Một tháng sau bão số 3 ở Văn Yên

  • Cập nhật: Thứ ba, 15/10/2024 | 7:49:02 AM

YênBái - Cơn bão số 3 đã trôi qua được 1 tháng. Huyện Văn Yên đã và đang huy động tổng lực, sức người, sức của để khắc phục hậu quả mưa bão, từng bước lấy lại sức sống, diện mạo vốn có.

Xã Đại Phác, huyện Văn Yên tổ chức các buổi giúp đỡ, động viên nhân dân trồng ngô đông sau bão lũ.
Xã Đại Phác, huyện Văn Yên tổ chức các buổi giúp đỡ, động viên nhân dân trồng ngô đông sau bão lũ.

Những ngày đầu tháng 9, cũng như nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh, huyện Văn Yên chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, bão lũ do hoàn lưu cơn bão số 3. Ngay sau khi bão tan, khắc phục hậu quả, giúp dân kiến thiết lại cuộc sống là một trong những nhiệm vụ cấp thiết được huyện dồn lực triển khai. Trước hết là khắc phục, khơi thông các tuyến đường giao thông, đảm bảo nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa. Đối với các tuyến đường tỉnh, huyện đã kiến nghị các cơ quan, đơn vị có liên quan đẩy nhanh tiến độ khắc phục bảo đảm thông xe nhanh để nhân dân đi lại được an toàn. 

Đối với các tuyến đường huyện, sau khi không còn hiện tượng sạt lở, địa phương đã tổ chức khảo sát thực tế ngay để lên phương án khắc phục trong thời gian sớm nhất. Đối với các tuyến đường do xã quản lý thì UBND các xã huy động nguồn lực để triển khai khắc phục, ngân sách huyện hỗ trợ nhiên liệu (dầu diesel). Đến nay, huyện đã cấp cho các xã 40.000 lít dầu để tổ chức hót sạt taluy dương; cấp 2.500 rọ đá để khắc phục sạt taluy âm tại các tuyến đường. 

Phong trào "Chung tay cứu lấy con đường” cũng được phát động, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ đã kêu gọi, vận động nhân dân, doanh nghiệp đóng góp vật liệu, ngày công và tham gia bảo vệ, khắc phục các tuyến đường giao thông trên địa bàn. Đàn ông đan rọ sắt, đập đá to; phụ nữ thì chuyển từng khối đá nhỏ xếp vào rọ, dùng cuốc cào từng khuôn đất. Dù chưa thành thạo song tất cả đều nỗ lực, trách nhiệm để nhanh chóng khắc phục, bảo vệ tuyến đường. Nhờ đó, toàn bộ đường tỉnh, huyện, xã, thôn đã nhanh chóng thông xe. Đến nay, huyện đã hót sạt được 265.000 m3/280.000 m3 đất đá; khắc phục 16/87 điểm sạt taluy âm bằng kè rọ đá.

Không chỉ giao thông mà cả điện, nước, thông tin liên lạc đều đã cấp trở lại bình thường, không có hộ nào bị thiếu nước sinh hoạt. Huyện Văn Yên cũng đã huy động các lực lượng cùng nhân dân tổ chức dọn dẹp, sửa chữa, dựng lại nhà ở để 2.561 hộ bị ảnh hưởng quay về ổn định cuộc sống. Đồng thời, cấp trên 5 tỷ đồng hỗ trợ an sinh xã hội, hỗ trợ gần 40 tấn gạo cho 382 hộ dân. Đối với 115 hộ bị sập đổ, hư hỏng nặng, đến nay, 113 hộ đã có đất, 44 ngôi nhà đã khởi công, dự kiến ngày 15/10 khởi công thêm 30 nhà. Các hộ còn lại sẽ khởi công trước ngày 15/11. 

Các điều kiện cơ bản cho cuộc sống đã được kiến thiết, người dân Văn Yên đang tích cực thi đua lao động sản xuất, phục hồi, tái tạo kinh tế. Huyện đã cung cấp 18.305kg giống ngô, hạt rau các loại cho 25 xã, thị trấn đến 12.309 hộ dân; cung ứng 50 tấn phân bón hỗn hợp NPK cho các xã: Đại Phác, Xuân Ái, An Thịnh, Ngòi A với 1.099 hộ dân tiếp nhận. 

Ông Phạm Hồng Thắng - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ, Hỗ trợ Phát triển nông nghiệp huyện Văn Yên cho biết: "Ngay khi nước rút, Trung tâm đã huy động toàn bộ lực lượng cán bộ kỹ thuật của đơn vị xuống trực tiếp các vùng sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng mưa lũ để hướng dẫn nhân dân các biện pháp khắc phục phù hợp với thực tế, triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông. Đến ngày 9/10, toàn huyện đã trồng được 1.727,3/2.717 ha ngô đông, đạt 63,6%; 201 ha/533 ha cây rau màu. Đối với cây dâu, Trung tâm đã chỉ đạo phục hồi được 52,2/62 ha”. 

Hiện nay, trên nhiều cánh đồng, ngô đông, rau màu đã bắt đầu trổ nhánh. Cùng với ngành nông nghiệp, cấp ủy, chính quyền từ cơ sở đến thôn/ bản đều đã tích cực hỗ trợ nhân dân cải tạo đất, khôi phục sản xuất, khẩn trương gieo trồng đảm bảo khung lịch thời vụ và tăng diện tích cây trồng vụ đông đảm bảo bù sản lượng thiệt hại, tuyệt đối không để đất trống đối với những diện tích có thể gieo trồng được.

Thiên tai đã qua, với sự trợ giúp, quan tâm của cả hệ thống chính trị, cuộc sống của người dân Văn Yên đang dần trở lại đúng nhịp, vừa tăng gia sản xuất, tạo sinh kế, thu nhập, vừa tiếp tục đồng hành cùng chính quyền địa phương tích cực tham gia các hoạt động khắc phục hậu quả bão lũ.

Hoài Anh

Tags Văn Yên bão lũ sạt lở giao thông vùng quế

Các tin khác
Cán bộ kiểm lâm huyện Văn Chấn hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng rừng.

Đến thời điểm này, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành kế hoạch trồng rừng của năm. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 khiến hàng nghìn héc ta rừng trên địa bàn bị gẫy đỗ. Trước thực trạng này, chính quyền các địa phương, ngành chức năng và các chủ rừng đã triển khai các biện pháp khôi phục sản xuất, bổ sung chỉ tiêu trồng rừng, khai thác gỗ rừng trồng để bù đắp một phần thiệt hại trong lĩnh vực lâm nghiệp…

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn với các Nông dân Việt Nam xuất sắc. Ảnh: TTXVN

Tối nay, 14.10, tại Nhà hát Lớn, Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã dự Lễ tôn vinh và trao danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc, biểu dương Hợp tác xã tiêu biểu toàn quốc năm 2024. Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động của Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì tổ chức nhân kỷ niệm 94 Năm thành lập Hội (14.10.1930 – 14.10.2024).

Quang cảnh buổi tập huấn.

Ngày 14/10, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Cục Quản lý Tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức Hội nghị tập huấn Luật Tài nguyên nước năm 2023 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Đối tượng lớp tập huấn là các cán bộ, công chức, viên chức các sở, ban, ngành và địa phương làm công tác quản lý tài nguyên nước.

Cau tăng giá kỷ lục, người nông dân được lãi lớn.

Giá cau tươi bình thường chỉ từ 20.000 - 30.000 đồng/kg, lần sốt giá cau tươi gần nhất giá lên tới 70.000 đồng/kg nhưng hiện nay có lúc giá lên đến 100.000 đồng/kg.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục