Thức dậy Đông hồ

  • Cập nhật: Thứ ba, 4/9/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Vùng Đông hồ hôm nay đã và đang mang trong mình một sinh khí mới trên bước đường xoá đói giảm nghèo, vấn đề lương thực không còn là một trở ngại nữa. Dẫu chưa phải giầu có, nhưng những bước đi phù hợp với kinh tế từng vùng, xã là nền tảng vững chắc cho phát triển đời sống kinh tế, xã hội ở nơi đây.

Chăn nuôi trâu bò ở vùng Đông hồ Thác Bà, huyện Yên Bình ngày càng phát triển.
Chăn nuôi trâu bò ở vùng Đông hồ Thác Bà, huyện Yên Bình ngày càng phát triển.

Đã lâu mới có dịp trở lại vùng Đông hồ Thác Bà - một dải đất bao gồm các xã: Vũ Linh, Vĩnh Kiên, Cảm Nhân, Phúc Ninh, Yên Thành, Xuân Lai, Mỹ Gia, Phúc An... thuộc huyện Yên Bình. Những dãy núi trập trùng khoác lên mình một màu xanh vô tận. Những ngôi nhà xây hai, ba tầng mọc lên xen giữa những ngôi nhà sàn truyền thống. Dọc trên tuyến đường nhựa, thỉnh thoảng lại gặp một khu trung tâm xã có trụ sở UBND, trạm y tế, trường học được xây dựng khang trang. Những hàng cột điện hạ thế chạy dài vào khắp các bản làng. Những cánh đồng lúa xanh ngát, những vùng đất bán ngập ven hồ được bà con trồng lạc, ngô, đậu tương và chăn thả những đàn trâu, bò nhởn nhơ gặm cỏ. Một cuộc sống mới đang hiện diện ở nơi đây.

Tuy nhiên, khó ai có thể tin nổi một vùng đất đầy khó khăn và thiếu thốn đủ mọi thứ, nay lại có một sức vươn kỳ diệu đến vậy! Cách đây 5 năm, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Yên Bình luôn trăn trở và tìm lối thoát cho vùng Đông hồ này. Cái đói, cái nghèo cứ đeo đẳng, níu kéo người dân nơi đây. Dẫu rằng, Nhà nước đã có những cơ chế, chính sách giúp đồng bào nâng cao đời sống mọi mặt, nhưng cùng với thiếu kiến thức khoa học trong sản xuất, phong tục tập quán lạc hậu... nên đời sống kinh tế của bà con không bứt lên được.

Trước thực trạng đó, Đảng bộ huyện đã xây dựng chương trình, hành động cụ thể trong phát triển kinh tế cho vùng Đông hồ. Những chủ trương, hành động đúng hợp lòng dân, cùng với sự nỗ lực vươn lên, không cam chịu đói, nghèo của người dân đã xây dựng vùng Đông hồ dần trở thành một vùng kinh tế trọng điểm của huyện Yên Bình. Với lợi thế đất rừng và rừng, nhân dân xã Vũ Linh, Bạch Hà, Vĩnh Kiên, thị trấn Thác Bà, Cảm Nhân, Phúc Ninh... nhận đất trồng rừng kinh tế. Phong trào trồng rừng rộng khắp vùng Đông hồ. Những cánh rừng xơ xác thủa nào đã được phủ xanh bằng những rừng cây nguyên liệu giấy.

Ông Quyền Anh Thắng - Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Kiên nói: "Kinh tế đồi rừng đã thực sự trở thành nghề không thể thiếu được với phần đông bà con nhân dân. Hôm nay, hơn 800 ha rừng kinh tế của xã Vĩnh Kiên đã đến kỳ khai thác, bình quân mỗi năm bà con khai thác từ 50-70 ha rừng, thu không dưới 4 ngàn m3 gỗ. Với số gỗ này bán với giá thị trường cũng thu gần 2 tỷ đồng". Không chỉ dừng lại ở việc trồng và phát triển vốn rừng, người dân còn biết đưa các sản phẩm từ rừng vào chế biến, nâng cao giá trị kinh tế lại giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động. Vùng Đông hồ này có không dưới 100 cơ sở chế biến gỗ rừng trồng và các mặt hàng nông - lâm sản.

Bằng sự cần cù của người dân vừa phát triển kinh tế vừa biết áp dụng, tiếp cận khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hàng trăm ha lúa ở các xã bà con đã đưa từ 50-70% diện tích lúa lai vào gieo cấy, còn lại là giống lúa thuần chất lượng cao sản xuất lúa hàng hóa. Năng suất lúa các xã đã đạt và vượt ngưỡng 100 tạ/ha, an ninh lương thực được đảm bảo. Nhiều vùng như: Bạch Hà, Vũ Linh, Cẩm Nhân, Vĩnh Kiên... đã có một lượng lúa, gạo hàng hóa chất lượng cao cung ứng cho thị trường.

Sự chuyển biến rõ nét nhất là từ năm 2003, Nhà máy chế biến tinh bột sắn Vũ Linh được xây dựng và đi vào hoạt động. Người dân lại tận dụng diện tích đất đai trồng sắn bán cho nhà máy, hàng ngàn ha sắn đã được trồng trên dải đất Đông hồ này. Không dừng lại ở việc trồng sắn, bà con còn biết áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào đầu tư thâm canh tăng năng suất, đưa sắn cao sản vào trồng chiếm 70% diện tích. Nguồn thu từ sắn không hề nhỏ bởi xã ít cũng ngót một tỷ đồng, xã nhiều đạt 1,5 - 2 tỷ đồng. Số tiền đó thật ý nghĩa đối với những vùng thôn quê!

Một trong những cách làm được đánh giá là khá thành công của Đảng bộ Yên Bình là, biết phát huy lợi thế đất đai, con người cũng như phong tục tập quán từng vùng.

Phúc Ninh là xã nhỏ và gần như biệt lập với các vùng khác, nhiều dân tộc anh em sinh sống thì phát triển kinh tế tổng hợp gồm: trồng rừng, thâm canh lúa nước, chăn nuôi gia súc, gia cầm, đánh bắt thủy sản... Tuy vẫn còn gặp nhiều khó khăn, số hộ đói nghèo còn cao, nhưng nó đã và đang tạo đà cho Phúc Ninh trên con đường xóa đói giảm nghèo. Ngược lại với Phúc Ninh thì xã Cẩm Nhân lại có một hướng đi rất riêng cho mình bằng cách vẫn phát triển cây lúa, trồng rừng và công nghiệp dịch vụ, nhưng trong phát triển cây lúa, ngoài việc đầu tư thâm canh tăng năng suất, thì Cẩm Nhân lại chú trọng phát triển diện tích lúa chất lượng cao, làm hàng hoá cung ứng cho thị trường.

Các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, chế biến nông lâm sản, nhất là chế biến gỗ phát triển khá mạnh. Nhờ vậy, bộ mặt nông thôn Cảm Nhân đang ngày một khởi sắc, không còn hộ đói, số hộ nghèo đang giảm dần từng năm.  Bí thư Đảng ủy xã Lý Xuân Quyết cho biết: "Cảm Nhân hôm nay vẫn còn nhiều khó khăn trên hành trình xây dựng cuộc sống mới, song Đảng bộ và nhân dân đã nỗ lực từng bước đánh thức những tiềm năng sau bao năm bị lãng quên". Với lợi thế gần 4 ngàn ha vùng đất bán ngập ven hồ Thác Bà, nhân dân các xã đã biết khai thác trồng lúa, trồng lạc, đậu tương, ngô... không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, mà còn tốt cho môi trường, cảnh quan cho khu du lịch hồ Thác Bà.

Vùng Đông hồ hôm nay đã và đang mang trong mình một sinh khí mới trên bước đường xoá đói giảm nghèo, vấn đề lương thực không còn là một trở ngại nữa. Dẫu chưa phải giầu có, nhưng những bước đi phù hợp với kinh tế từng vùng, xã là nền tảng vững chắc cho phát triển đời sống kinh tế, xã hội ở nơi đây.

Thanh Phúc

Các tin khác
Sản xuất giấy vàng mã 
xuất khẩu. (Ảnh: P.V)

YBĐT - Trong những năm qua, Liên minh HTX tỉnh thường xuyên tuyên truyền với nhiều nội dung và hình thức phong phú nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của kinh tế tập thể; thường xuyên sâu sát cơ sở nắm vững tâm tư nguyện vọng, khó khăn, vướng mắc của HTX, các chính sách phát triển kinh tế tập thể của Nhà nước.

Ảnh minh họa.

YBĐT - Sau 2 năm triển khai thực hiện chương trình cải tạo và phát triển chăn nuôi bò, Dự án chăn nuôi bò bán công nghiệp của huyện đã mua được 527 con bò cái sinh sản, đạt 210% kế hoạch phân bổ và bằng 75,3% kế hoạch của dự án giai đoạn 2005-2010.

YBĐT - Kể từ khi thực hiện cổ phần hoá, cổ đông trong Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng giao thông (CTTVXDGT) đều có chung nhận thức về quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong hoạt động chuyên môn của đơn vị. Các phòng nghiệp vụ và đơn vị sản xuất đều bám sát nhiệm vụ được giao và có kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện.

YBĐT 1- Để đảm bảo quản lý thu thuế tài nguyên sát với thực tế, chống thất thu NSNN, Cục Thuế tỉnh Yên Bái, Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Công nghiệp, Sở Tài chính cùng 11 doanh nghiệp có khai thác tài nguyên trên địa bàn đã tổ chức hội thảo bàn biện pháp, nhằm đưa ra mức giá tính thuế đối với các loại tài nguyên phù hợp với thực tế hiện nay.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục