Yên Bái nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, điều kiện khí hậu đa dạng chia thành 5 tiểu vùng khí hậu thích hợp cho phát triển các động, thực vật từ vùng nhiệt đới đến vùng ôn đới. Nhờ vậy, trên địa bàn tỉnh có nhiều loại cây dược liệu quý với số lượng hàng trăm loài, nhiều loài quý hiếm có giá trị y dược rất cao như các loài sâm, thất diệp nhất chi hoa, cây bình vôi, chè dây… Tuy nhiên, do khai thác quá mức, nhiều loài dược liệu quý đã bị cạn kiệt và hiện nay một số loại đã nằm trong Sách đỏ.
Để phát triển cây dược liệu trở thành hàng hóa có khối lượng lớn, tỉnh đã ban hành một số chủ trương, chính sách như: "Đề án phát triển cây sơn tra tại huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải”, "Đề án phát triển quế tỉnh Yên Bái”, "Chính sách ưu tiên phát triển 14 chủng loại cây dược liệu quý hiếm, phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng vùng núi cao”, "Phát triển cây dược liệu gắn với phát triển và bảo vệ rừng”.
Ông Nguyễn Đức Điển - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: "Hiện toàn tỉnh có khoảng trên 4.058 ha cây dược liệu, sản lượng đạt 11.000 tấn, trong đó dược liệu khai thác tự nhiên khoảng 98 ha, sản lượng 130 tấn; dược liệu được gieo trồng 3.960 ha, sản lượng ước đạt 10.870 tấn.
Dược liệu trồng đã được hỗ trợ từ các nguồn chính sách, các hộ nông dân và doanh nghiệp đầu tư sản xuất. Các loài cây dược liệu có thế mạnh phát triển trên địa bàn tỉnh như: quế, hoài sơn, khôi nhung, sâm cau, cát sâm, sơn tra... Ngoài ra, quế và sơn tra là cây trồng chủ lực của tỉnh được sử dụng với số lượng lớn làm nguyên liệu dược liệu. Đến nay, toàn tỉnh có 82.700 ha quế, sản lượng khai thác hàng năm trên 20.000 tấn vỏ; sơn tra khoảng 10.000 ha, sản lượng khoảng 5.000 tấn, tập trung tại huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải”.
Bên cạnh việc khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng cây dược liệu, các hợp tác xã, doanh nghiệp cũng chủ động liên kết với người dân để xây dựng các mô hình cây dược liệu theo chuỗi giá trị, gắn với tiêu thụ, trong đó phải kể đến mô hình trồng cà gai leo tại huyện Văn Yên và huyện Yên Bình; đương quy, hoài sơn, sâm bố chính tại huyện Văn Chấn; thảo quả, sơn tra tại huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải.
Trên địa bàn tỉnh cũng có 20 cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh các sản phẩm của cây dược liệu, tiêu biểu là: Công ty sổ phần Sản xuất thực phẩm và Đông dược Thế Gia; Công ty cổ phần Dược phẩm Yên Bái và Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại Phú Hưng, Yên Bái. Cùng với đó, bắt nguồn từ các bài thuốc gia truyền với sự đa dạng về nguồn cây thuốc tại địa phương, một số hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đã sản xuất được sản phẩm đạt chuẩn OCOP góp phần nâng cao thu nhập cho thành viên và người nông dân.
Trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh xác định mở rộng diện tích và chủng loại dược liệu hàng hóa có ưu thế, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, bảo quản, chế biến dược liệu. Theo đó, Yên Bái sẽ phát triển và ổn định cây dược liệu đạt 5.000 ha với chủng loại dược liệu chính như: ba kích, đinh lăng, địa liền, giảo cổ lam, ích mẫu, quế, sả, cà gai leo, sơn tra...
Những năm qua, các địa phương trong tỉnh đã tích cực khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển vùng dược liệu và sản xuất theo chuỗi giá trị, qua đó, không chỉ góp phần bảo tồn nguồn gen các loại cây thuốc quý, mà còn giúp xóa đói, giảm nghèo, tăng thu nhập cho người dân.
Thời gian tới, tỉnh sẽ khuyến khích nhân dân có diện tích đất trong vùng quy hoạch sản xuất nông nghiệp chuyển đổi diện tích cây trồng không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp sang trồng cây dược liệu; xây dựng đề án thí điểm trồng được liệu dưới tán rừng tại một số diện tích rừng tự nhiên ở các địa phương có tiềm năng, thế mạnh; quản lý chặt chẽ nguồn cung ứng đầu vào cho sản xuất cây dược liệu để xây dựng các vùng sản xuất cây dược liệu tập trung đạt tiêu chuẩn, chất lượng.
Đồng thời, xây dựng các chuỗi giá trị dược liệu, cơ chế hợp tác, gắn bó giữa nông dân, nhà khoa học, chính quyền và doanh nghiệp trong chuyển giao giống, kỹ thuật trồng trọt, thu hái và thu mua, sản xuất, chế biến dược liệu trong tỉnh; đẩy mạnh triển khai các chính sách của Nhà nước và của tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia liên kết chuỗi giá trị trong ngành dược tại địa phương; hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết và mở rộng thị trường tiêu thụ cây dược liệu trên địa bàn trong và ngoài tỉnh; xây dựng các điểm thu gom, sơ chế và bảo quản sản phẩm cây dược liệu. Cùng với đó, tăng cường tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ và quảng bá thương hiệu và các sản phẩm từ dược liệu.
Văn Thông