Trồng nấm - hướng thoát nghèo ở Giới Phiên
- Cập nhật: Thứ tư, 19/3/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT- Từ lâu, nghề làm miến đao đã gắn bó với người dân xã Giới Phiên, huyện Trấn Yên (Yên Bái) như một nghề truyền thống và người dân ở đây khó mà tin rằng sẽ có nghề khác có giá trị kinh tế hơn thay thế vào đó. Vậy nhưng từ khi dự án trồng nấm của Tung tâm giới thiệu việc làm của tỉnh Hội phụ nữ được triển khai vào xã đầu năm 2006 đã mở ra cho người dân Giới Phiên hướng xoá đói giảm nghèo mới.
Chị Yên đang chăm sóc nấm sò của gia đình.
|
Cũng như nhiều hộ dân khác, lập gia đình ra ở riêng từ những năm 1998, lúc đó đang thời kỳ hưng thịnh của nghề miến đao, sau nguyên liệu khan hiếm, gia đình chị Nguyễn Thị Bình Yên phải nhập nguyên liệu từ Hà tây, Hải Dương. Nguyên liệu đầu vào cao cùng với làng nghề chưa xây dựng được thương hiệu đã khiến nghề miến không còn là một trong những nghề ổn định cho gia đình chị.
Mọi chuyện thay đổi khi đầu năm 2006, chị Yên được Trung tâm giới thiệu việc làm của tỉnh hội phụ nữ chọn làm mô hình thí điểm trồng nấm sò. Sẵn biết nghề trồng nấm từ người chị họ ở Ninh Bình, nhưng do chưa có vốn, gia đình chị vẫn chỉ làm tự phát. Nay được chọn làm mô hình thí điểm, được đầu tư nhà xưởng, tập huấn kỹ thuật trồng nấm và được vay vốn ưu đãi từ ngân hàng chính sách. Từ 50 bịch nấm thử nghiệm ban đầu, đến nay gia đình chị Yên đã có gần 1.000 bịch nấm sò, bình quân mỗi lứa thu hái nấm gia đình chị Yên thu gần 500 kg nấm tươi, tương đương 5 triệu đồng.
Thu nhập từ trồng nấm đã giúp gia đình chị Yên cải thiện đáng kể cuộc sống gia đình, có điều kiện nuôi con ăn học, mua sắm các tiện nghi sinh hoạt đắt tiền. Dự định trong năm tới, gia đình chị Yên tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư lò sấy để trồng thêm mộc nhĩ và linh chi.
Còn với gia đình bà Nguyễn Thị Cầu, thôn 4, xã Giới Phiên, một trong 7 hộ trồng nấm sau cùng của xã, gia đình bà mới bắt đầu làm nấm từ tháng 1 năm 2008 nhưng hiệu quả thì đã rõ. Đang vụ thu hoạch nấm nên gia đình bà nhộn nhịp khách tới đặt hàng, không giấu nổi niềm vui, bà Cầu tâm sự: Ngày trước gia đình theo nghề miến dong truyền thống của ông cha, nhưng khi nguyên liệu không đủ cung cấp, sản phẩm miến bán ra không đủ chi phí để mua nguyên liệu nên gia đình chỉ làm miến cầm chừng. Con cái học hành, chi phí nhiều, cuộc sống đã vất vả càng thêm khó khăn. Từ khi chuyển sang nghề trồng nấm sò, mới 5 tháng đầu thử nghiệm, với 500 bịch nấm trừ chi phí gia đình thu về gần 20 triệu đồng.
Bà Cầu cho hay, chiếc xe máy và ti vi đều từ trồng nấm mà có, gia đình bà đang dự định cuối năm sẽ mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư lò sấy để trồng thêm mộc nhĩ và linh chi bởi nếu làm linh chi và mộc nhĩ bắt buộc phải sấy khô vì sản phẩm mau hư hỏng, hơn nữa khi những sản phẩm được sấy khô giá bán sẽ cao hơn rất nhiều lần.
Quả thật, nghề trồng nấm tuy mới nhưng bà con nông dân cũng dễ tiếp cận vì chỉ cần chăm sóc theo đúng kỹ thuật thì mỗi bịch nấm sẽ cho thu hái liên tục trong vòng 2 tháng, khi nấm hết dinh dưỡng lại tiếp tục ủ rơm rạ để làm gối vụ. Việc làm nấm sò rất đơn giản, có thể tận dụng các phụ phẩm trong nông nghiệp như thân cây ngô, rơm rạ khô, chi phí để sản xuất nấm cũng không tốn kém, chỉ cần một khung nhà xưởng che chắn tốt, thoáng mát, không cần nhiều nhân công, việc làm nấm có thể quanh năm nhưng tốt nhất là thời điểm từ tháng 9 đến tháng 4 năm sau vì lúc này khí hậu nóng ẩm rất dễ để nấm sinh trưởng và phát triển.
