Vùng đá vôi trắng Lục Yên: Cần đi sâu vào chế biến
- Cập nhật: Thứ sáu, 28/3/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Để chấn chỉnh các hoạt động khai thác đá vôi trắng trên địa bàn huyện Lục Yên (Yên Bái), ngày 1-1-2007, UBND tỉnh đã có Thông báo số 158 về việc tạm đình chỉ việc xuất bán đá block của các doanh nghiệp. Việc làm này là cần thiết, bởi việc khai thác xuất bán đá block làm lãng phí tài nguyên và gây ảnh hưởng lớn đến môi trường, đường giao thông…
Sản phẩm đá trắng xẻ xây dựng đang được thị trường ưa chuộng.
|
Lục Yên đã một thời nổi tiếng cả nước và cả Đông Nam Á bởi những viên Rubi hồng ngọc. Hàng ngàn người từ khắp các địa phương trong nước đến các doanh nghiệp tận nước Nga xa xôi và Thái Lan láng giềng đổ về để đào bới, tìm kiếm. Viễn cảnh một Lục Yên giầu có và có thể trở thành một "đặc khu" kinh tế của tỉnh đã nhiều người nghĩ đến. Nhưng rồi sự đóng góp từ hồng ngọc vào nền kinh tế huyện, tỉnh chẳng đáng là bao, mà chỉ thấy môi trường bị tàn phá và nảy sinh biết bao vấn đề xã hội. Hết hồng ngọc thì người ta lại tìm thấy ở nơi đây những núi đá trắng có trữ lượng lớn phục vụ cho sản xuất, chế biến đá xây dựng, mỹ nghệ... Một khu công nghiệp khai thác, chế biến đá dần hiện hữu và một lần nữa người ta lại nghĩ đến một Lục Yên tươi sáng! Tuy nhiên, đã hơn 5 năm trôi qua, ngành công nghiệp đá chưa mang lại nguồn thu đáng kể gì so với giá trị thực của nó. Trong khi hậu quả để lại quá lớn: cảnh quan môi trường tàn phá nghiêm trọng, đường giao thông bị cày xới, người dân vẫn thiếu việc làm, ngân sách Nhà nước thất thu.
Khoảng năm năm về trước, khi nhiều người thăm dò tìm kiếm và phát hiện ra Lục Yên có rất nhiều núi đá vôi trắng với trữ lượng hàng triệu mét khối, hàng loạt công ty, doanh nghiệp được hình thành để khai thác, chế biến nguồn tài nguyên khổng lồ, quý giá này. Chỉ trong một thời gian ngắn, đã có hàng chục doanh nghiệp được cấp phép khai thác, như: Công ty TNHH Thương mại và sản xuất Hùng Đại Dương, Công ty TNHH Quảng Phát, Công ty cổ phần Khoáng sản Yên Bái… Cho đến hôm nay trên địa bàn huyện Lục Yên, vùng đá Mông Sơn có “tập đoàn” doanh nghiệp hùng hậu, 16 doanh nghiệp khai thác đá đã đi vào hoạt động và hiện tại thêm 9 doanh nghiệp đang tiến hành thăm dò khảo sát. Song, những con số mà “tập đoàn” doanh nghiệp này đã đóng góp cho ngân sách Nhà nước không bằng một doanh nghiệp nhỏ hoạt động trong lĩnh vực khác: năm 2006 đóng góp ngân sách 733 triệu đồng, năm 2007 là 1.333 triệu đồng (có thêm một doanh nghiệp nữa đi vào hoạt động). Như vậy, bình quân mỗi doanh nghiệp nộp ngân sách một năm chưa đầy 80 triệu đồng, một con số đầy thất vọng!
Nộp ngân sách đã vậy, vấn đề giải quyết việc làm cũng không mấy sáng sủa. Tuy chưa có một thống kê đầy đủ về số lao động trong các doanh nghiệp khai thác đá này, song chắc chắn không vượt quá 200 người. Trong khi đó, môi trường, cảnh quan vùng đá bị tàn phá nghiêm trọng, đường giao thông bị cày xới tạo thành các ổ trâu, ổ gà ngổn ngang bởi các xe chở đá quá tải trọng. Tại sao lại như vậy? Một điều dễ hiểu bởi các doanh nghiệp sau khi thành lập khai thác không đi vào chế biến sâu tại địa phương, mà chủ yếu khai thác đá cục, đá khối lớn (đá block) chở đi xuất khẩu. Bình quân mỗi năm toàn tỉnh mới chỉ sản xuất 500 ngàn tấn bột đá siêu mịn để xuất khẩu, nhưng trong số đó không có mặt doanh nghiệp đá nào đóng trên địa bàn Lục Yên. Khi đăng ký thành lập, doanh nghiệp nào cũng ghi có phần chế biến. Tất cả sự đóng góp của các doanh nghiệp sản xuất đá trắng ở Lục Yên trong những năm qua không đủ để sửa chữa đường giao thông do chính họ gây ra! Cứ khai thác và xuất bán như vậy thì có lẽ bất cứ người dân nào cũng có thể làm được. Và rồi “công nghiệp khai thác đá trắng Lục Yên” sẽ đi về đâu?
