Các tập đoàn kinh tế lớn cam kết kiềm chế tăng giá
- Cập nhật: Thứ hai, 14/4/2008 | 12:00:00 AM
Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về kiềm chế tăng giá, góp phần chống lạm phát, ổn định kinh tế xã hội, hầu hết các DN công nghiệp đều cam kết chia sẻ khó khăn và không tăng giá các sản phẩm.
|
Thép cam kết không tăng giá
Một loạt các sản phẩm thiết yếu như xăng dầu, điện, than theo yêu cầu của Chính phủ sẽ không tăng giá bán từ nay đến hết tháng 6/2008. Mới đây mặt hàng thép xây dựng cũng cam kết sẽ không tăng giá đến hết tháng 6/2008.
Trao đổi với VietNamnet, ông Phạm Chí Cường - Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam cho biết, tháng 3 vừa qua Hiệp hội Thép đã tiến hành họp với các DN thép và các DN đã cam kết không tăng giá thép nếu giá phôi chưa vượt quá 900 USD. Nay các DN tiếp tục cam kết không tăng giá trong tháng 4/2008. Theo Hiệp hội thép giá trần thép xây dựng các DN bán ra sẽ được giữ ở mức 15,8 triệu đồng/tấn (chưa có VAT). Nếu cộng thêm thuế và phí vận chuyển... giá thép bán ra trên thị trường ở mức trên 17 triệu đồng/tấn.
Hiện nay các DN vẫn sản xuất thép với giá phôi nhập ở mức 860-870 USD/tấn. Chưa DN nào mua phôi với giá 900 USD/tấn (trừ công ty thép Việt - Nhật). Các DN cũng đã tích trữ khoảng 400.000 tấn phôi thép đảm bảo đủ sản xuất đến hết tháng 5/2008.Theo Hiệp hội Thép, giá phôi thép trên thị trường cũng bắt đầu chững lại. Hiện các nhà cung cấp đang chào bán với giá hơn 900 USD/tấn, nhưng các DN Việt Nam đều từ chối mua với giá này, nên giá chào không tăng thêm nữa. Bên cạnh đó chuẩn bị vào mùa mưa và nhiều công trình đã giãn tiến độ thi công nên nhu cầu về thép giảm, giá thép không còn tăng liên tục nữa. Ngược lại sản phẩm thép cuộn nhập khẩu của Trung Quốc bán ra đã giảm khoảng 200.000 đồng/tấn. Theo Hiệp hội Thép tình hình này thì từ nay đến hết tháng 6/2008 giá thép sẽ không tăng.
Không tăng giá phân bón
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí, ông Đinh La Thăng cũng cho biết, ngành dầu khí đã chỉ đạo Nhà máy đạm Phú Mỹ phải đảm bảo sản xuất đạt công suất thiết kế và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm về dầu khí như Khu liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhà máy lọc dầu 3, Nhà máy đạm Cà Mau, Tổ hợp hóa dầu miền Nam, Dự án nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Dự án điện Nhơn Trạch 1 và 2 và các dự án đầu tư ra nước ngoài.
Đối với phân đạm, việc cấp thiết hiện nay là phải xây dựng được mạng lưới đại lý phân phối đến tận tay nông dân, thực hiện chính sách một giá của nhà máy trên toàn quốc, các đại lý bán đúng giá hưởng hoa hồng. Hiện nay, phần lớn sản lượng phân bón nằm trong tay hệ thống đại lý của tư thương, nên tình trạng đầu cơ, hạn chế bán ra để làm giá khiến tốc độ tăng giá phân đạm càng cao.
Vai trò của doanh nghiệp Nhà nước là bình ổn giá thị trường phải thể hiện chính trong lúc này. Ngành dầu khí đã chỉ đạo tăng cường nhập khẩu, sản xuất để có sản lượng chi phối, chiếm 70% sản lượng trong cả nước và bán ra phân đạm bắt buộc phải thấp hơn 10 - 15% giá thị trường.
Đối với mặt hàng khí hóa lỏng, ngành dầu khí đảm bảo sẽ đạt sản lượng sản xuất và nhập khẩu cung cấp tới 65 - 70% thị trường. Ngoài ra, về mặt tài chính, Tập đoàn này sẽ bảo lãnh bằng tiền ủy thác quản lý vốn cho các định chế tài chính để các đơn vị nhập khẩu kinh doanh xăng dầu, đạm và khí để được vay vốn với lãi suất ưu đãi để đầu tư sản xuất kinh doanh.
(Theo Vietnamnet)
Các tin khác
Điều này được minh chứng qua các số liệu trong báo cáo của Ngân hàng thế giới (WB) dự báo về nền kinh tế Việt Nam năm 2008
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Quyết định số 09/2008/QÐ-NHNN về việc cho vay vốn bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng đối với khách hàng, thu hẹp đối tượng cho vay vốn bằng ngoại tệ, nhất là đối với khách hàng là người cư trú.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa thông báo, tình hình cung cấp điện trong mùa khô năm nay sẽ vô cùng căng thẳng. Nếu lũ tiểu mãn không về hồ Hoà Bình thì việc cắt điện sẽ còn diễn ra và được xem là bất khả kháng.
Thị trường dược phẩm Việt Nam được Tổ chức chăm sóc sức khỏe thế giới đánh giá là đầy tiềm năng với tổng giá trị tiền thuốc năm 2005 đạt 772 triệu USD, sẽ đạt ngưỡng 1 tỷ USD vào năm 2008.