Điện mùa khô: Vẫn phải nhờ trời!
- Cập nhật: Chủ nhật, 13/4/2008 | 12:00:00 AM
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa thông báo, tình hình cung cấp điện trong mùa khô năm nay sẽ vô cùng căng thẳng. Nếu lũ tiểu mãn không về hồ Hoà Bình thì việc cắt điện sẽ còn diễn ra và được xem là bất khả kháng.
Sẽ cắt điện luân phiên trên cả nước trong 2 tháng 4 và 5/2008.
|
Miền Bắc sẽ thiếu điện gay gắt
Theo EVN, từ cuối năm 2007, EVN đã xây dựng kế hoạch phát điện của toàn hệ thống năm 2008 là 80 tỷ kWh (tăng 15,82% so với năm 2007). Riêng các tháng mùa khô (từ 1/1 đến 31/5), dự kiến sản lượng điện là 31,7 tỷ kWh (tăng 4,8 tỷ kWh), tương đương tốc độ tăng trưởng 18,11% cho cả giai đoạn mùa khô.
Để đảm bảo nguồn điện, EVN đã lập kế hoạch huy động cao tất cả các nguồn thủy điện, nhiệt điện than, khí, dầu và tăng lượng điện mua ngoài giá cao của các nhà máy điện BOT, IPP và mua điện Trung Quốc. Huy động từ các nhà máy mới như nhiệt điện Cà Mau 1, 2; Nhơn Trạch 1, Uông Bí mở rộng 1, Tuyên Quang. Theo EVN, nếu những tính toán trên đúng như dự kiến, kết hợp với các biện pháp tiết kiệm điện nghiêm ngặt ở mức 1,5% điện thương phẩm thì vấn đề cung cấp điện mùa khô và cả năm 2008 sẽ được đảm bảo.
Tuy nhiên, thực tế đã vượt ra ngoài dự kiến của EVN do nhu cầu điện tăng trưởng rất cao trong 3 tháng đầu năm. Điện EVN sản xuất và mua từ các nhà máy bên ngoài EVN trong 3 tháng đầu năm đạt 17,05 tỷ kWh, tăng 18,41% so với cùng kỳ năm 2007. Điện thương phẩm tăng 19,09% (trong đó điện cung cấp cho công nghiệp tăng 20,95%). Các tháng mùa khô (từ 1/1-31/5/2008) có thể sản lượng điện lên tới 31,7 tỷ KWh, tăng 4,8% so với 2007, tương đương tốc độ tăng 18,11% cho cả giai đoạn mùa khô 2008. Riêng miền Bắc, khả năng phụ tải sẽ ở mức 78,8 triệu kWh/ngày trong tháng 4 (tăng 21,38%) và 83 triệu kWh/ ngày trong tháng 5 (tăng 17,57%).
Cầu tăng mạnh như vậy nhưng cung vẫn rất khó khăn. Một số sự cố về nguồn điện năm 2007 vẫn chưa khắc phục xong, lưu lượng nước về các hồ thủy điện miền Bắc và miền Trung thấp hơn so với trung bình nhiều năm. Các hồ thủy điện Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang còn phải xả nước chống hạn cho hoa màu. Riêng 2 hồ Hoà Bình và Thác Bà đã xả khoảng 2,2 tỷ m3 nước tương đương với 430 triệu kWh điện.
Các nguồn điện mới vào như Nhà máy Điện Cà Mau, Nhiệt điện Uông Bí mở rộng và Thủy điện Tuyên Quang, Đại Ninh mới đang vận hành trong giai đoạn thử nghiệm và sản lượng phát điện thấp hơn nhiều so với dự kiến. Nhiệt điện Cà Mau 1 (750MW) chỉ cung cấp được 42% sản lượng, nhiệt điện Uông Bí mở rộng (300 MW) vận hành không ổn định; sự cố tổ máy số 1 Thủy điện Tuyên Quang phải dừng dài ngày từ 5/2 đến 14/3. Các nguồn khí Cửu Long, Nam Côn Sơn cung cấp cho sản xuất điện không ổn định làm giảm sản lượng của các tổ máy tua bin khí. Nhiệt điện Cà Mau 2 (750 MW) và Nhơn Trạch chậm tiến độ khó có thể vận hành trước cuối tháng 5/2008 và như vậy sẽ không đóng góp gì cho điện mùa khô năm nay. Thêm vào đó, các tổ máy nhiệt điện than phía Bắc do phải huy động cao liên tục trong mùa khô nên rất dễ xảy ra sự cố.
Trong những ngày tới đây, nếu lũ tiểu mãn không về hoặc về muộn vào giữa tháng 6, các nhà máy mới vận hành chưa ổn định thì khả năng thiếu điện sẽ đặc biệt gay gắt, nhất là khu vực miền Bắc.
Nhằm giữ nước các hồ thủy điện để tránh thiếu điện nghiêm trọng vào cuối mùa khô, nhất là ở miền Bắc, 3 tháng qua, EVN đã huy động các nguồn với giá thành rất cao như mua điện của Hiệp Phước, Amata, Formosa, Cà Mau, Cái Lân, tăng cường truyền tải điện từ Nam ra Bắc qua đường dây 500 kV, tăng cường mua điện Trung Quốc một cách hợp lý, phối hợp với các nhà cung cấp khí từ Nam Côn Sơn để nâng công suất đường ống, huy động thêm tuabin khí chạy dầu DO và diesel với giá thành sản xuất trên 4.600 đ/kWh. Với 24,11 tỷ kWh mua của các nguồn BOT & IPP, EVN phải bù lỗ hơn 6.100 tỷ đồng.
Tuy nhiên, mọi biện pháp cũng chỉ là khắc phục tạm thời. Mấu chốt là ở chỗ nguồn cung chưa đủ, hệ thống điện lại không có nguồn dự phòng nên thiếu điện vẫn là tất yếu. Và, niềm hy vọng lớn nhất của EVN là trông chờ vào… ông trời. Bởi vì, như EVN đã nói, nếu lũ tiểu mãn không về hồ Hoà Bình thì nguy cơ thiếu điện sẽ ngày càng trầm trọng.
“Nhà điện” cũng khổ
Để đảm bảo tối ưu lượng điện cung cấp cho sản xuất, sinh hoạt, EVN đang phải thực hiện phân bổ chỉ tiêu sử dụng điện hàng ngày cho các Cty Điện lực (cũng coi như bắt buộc dân phải tiết kiệm điện), trên cơ sở đó, các Điện lực sẽ phân bổ tiếp về các hộ sử dụng theo nguyên tắc cắt điện luân phiên và đảm bảo công bằng. Tuy nhiên, do tiêu chí ưu tiên điện cho sản xuất, các cơ quan Đảng, Nhà Nước, lực lượng vũ trang, công an, y tế… nên những đối tượng khác sẽ bị cắt nhiều hơn.
Thực tế, từ giữa tháng 3 đến nay, hầu hết các địa phương (kể cả thành phố Hà Nội) đều đã chịu cảnh cắt điện luân phiên với cường độ cắt giảm ngày càng tăng. Và không chỉ cắt vào giờ cao điểm mà cắt luôn cả ngày (nhiều nơi ở Thủ đô bị cắt điện từ 6h đến 20h). Thậm chí, nhiều vùng nông thôn như Nam Định, Thanh Hoá, Bắc Kạn, Hoà Bình, Hà Tây bị cắt nhiều ngày liền hoặc chỉ có điện vào ban đêm. Thực ra, các Cty điện lực cũng cần được thông cảm vì họ phải chịu cảnh “trên đe dưới búa”. Bởi vì, cắt điện nhiều thì doanh thu và lợi nhuận sẽ giảm theo.
Hiện nay, để mọi người cùng “thoải mái tiết kiệm”, EVN đã lên kế hoạch tiết kiệm điện bằng 1,5% tổng điện thương phẩm, tập trung vào các đối tượng: chiếu sáng công cộng, cơ quan hành chính sự nghiệp, ánh sáng sinh hoạt và sản xuất công nghiệp. Huy động diesel dự phòng và ký cam kết thực hiện tiết kiệm điện 2% so với cùng kỳ năm 2007 đối với khách hàng công nghiệp trọng điểm, xây dựng các điểm bán đèn compăct chất lượng cao, giá rẻ, được kiểm soát và bảo hành chất lượng 12 tháng. Tuyên truyền sử dụng thiết bị đun nước bằng năng lượng mặt trời. Xây dựng trang thông tin điện tử tuyên truyền về tiết kiệm điện trong nhân dân.
Tuy nhiên, do nguồn cung chưa đủ nên điều EVN đang cần nhất hiện nay vẫn là sự thông cảm và chia sẻ của khách hàng trong việc thực hiện sử dụng điện tiết kiệm, an toàn và hiệu quả.
(Theo VTC)
Các tin khác
Thị trường dược phẩm Việt Nam được Tổ chức chăm sóc sức khỏe thế giới đánh giá là đầy tiềm năng với tổng giá trị tiền thuốc năm 2005 đạt 772 triệu USD, sẽ đạt ngưỡng 1 tỷ USD vào năm 2008.
Ngày 10/4, vòng đàm phán thứ 7 về EPA giữa Việt Nam và Nhật Bản diễn ra trong 5 ngày đã kết thúc tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản.
YBĐT - Năm 2007 toàn tỉnh Yên Bái thành lập và phát triển được 241 HTX, doanh thu các HTX đạt 217 tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 5.563 lao động với mức thu nhập bình quân gần 1 triệu đồng/người/tháng, nộp ngân sách Nhà nước 6,1 tỷ đồng.
YBĐT - Đợt rét đậm, rét hại đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến sinh trưởng, phát triển của cây chè. Song, với sự chủ động, nỗ lực, đầu tư thâm canh của nông dân, diện tích chè lại xanh tươi, nẩy búp non tơ. Trong những ngày đầu tháng tư này, nhà nông Yên Bái cùng các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chè lại hối hả bước vào niên vụ sản xuất mới.