Cảnh quan, môi trường vùng đá nguyên liệu đang bị tàn phá nghiêm trọng.
Để chấn chỉnh các hoạt động khai thác đá vôi trắng trên địa bàn, ngày 1-1-2007, UBND tỉnh đã có Thông báo số 158 về việc tạm đình chỉ việc xuất bán đá block của các doanh nghiệp. Việc làm này là cần thiết, bởi như đã nói ở trên, việc khai thác xuất bán đá block làm lãng phí tài nguyên và gây ảnh hưởng lớn đến môi trường, đường giao thông… Sau một năm thực hiện Thông báo 158, các doanh nghiệp vẫn chỉ một “điệp khúc” xin được xuất bán đá block chứ chẳng thấy có doanh nghiệp nào đầu tư dây chuyền công nghệ chế biến sâu.
Tại hội nghị gặp mặt các nhà doanh nghiệp tiêu biểu đầu xuân 2008, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh - Hoàng Xuân Lộc thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, khiếm khuyết của các doanh nghiệp sản xuất chế biến đá trong những năm qua. Đồng chí cũng nói rõ quan điểm của tỉnh là yêu cầu các doanh nghiệp cần đi vào chế biến sâu, tạo khối lượng hàng hoá lớn, giải quyết việc làm và tăng thu cho ngân sách Nhà nước.
Khi nói về quan điểm cũng như hướng đi trong phát triển vùng đá trắng Lục Yên, đồng chí Hoàng Thương Lượng - Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, tỉnh Yên Bái luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, song với sản xuất chế biến đá trắng ở Lục Yên, các doanh nghiệp phải đưa vào sản xuất, chế biến ngay tại địa phương để nâng cao giá trị và giải quyết việc làm, tăng nguồn thu cho ngân sách. Các doanh nghiệp trong khi khai thác, chế biến phải tuân thủ quy trình khai thác mỏ, bảo vệ tài nguyên môi trường. Trong khai thác, sản xuất cần có sự điều chỉnh phù hợp và giao cho Sở Kế hoạch - Đầu tư, Tài nguyên - Môi trường và Sở Công nghiệp tiến hành rà soát đánh giá cụ thể trữ lượng, loại đá, doanh nghiệp… để xây dựng đề án riêng về vùng đá. Đã đến lúc cần có sự chấn chỉnh lại các hoạt động khai thác đá tại vùng đá Lục Yên. Các doanh nghiệp nhất thiết phải đầu tư máy móc vào chế biến sâu, tận thu tối đa nguồn tài nguyên quý giá này, đồng thời tạo công ăn việc làm, thúc đẩy công nghiệp địa phương phát triển. Đá vôi trắng Lục Yên là nguồn tài nguyên quý giá không phải nơi nào cũng có được, nó rất phù hợp với chế tác đá ốp lát xây dựng mà các nước vùng Trung Đông rất ưa chuộng. Song song với sản xuất đá ốp lát xây dựng, còn có thể phục vụ cho sản xuất đá mỹ nghệ và bột đá siêu mịn xuất khẩu rất có giá trị.
Để nâng cao hiệu quả kinh tế, cần dừng ngay việc khai thác, xuất bán đá block, đòi hỏi các doanh nghiệp phải đầu tư máy móc sản xuất chế biến sâu tại địa phương như đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo. Và chỉ có đi vào chế biến sâu tại địa phương mới góp phần giải quyết việc làm, thu nhập cho lao động địa phương và bảo vệ tài nguyên, môi trường, tăng thu cho ngân sách Nhà nước, bù đắp những thiệt hại do khai thác đá thời gian qua gây ra, tiến tới hình thành một ngành công nghiệp khai thác đá cho hiệu quả kinh tế cao.
Thanh Phúc
Các tin khác
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Từ nay đến tháng 6/2008 chưa tăng giá 10 mặt hàng thiết yếu, trừ khi có trường hợp đột biến giá. Đó là các mặt hàng: xăng dầu, điện, than, nước sạch, vé xe buýt, vé tầu hỏa, vé máy bay, xi măng, sắt thép, học phí và viện phí.
Ngày 26/3, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản (số 1931/VPCP-ĐMDN) về việc đầu tư kinh doanh đa ngành của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.
YBĐT - Năm 2007, ngành GTVT đã tiến hành 18 cuộc thanh tra, thực hiện nghiêm các kết luận của Đoàn thanh tra về đảm bảo giao thông quốc lộc 32, thanh tra 6 cuộc trong lĩnh vực sửa chữa đường bộ, 4 cuộc trong lĩnh vực vận tải hành khách và 3 cuộc thanh tra đào tạo cấp phép lái xe... giải quyết 10/10 đơn khiếu nại, tố cáo, không có trường hợp tái khiếu.
YBĐT - Thực hiện cải cách hành chính, đơn giản hóa các khâu nghiệp vụ trong hoạt động quản lý tài sản Nhà nước, từ ngày 1/9/2007, Kho bạc Nhà nước (KBNN) Yên Bái đã áp dụng quy trình giao dịch một cửa trong kiểm soát chi ngân sách Nhà nước (NSNN).