Thị trường vật liệu xây dựng ở Yên Bái:

"Tăng nhiệt" không kiểm soát

  • Cập nhật: Thứ năm, 20/3/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Thị trường vật liệu xây dựng vốn đã cao và khan hiếm từ cuối năm 2007, thì trong những ngày cuối tháng 2 và đầu tháng 3 năm 2008 này lại càng tăng vọt. Giá sắt tăng từng ngày, gạch, xi măng đều cao chót vót, vậy mà mua được để xây dựng công trình cũng không phải dễ...

Thép không có để bán.
Thép không có để bán.

Nhà máy Xi măng Yên Bái, Nhà máy Gạch Xuân Lan là hai "thủ phủ" vật liệu xây dựng chính luôn nhộn nhịp khác thường: xe lớn, xe nhỏ của các đại lý, nhà thầu Yên Bái rồi đến các tỉnh lân cận xếp hàng chầu chực từ ngày hôm trước đến ngày hôm sau vẫn về tay trắng. Mọi thứ vật liệu dùng trong xây dựng đang được "phân phối" như thời bao cấp!

Không phải dân xây dựng, gia đình tôi dành dụm được ít tiền lại nhân dịp đầu năm, ngày lành tháng tốt làm lại gian nhà lấy chỗ chui ra chui vào. Biết giá vật liệu xây dựng có tăng hơn năm trước nhưng tôi vẫn nghĩ rằng có tiền là mua được. Nhưng qua thực tế đi mua gạch, xi, sắt... mới thấy nó gian truân, vất vả làm sao và mới nhận ra ý nghĩ trước đó của mình thật thiển cận! Dành cả một ngày để đi khảo giá, càng đi tôi càng như bị sa vào "mê hồn trận". Mỗi đại lý, mỗi cửa hàng "hét" một giá khác nhau, thậm chí chênh nhau cả trăm ngàn đồng. Và đến đâu cũng được các chủ cửa hàng, đại lý hồ hởi: "Chú mày mua đi chị bán giá cũ, không mua nhanh, ngày mai giá còn tăng nữa đấy, không có mà mua đâu!".

Tại một đại lý trên đường Yên Ninh - TP Yên Bái, ông chủ tên Lâm đưa cho tôi xem một bảng giá: sắt 16 ngàn đồng/kg, xi măng Yên Bái giá 78 ngàn đồng/tạ, xi măng Trung ương 96 ngàn đồng/tạ, gạch Xuân Lan 590 đồng/viên... Thấy giá hơi căng, tôi qua đại lý vật liệu xây dựng trên đường Đinh Tiên Hoàng và được bà chủ đại lý đưa cho xem bảng giá. Thoạt nhìn, tôi không tin vào mắt mình nữa: xi măng Yên Bái 80 nghìn đồng/tạ, xi măng Trung ương 100 nghìn đồng/tạ, sắt các loại giá đều trên 17 ngàn đồng/kg, gạch Xuân Lan 700 đồng/viên... Vừa xem bảng giá, chị chủ đại lý vừa nói, nếu mua đặt tiền trước, ba, bốn ngày sau có xi, gạch, sắt thì chở ngay.

Ra về trong tâm trạng bồn chồn lo lắng không biết nên mua ở đâu, giá thế nào, ngày 15-3-2008, tôi quyết định đem tiền đến đại lý vật liệu xây dựng trên đường Yên Ninh. Thấy tôi, ông chủ cười, nói: "Giá lại tăng rồi: xi măng Yên Bái 86 ngàn/tạ, Trung ương 110 ngàn đồng/tạ, sắt 18.500 đồng/kg, gạch 1.100 đồng/viên". Giá các thiết bị vệ sinh đều tăng 200-300 ngàn đồng/bộ, gạch ốp lát tăng 10-30 ngàn đồng/m2. Giá tăng đã đành song giá của các đại lý đều chênh nhau hàng trăm ngàn đồng. Trước sự "rối tinh" này, tôi quyết định tạm dừng không làm nhà nữa chờ bình ổn thị trường!

Tại các đại lý, nhà phân phối thì vậy, chúng tôi bèn đến Nhà máy Xi măng Yên Bái. Chiều ngày 11-3, Nhà máy đang hối hả vào ca, phía ngoài cổng có đến vài chục xe tải lớn nhỏ mang biển số Yên Bái, Lào Cai đang đợi bốc hàng. Anh Nam, một khách hàng đang đứng đợi ngoài cổng, dáng vẻ đầy mệt mỏi: "Chiều nay vào Nhà máy mua được 4 tấn xi với giá 70 ngàn đồng/tạ (chưa tính thuế VAT), tiền đã nộp và có phiếu rồi mà xếp hàng từ trưa đến giờ vẫn chưa lấy nổi. Đi mua xi măng bây giờ khó hơn đi mua gạo thời bao cấp những năm 70-80 của thế kỷ trước".

Một trong những nguyên nhân dẫn đến khan hiếm xi măng nhất là xi măng Yên Bái trong thời gian qua được lý giải là do Nhà máy Xi măng Yên Bái đưa dây chuyền xi măng lò quay công suất 350 ngàn tấn sản phẩm/năm vào sản xuất thay thế dây chuyền cũ. Do mới đưa vào vận hành nên Nhà máy chưa thể đi vào sản xuất ổn định, bảo đảm công suất. Đấy được coi là lý do chính, song có một thực tế là giá bán xi măng của Nhà máy và giá bán ngoài thị trường đang rất chênh. Một đại lý chỉ cách cổng Nhà máy vài trăm mét đã bán cao hơn 12 giá so với trong Nhà máy, các đại lý trên địa bàn thành phố Yên Bái đều có giá bán cao hơn giá Nhà máy 15-17 giá. Trước tình trạng giá xi măng Yên Bái tăng cao, nhiều người cho rằng các đại lý xi măng "găm" hàng và thao túng thị trường trước sự làm ngơ của Nhà máy!?

 

Thi công cầm chừng vì phải chờ xi măng và gạch.

Nhà máy Gạch Xuân Lan thuộc Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng Yên Bái cũng không kém phần nhộn nhịp. Người mua, người bán rồi xe đợi bốc gạch cứ ùn ùn. Trong nhà máy, các phân xưởng chạy hết công suất, gạch vừa ra lò còn nóng chốc lát đã hết veo. Người bốc được gạch thì hả hê cười nói, người không bốc được trút hết bực tức bằng những câu nói tục tĩu bâng quơ. Gạch đã khan hiếm, từ trong năm 2007 tính đến sáng ngày 12-3-2008, Nhà máy lại tăng giá bán 3 lần mà đến chiều cùng ngày, Nhà máy lại đột ngột tăng gần gấp đôi giá cũ, gây sốc cho người tiêu dùng và các chủ thầu xây dựng. Và đến ngày 17-3-2008, giá gạch Xuân Lan trên thị trường đã đội lên mức 1.500 đồng/viên.

Giá vàng, giá ga, giá dầu thế giới nhiều lần tăng giá nhưng có thể thấy mỗi lần chỉ lên chút ít. Câu chuyện thời sự nhất tại các công trường, bãi xây dựng hiện nay là giá gạch. Còn có thông tin rằng, gạch Xuân Lan - Yên Bái được chở về Phú Thọ, Vĩnh Phúc, thậm chí về cả Hà Nội bán với giá 2.500-3.000 đồng/viên. Trước những thông tin đó, người có ít tiền chưa có ý định xây nhà cũng đi mua gạch về dự trữ khiến thị trường gạch vốn đã khan hiếm nay càng khan hiếm hơn. Giá tăng cao là vậy nhưng cuộc sống của trên 400 lao động trong Nhà máy vẫn chưa được cải thiện nếu như không muốn nói là như cũ. Không biết trong sự tăng giá này, ai là người được hưởng lợi nhiều nhất?

Đến các nhà máy thấy sản phẩm làm ra được tiêu thụ tốt lẽ ra phải vui mừng phấn khởi, nhưng trong tôi vẫn man mác một nỗi buồn và nhớ lại cảnh vài ba năm trước, xi măng, gạch làm ra ế ẩm kéo dài, tỉnh Yên Bái đã phải có cơ chế, chính sách để "cứu" doanh nghiệp bằng cách cung cấp cho các công trình bê tông hóa đường, kiên cố hóa kênh mương nội đồng. Thế mà nay khi có thị trường tiêu thụ, các nhà máy, xí nghiệp, nhà sản xuất lại thờ ơ với người tiêu dùng đến vậy? Câu hỏi đặt ra là: Không biết ai quản lý và kiểm soát thị trường vật liệu xây dựng này?

 Ngọc Trúc

Các tin khác

Chưa đầy một tháng sau đợt tăng giá xăng dầu vào cuối tháng 2, cơn sốt tăng giá ngày càng hiện rõ khi không chỉ một số ngành như vận tải, sản xuất công nghiệp mà hàng trăm mặt hàng đồng loạt tăng giá.

Ảnh: Thành Trung.

Để thực hiện chiến lược này, Việt Nam phải đương đầu với hàng loạt rào cản như: hệ thống thể chế thị trường không đồng bộ, thị trường bất động sản kém phát triển, khả năng tiếp cận các nguồn vốn thấp…

Chị Yên đang chăm sóc nấm sò của gia đình.

YBĐT- Từ lâu, nghề làm miến đao đã gắn bó với người dân xã Giới Phiên, huyện Trấn Yên (Yên Bái) như một nghề truyền thống và người dân ở đây khó mà tin rằng sẽ có nghề khác có giá trị kinh tế hơn thay thế vào đó. Vậy nhưng từ khi dự án trồng nấm của Tung tâm giới thiệu việc làm của tỉnh Hội phụ nữ được triển khai vào xã đầu năm 2006 đã mở ra cho người dân Giới Phiên hư

Người dân Bình Thuận tăng cường phát triển các loại cây cây ăn quả. (Ảnh: Minh Thúy)

YBĐT - Là xã thuần nông nhưng nhiều năm qua xã Bình Thuận (huyện Văn Chấn) luôn phải đối mặt với nguy cơ thiếu đất sản xuất. Thêm vào đó, một số diện tích đất sau nhiều năm canh tác đã có dấu hiệu thoái hoá, bạc màu. Vì thế, giá trị kinh tế trên một ha đất canh tác đã giảm đáng kể.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục