dược liệu tự nhiên đã giảm rất lớn so với vài chục năm trước. Địa bàn phân bố các loại dược liệu này giờ đã cơ bản "nhường chỗ" cho cây nông lâm nghiệp. Việc khai thác dược liệu bừa bãi, khó kiểm soát cũng diễn ra phức tạp khiến nhiều loại dược liệu trong tình trạng khai thác tận diệt.

Đặc biệt, việc phát triển cây dược liệu còn một số khó khăn như: việc rà soát, thống kê, điều tra, nghiên cứu đánh giá về tiềm năng, chủng loài cây dược liệu chưa thực sự quan tâm nghiên cứu sâu; diện tích trồng còn phân tán, chủng loại còn nghèo nàn; phát triển một số cây trồng còn mang tính phong trào, chưa bền vững, khó khăn trong tiêu thụ như tiêu thụ sản phẩm qua nhiều trung gian nên bị ép giá hoặc đầu ra, bạn hàng chưa ổn định, bền vững; đầu tư cho phát triển dược liệu, thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm tuy đã tích cực nhưng kết quả còn hạn chế… 

Phát triển sản xuất cây dược liệu theo chuỗi giá trị

Theo thạc sỹ Bùi Thị Hảo - Bộ môn Dược lâm sàng, Học viện Y học cổ truyền Việt Nam, hiện thị trường tiêu thụ dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu của Việt Nam rất lớn. Theo đó, hệ thống khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền của cả nước có 63 bệnh viện y học cổ truyền công lập; 92,7% bệnh viện đa khoa tỉnh có bộ phận y học cổ truyền; khoảng 80% trạm y tế xã có hoạt động khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền và gần 7.000 cơ sở hành nghề y học cổ truyền tư nhân sử dụng dược liệu trong khám chữa bệnh.
 
Như vậy, nhu cầu sử dụng dược liệu rất lớn (khoảng 10%/năm); trong đó, khối bệnh viện y học cổ truyền công lập sử dụng khoảng 300 loại dược liệu khác nhau ở mức khoảng 3.000 tấn mỗi năm.

Vì vậy, phát triển cây dược liệu đang là cơ hội lớn cho Yên Bái nói riêng, các tỉnh miền núi phía Bắc nói chung. Trong khi đó, giai đoạn 2021-2025, cây dược liệu là 1 trong 10 sản phẩm nằm trong nhóm đặc sản địa phương, được hỗ trợ phát triển mở rộng diện tích và chủng loại dược liệu hàng hóa có ưu thế trên địa bàn.
 
Để phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân; tạo ra vùng nguyên liệu bền vững cho ngành y học cổ truyền, góp phần bảo tồn nguồn gen những cây thuốc quý, Yên Bái tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển cây dược liệu, thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp, HTX và người dân đẩy mạnh đầu tư thâm canh, tăng năng suất đối với những cây dược liệu giá trị kinh tế cao để nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích hiện có. 

Cùng với đó, tỉnh sẽ xây dựng cơ chế, chính sách lồng ghép nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, doanh nghiệp, HTX trong đào tạo, tập huấn cho người dân về sản xuất, thu hái, bảo quản và chế biến dược liệu an toàn, đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật và các tiêu chuẩn thực hành sản xuất thuốc của Tổ chức Y tế thế giới; xây dựng các vùng sản xuất dược liệu tập trung, các mô hình ứng dụng các công nghệ mới, tiên tiến trong sản xuất...

Ông Nguyễn Đức Lâm - Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Yên Bái cho biết thêm: "Liên minh HTX tỉnh mong muốn các ngành Trung ương, các nhà đầu tư quan tâm hỗ trợ, tạo cơ hội cho các HTX dược liệu Yên Bái hợp tác cung ứng sản phẩm, dược liệu vào các cơ sở y tế, cơ sở chế biến, kinh doanh Nam dược, địa điểm kinh doanh du lịch trong, ngoài tỉnh theo hình thức liên kết chuỗi giá trị; quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử...; hỗ trợ các HTX xác định được xuất xứ cây dược liệu có nguồn gốc tự nhiên, mở rộng quy mô sản xuất; hỗ trợ xây dựng và phát triển mô hình sản xuất giống cây dược liệu đạt tiêu chuẩn "Thực hành tốt nuôi trồng và thu hái theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới” (GACP - WHO)…

Việc liên kết sản xuất nguyên liệu gắn với bao tiêu sản phẩm ổn định sẽ xây dựng được vùng trồng dược liệu tập trung gắn với công nghiệp chế biến. Và khi đó, việc phát triển các HTX dược liệu theo chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh Yên Bái sẽ là hướng đi tiềm năng trong sản xuất nông nghiệp, góp phần chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, đem lại thu nhập cao cho người dân. 

Thành Trung

Tags Yên Bái hợp tác xã dược liệu chuỗi giá trị

Các tin khác
Cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH thị xã Nghĩa Lộ giải ngân các chương trình tín dụng chính sách cho hộ nghèo và đối tượng chính sách tại xã Nghĩa Lợi.

Đến ngày 30/9, tổng nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) thị xã Nghĩa Lộ huy động trên địa bàn đạt 543.815 triệu đồng, bằng 99,3% kế hoạch năm; giải ngân 2.324 lượt khách hàng với số tiền 122.959 triệu đồng.

Những cây bưởi bị ngập lũ được

Sau 1 tháng sau siêu bão Yagi qua đi và thủy điện Thác Bà xả lũ, huyện Yên Bình đang dần trở lại nhịp sống bình thường. Đứng lên từ hoang tàn, đổ nát bởi sức tàn phá khủng khiếp của thiên tai, cấp ủy, chính quyền đã và đang cấp bách thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp nhằm giúp người dân tái thiết cuộc sống.

TS Hà Huy Ngọc, Trưởng phòng Kinh tế vùng và địa phương, Viện Kinh tế Việt Nam.

Mặc dù ở Việt Nam đã bước đầu có những mô hình sinh thái, kinh tế tuần hoàn, nhưng còn rất khiêm tốn, nhỏ lẻ...

Thủ tướng Phạm Minh Chính lần đầu hội kiến tân Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba. Ảnh: Nhật Bắc

Hội kiến với Thủ tướng Shigeru Ishiba, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Nhật Bản xem xét cung cấp cho Việt Nam các khoản vay ODA mới cho các dự án phát triển hạ tầng chiến lược, đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục