Yên Bái: Các ngân hàng trong cuộc đua tăng lãi suất tiết kiệm
- Cập nhật: Thứ sáu, 21/3/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Đến hết tháng 2 năm 2008, bình quân toàn hệ thống ngân hàng trên địa bàn có mức tăng trưởng tiền gửi tiết kiệm là 7,67%, trong đó Ngân hàng Đầu tư - Phát triển tăng mạnh nhất là 9% và Ngân hàng Nông nghiệp - PTNT là 6,11%.
Phòng giao dịch Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Yên Bái.
|
Chưa bao giờ các bàn tiết kiệm của các ngân hàng thương mại ở Yên Bái lại có đông người đến gửi tiền như thế. Tuy chưa đến mức phải xếp hàng dài nhưng cảnh tượng chen chúc là có; chuyện phải thương thuyết theo kiểu "Chị thông cảm, cho em gửi trước, em muộn làm quá rồi"... đã diễn ra và trước số lượng khách hàng đông đảo cùng lượng tiền rất lớn, các giao dịch viên đã phải làm việc căng thẳng, liên tục trong nhiều giờ... Đó là ghi nhận của chúng tôi tại các ngân hàng thương mại suốt từ sau tết Mậu Tý đến nay.
Theo thông tin mà chúng tôi có được thì hiện tượng người dân đua nhau đem tiền gửi tiết kiệm bởi mức lãi suất cao (cao nhất là 12% năm) cùng các chương trình khuyến mại hấp dẫn như: trúng thưởng vàng, bạch kim, ô tô BMW, Merceder... giá trị hàng tỷ đồng. Bên cạnh đó là tình trạng giá nguyên vật liệu đặc biệt là vật liệu xây dựng tăng mạnh nên nhiều người tính toán hoãn việc đầu tư xây dựng nhà cửa và sản xuất kinh doanh lại, tiền nhàn rỗi để trong nhà không an toàn nên mang ra ngân hàng gửi vừa chắc ăn, vừa có lãi cao.
Một nguyên nhân không thể không nhắc tới là đời sống người dân đã khá hơn, có sẵn tiền trong khi các chuyên gia kinh tế đều cảnh báo đồng đô la mất giá và không thể "lướt sóng" cùng vàng. Còn nguyên nhân các ngân hàng thương mại đồng loạt tăng lãi suất huy động vốn là bởi một số ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ nhưng có sức tăng trưởng cao, có nhu cầu tăng vốn, nguyên nhân chính và lớn nhất là chính sách siết chặt tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước bằng hai điều luật: tăng dự trữ bắt buộc và đến ngày 17/3 các ngân hàng thương mại phải mua tín phiếu bắt buộc của Ngân hàng Nhà nước với số tiền khổng lồ: 23 nghìn tỷ đồng. Muốn cho vay phải có lượng tiền dự trữ tương đương 11% và nhất là phải tập trung tiền mua trái phiếu bắt buộc, không còn con đường nào khác là phải tăng vốn huy động.
Mở đầu cuộc đua tăng lãi suất tiết kiệm là một số ngân hàng thương mại cổ phần tại hai thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Ngay từ trước tết Nguyên đán, có ngân hàng đã đẩy lãi suất tiền gửi lên 12% năm (chưa kể chương trình khuyến mại). Lãi suất cao lập tức thu hút được người dân đến gửi tiền tiết kiệm. Vì vậy, các ngân hàng khác trên địa bàn không những không thu hút được tiền gửi mà còn bị nhiều khách hàng rút tiền đem đến các ngân hàng khác để hưởng lãi suất cao hơn.
Để tránh tình trạng này, các ngân hàng cùng địa bàn đành lao vào cuộc đua tăng lãi, nếu không sẽ mất cân đối và rồi cuộc đua lan ra các tỉnh thành khác vì rằng "Không tội gì mà gửi tiền ở Yên Bái, mang đi Hà Nội lãi cao hơn hẳn. Từ đây đến Hà Nội không bao xa, trong khi nhiều dịch vụ chuyển tiền đơn giản sẵn sàng phục vụ" - ý kiến của một khách hàng yêu cầu không nêu tên tại trụ sở Ngân hàng Nông nghiệp thành phố Yên Bái II khi vị khách này đến gửi món tiền hơn 200 triệu đồng vào dịp trước tết Nguyên đán, nhưng thấy bảng thông báo lãi suất thấp đã từ bỏ ý định. Vậy là cùng với các ngân hàng thương mại trên cả nước, hai ngân hàng thương mại lớn trên địa bàn Yên Bái là Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và Ngân hàng Đầu tư - Phát triển đã vào cuộc đua tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm.
Theo ông Lương Đức Chinh - Trưởng phòng Tổng hợp Ngân hàng Nhà nước tỉnh Yên Bái, thì: Đến hết tháng 2 năm 2008, bình quân mức lãi suất tiết kiệm các kỳ hạn đều tăng từ 0,03 đến 0,05%, một số mức huy động cao như kỳ 4 tháng có dự thưởng Ngân hàng Đầu tư - Phát triển là 12% năm, Ngân hàng Nông nghiệp – PTNT kỳ gửi 3 tháng là 12% năm... Bình quân toàn hệ thống ngân hàng trên địa bàn có mức tăng trưởng tiền gửi tiết kiệm là 7,67%, trong đó Ngân hàng Đầu tư - Phát triển tăng mạnh nhất là 9% và Ngân hàng Nông nghiệp - PTNT là 6,11%.
Một vấn đề đáng chú ý là các ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi không cùng một thời điểm nên hiện tượng rút tiền từ ngân hàng này mang ra ngân hàng khác gửi diễn ra rất mạnh. Tuy nhiên, tính chủ động của các ngân hàng khá cao nên không có hiện tượng khách hàng bị từ chối gửi hoặc rút tiền, mọi khách hàng vẫn được phục vụ tận tình và chu đáo, không có sai sót xảy ra.
Theo một cán bộ ngân hàng thì người dân cần tính toán kỹ trước khi rút tiền ở ngân hàng này đem gửi ở ngân hàng khác hoặc rút tiền loại kỳ hạn này đem gửi vào loại kỳ hạn khác nhằm hưởng lãi suất cao hơn vì lĩnh trước hạn sẽ không được tính lãi, không cẩn thận sẽ "tham bát bỏ mâm" và cần xem xét kỹ các mức lãi, các kỳ hạn trước khi gửi, phải bảo đảm hai yêu cầu: mức lãi cao nhất và không ảnh hưởng đến kế hoạch tiêu dùng khi có nhu cầu rút ra. Cũng theo cán bộ này thì chắc chắn thời gian tới, lãi suất tiền gửi tiết kiệm sẽ giảm vì lượng tiền đảm bảo 11% dự trữ đã đủ và thời điểm 17/3 (thời điểm mua trái phiếu bắt buộc) đã qua.
Một quy luật trong kinh doanh là đầu vào tăng thì tất yếu đầu ra sẽ tăng, khi mà lãi suất huy động vốn bằng tiền gửi tiết kiệm tăng đến 1% tháng thì các ngân hàng thương mại đã bắt đầu tăng lãi suất cho vay như: Ngân hàng Đầu tư - Phát triển mức lãi suất cho vay, loại ngắn hạn đã tăng 0,03%, tương đương mức 1,45% tháng; loại trung và dài hạn cũng tăng 0,03%, tương đương mức 1,5% tháng.
Vậy là cuộc đua lãi suất tiền gửi tiết kiệm rất có thể sắp đến hồi dừng. Trong cuộc đua này, những người có tiền nhàn rỗi đem gửi tiết kiệm sẽ được hưởng lợi; các ngân hàng thương mại dù có "mua cao, bán cao" nhưng cũng không hẳn lợi cao vì ngoài một phần vốn làm dự trữ, một khoản tiền đáng kể dành mua trái phiếu bắt buộc, lưng vốn còn lại dùng để cho vay thì giải ngân cũng rất mệt vì lãi suất cao cùng bao chi phí quản lý khác; Chỉ khổ các doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh với bao khó khăn từ giá nguyên, nhiên liệu đầu vào tăng cao nay lại phải gánh thêm khoản tăng lãi suất.
Lê Phiên
Các tin khác
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa phê duyệt "Đề án phát triển khuyến lâm giai đoạn 2008 - 2010 và định hướng đến năm 2020" với trị giá hơn 139 tỷ đồng.
Trong nghiên cứu về tình hình và triển vọng kinh tế của các thị trường đang nổi lên, mới đây, ngân hàng đầu tư Credit Suisse của Thụy Sỹ có phần nhận định về kinh tế Việt Nam với nhan đề “Vietnam: Time to be nevours” (tạm dịch: “Việt Nam: Đã đến lúc phải lo lắng”).
YBĐT - Văn Phú là xã vùng thấp của huyện Trấn Yên (Yên Bái) có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, nhưng đất để sản xuất nông nghiệp chỉ có 50 ha ruộng, 10 ha màu và trên 17,5 ha chè, bình quân một hộ dân trong xã chỉ có từ 3- 5 sào ruộng, màu và chè, nếu canh tác không tốt thì khó có thể đảm bảo được đời sống. Song, Đảng bộ, chính quyền xã đã có nhiều giải pháp hữu hiệu trong phát triển kinh tế, giúp dân xoá đói giảm nghèo.
Làm việc với Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh nhiệm vụ này trên tinh thần của Chính phủ là kiểm soát lạm phát nhưng không hy sinh tăng trưởng kinh tế.