Mục tiêu của Đề án là đến năm 2020, sẽ nâng cao trình độ chuyên môn về quản lý, xây dựng bảo vệ rừng cho 80% chủ rừng (tương đương khoảng 800 nghìn chủ rừng). Xây dựng mạng lưới liên kết giữa hệ thống khuyến lâm, nghiên cứu và đào tạo với các chủ rừng và doanh nghiệp chế biến lâm sản, thu hút 50% số lượng doanh nghiệp lâm nghiệp thuộc các thành phần kinh tế và các tổ chức đoàn thể tham gia các hoạt động khuyến lâm.
Để đạt được các mục tiêu này, Đề án giai đoạn 2008-2010 sẽ tiến hành các chương trình như:
Chương trình xây dựng mô hình trình diễn và đào tạo, huấn luyện cho chủ rừng. Nhằm góp phần đẩy mạnh trồng rừng theo phương thức thâm canh để đáp ứng nhu cầu nguyên liệu gỗ lớn, gỗ nhỏ cho công nghiệp chế biến và gỗ gia dụng, khuyến khích gây trồng các loại cây đa mục đích và lâm sản ngoài gỗ.
Chương trình canh tác lâm nông kết hợp trên đất sau nương rẫy: Xây dựng được 500 ha mô hình canh tác lâm nông kết hợp trên đất nghèo kiệt sau nương rẫy trên các vùng sinh thái khác nhau. Các loài cây ưu tiên bao gồm các loài cây lâm nghiệp bản địa, cây làm nguyên liệu, các loài cây nông nghiệp như cây ăn quả, cây lương thực ngắn ngày trồng theo phương thức lâm nông kết hợp bền vững, Mô hình ưu tiên thực hiện tại các tỉnh miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ và Tây Nguyên.
Chương trình đào tạo cho cán bộ làm công tác khuyến lâm: Nâng cao năng lực cho 2.000 cán bộ kiểm lâm địa bàn và 1.000 cán bộ khuyến lâm các cấp đáp ứng yêu cầu phát triển.
Chương trình thông tin, tuyên truyền: Nhằm nâng cao nhận thức và kiến thức của các chủ rừng trong quá trình chuyển đổi từ một nền kinh tế lâm nghiệp phân tán, quảng canh sang kinh tế lâm nghiệp thâm canh và hội nhập quốc tế.
Chương trình tư vấn và dịch vụ khuyến lâm phục vụ Dự án 661: Nhằm cung cấp các dịch vụ tư vấn và khuyến lâm để thực hiện các mục tiêu của Dự án 661.
Để phát triển khuyến lâm, đề án đưa ra các giải pháp gồm: Giải pháp về chính sách và thể chế; Giải pháp về tổ chức và phát triển nguồn nhân lực; Giải pháp về tăng cường hội nhập.
Về vốn và nguồn vốn đầu tư cho Đề án giai đoạn 2008 – 2010, đề án cho biết nhu cầu vốn đầu tư cho giai đoạn 2008 - 2010 là hơn 139 tỷ đồng, trong đó: Đầu tư cho chương trình đào tạo cán bộ làm công tác khuyến lâm (cán bộ kiểm lâm địa bàn và cán bộ khuyến lâm cơ sở) là hơn 19 tỷ đồng; Xây dựng mô hình trình diễn, đào tạo, huấn luyện cho chủ rừng là hơn 41 tỷ đồng; Thông tin tuyên truyền là hơn bảy tỷ đồng; Chi phí quản lý, giám sát, đánh giá và chi phí khác là hơn tám tỷ đồng; Hỗ trợ khuyến lâm và xây dựng mô hình rừng thử nghiệm, huấn luyện cho nông dân thuộc Dự án 661 là 60 tỷ đồng; Xây dựng chính sách, thể chế khuyến lâm là ba tỷ đồng.
Nhu cầu vốn sẽ được huy động từ các nguồn sau: Từ ngân sách đầu tư thông qua Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quốc gia: hơn 76 tỷ đồng; Từ Dự án 661: hơn 60 tỷ đồng; Từ các tổ chức quốc tế: ba tỷ đồng.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký 17-3-2008.
(Theo NNVN)