Chỉ có mộc nhĩ và linh chi do làm bằng mùn cưa nên đòi hỏi kỹ thuật cầu kỳ hơn làm nấm rơm. Theo tính toán, trồng nấm cho thu nhập cao gấp 5- 6 lần, thậm chí còn cao hơn rất nhiều so với trồng lúa và rau màu, bởi trung bình giá bán 1kg nấm tươi khoảng 12.000 đồng, mộc nhĩ khô giá 40.000 đồng 1kg, linh chi khô dùng làm nguyên liệu trong đông y, được phẩm nên giá bán lên tới 300 ngàn đồng 1kg. Ngoài ra việc làm nấm, mộc nhĩ và linh chi vẫn kết hợp với phát triển chăn nuôi và làm dịch vụ được. Đầu ra cho các sản phẩm này cũng rất thuận lợi, sản phẩm làm ra được các thương lái đặt hàng và mua ngay tại chỗ.
Từ một mô hình thử nghiệm tại xã đầu năm 2006, đến nay ở Giới Phiên đã có 7 hộ trồng nấm quanh năm. Trung tâm giới thiệu việc làm của Tỉnh hội phụ nữ có dự án trồng nấm tại đây đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm đầu ra cho các hộ dân, nếu sản phẩm nhiều, đa dạng không chỉ nguyên nấm sò mà có thêm mộc nhĩ, linh chi, Trung tâm sẽ hỗ trợ cho các hộ dân đầu tư mở rộng nhà xưởng và lò sấy để đảm bảo giữ sản phẩm được lâu.
Hơn nữa, để khuyến khích nghề này phát triển, tại kỳ họp thứ 9 HĐND xã nhiệm kỳ 2004- 2009 xã đã ra Nghị quyết chuyên đề xây dựng một làng nghề trồng nấm với quy mô khoảng 50 hộ chuyên làm nấm. Bên cạnh đó để tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ dân có nhu cầu phát triển nghề trồng nấm xã đứng ra tín chấp cho mỗi hộ vay khoảng10 triệu đồng từ nguồn vốn khuyến công qua Ngân hàng chính sách xã hội huyện với lãi suất ưu đãi 0,65%/tháng. Nếu chỉ 50 hộ trồng nấm sẽ giải quyết được 200 lao động nông nhàn của địa phương, cứ đà phát triển như hiện nay, nghề trồng nấm sẽ mở ra cơ hội thoát nghèo mới cho những hộ dân Giới Phiên khi nghề làm miến dong đang dần mai một.
Thanh Tân
Các tin khác
YBĐT - Là xã thuần nông nhưng nhiều năm qua xã Bình Thuận (huyện Văn Chấn) luôn phải đối mặt với nguy cơ thiếu đất sản xuất. Thêm vào đó, một số diện tích đất sau nhiều năm canh tác đã có dấu hiệu thoái hoá, bạc màu. Vì thế, giá trị kinh tế trên một ha đất canh tác đã giảm đáng kể.
YBĐT - Sản xuất nông nghiệp trong vài năm trở lại đây đã thực sự có những bước phát triển khá toàn diện. Từ một tỉnh hàng năm thiếu hàng ngàn tấn lương thực, đến nay Yên Bái đã đảm bảo được an ninh lương thực ở vùng cao, vùng thấp đã có lúa gạo hàng hóa. Hàng ngàn ha ruộng chỉ cấy lúa một vụ, nay đã được gieo cấy hai vụ chắc ăn, năng suất lúa bình quân gần 100 tạ/ha, tổng sản lượng lương thực đạt 218 ngàn tấn.
Tính đến 11h30 sáng ngày 19/3, vàng SJC tại Hà Nội được niêm yết ở mức 1,895 triệu đồng/chỉ (mua vào) - 1,905 triệu đồng/chỉ (bán ra), giảm 20.000đ/chỉ so với cùng giờ hôm qua và giảm 40.000đ/chỉ sau hai ngày xuống giá liên tiếp.
Giá dầu thô thế giới vẫn đứng ở mức trên 100 USD một thùng, song chưa doanh nghiệp nào đề cập đến chuyện tăng giá bán lẻ. Với giá bán lẻ hiện tại, các nhà nhập khẩu đã lãi khoảng 500 đồng cho mỗi lít xăng A92.