Nỗ lực xoá đói nghèo ở Bản Mù
- Cập nhật: Thứ tư, 23/4/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - Bản Mù một xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Trạm Tấu (Yên Bái), 100% dân số là người Mông. Những năm trước, cuộc sống người dân nơi đây gặp nhiều thiếu thốn. Nhiều hộ dân lâm vào cảnh thiếu đói triền miên. Song những năm qua, được Đảng, Nhà nước có nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ và sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền xã, sự nỗ lực của các hộ dân đời sống, kinh tế - xã hội được nâng lên đáng kể.
Từ chỗ, người dân vay được tiền ngân hàng còn không biết làm gì, thì đến nay, nhận thức của đồng bào Mông được nâng lên, đồng vốn được vay đã phát huy hiệu quả. Bằng nguồn vốn vay và sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân đã biết đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi gia súc, trồng và bảo vệ rừng.
Nhận thấy nguyên nhân dẫn tới đói nghèo của xã là cơ cấu kinh tế chuyển chậm, sản xuất manh mún và không biết áp dụng tiến bộ kỹ thuật; sản xuất nông nghiệp vẫn dựa vào kinh nghiệm là chính và phó mặc cho “ông trời”; chăn nuôi tự phát, không có chuồng trại mà chỉ thả rông gia súc... Đảng bộ, chính quyền xã đã vận động nhân dân khai hoang ruộng nước, đưa các giống lúa có khả năng chống chịu thời tiết lạnh vào gieo cấy..
Cùng với đó, bằng nhiều chính sách hỗ trợ của tỉnh như trợ cước, trợ giống, phân bón; xã phối hợp với cán bộ khuyến nông, cán bộ kỹ thuật mở các lớp hướng dẫn kỹ thuật, canh tác, thâm canh lúa, ngô, rừng…đến bà con. Nhờ vậy, đến nay hơn 135 ha ruộng lúa nước đã được gieo cấy bằng các giống lúa lai, lúa thuần chất lượng cao. Bên cạnh đó, xã cử cán bộ khuyến nông xuống tận thôn bản hướng dẫn kỹ thuật trồng thâm canh lúa nước, cách phòng trừ sâu bệnh từ đó năng suất lúa được nâng lên từ 20 tạ/ha lên 35 tạ/ha.
Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Sùng A Phang phấn khởi nói: “ Cái được lớn nhất ở Bản Mù trong năm qua là đã vận động nhân dân đưa vào gieo cấy nhiều diện tích lúa vụ xuân nhất. Từ bao đời nay, người Mông vùng cao chỉ quen với việc gieo cấy một vụ mùa còn vụ xuân thì bỏ hoang. Thế mà vụ xuân năm qua, nhân dân đưa vào gieo cấy 67 ha lúa đông xuân, tăng 30,4 ha so với năm trước tập trung tại cánh đồng Tà Ghênh và Mảnh Tào. Toàn bộ diện tích lúa đông xuân đã cho kết quả tốt, năng suất đạt khá cao 43 tạ/ha, từ đó đã thu về gần 300 tấn lương thực” - đó được coi là một kỳ tính ở xã vùng cao khó khăn này. Bên cạnh đó, hàng năm, bà con còn gieo cấy ổn định 195 ha lúa nương, năng suất cũng đạt 12tạ/ha.
Trước đây, toàn xã chỉ có vài ha ngô, sắn, thì đến nay, diện tích ngô cả năm đã có 132 ha và gần 25 ha đậu tương và khoai lang, từ đó đã cơ bản giải quyết ổn định vấn đề lương thực ở vùng cao. Một nét mới nữa ở Bản Mù, là trong vài năm trở lại đây, nhân dân mạnh dạn vay vốn ngân hàng đầu tư chăn nuôi gia súc cùng với Dự án bò sinh sản của huyện đầu tư. Nhờ vậy, đàn gia súc ngày một phát triển toàn xã đã có 906 con trâu, 720 con bò, trên 500 con ngựa, 450 con dê và trên 8.000 con gia cầm. Trong chăn nuôi, người dân đã biết nuôi nhốt gia súc và trồng cỏ chăn nuôi theo hướng bán công nghiệp. Ngoài ra, hàng năm nhân dân trong xã còn trồng mới hàng trăm ha rừng kinh tế, nhận khoanh nuôi, bảo vệ 1.257 ha rừng trồng phòng hộ, quản lý bảo vệ tốt 2549 ha tự nhiên…
Bằng những việc làm, hướng đi mới, đời sống nhân dân đã khấm khá hơn, nhiều hộ đã mua được xe máy, ti vi làm lại nhà cửa khang trang, lương thực bình quân đầu người đạt 338 kg/người/năm, cơ sở hạ tầng ngày càng được củng cố, khang trang.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được đó, thì Bản Mù vẫn còn một nỗi lo, là số hộ đói nghèo ở đây còn khá cao, tới 68,7%. Đâu đó, người dân vẫn tái trồng cây thuốc phiện, tình trạng đốt nương làm rẫy ngoài quy hoạch vẫn xảy ra. Nền sản xuất chưa tự chủ được mà phụ thuộc rất lớn vào “ý trời”. Đặc biệt, trong đợt rét vừa qua đã để lại nơi đây hậu quả nặng nề; tổng diện tích gieo cấy toàn xã là 77 ha, người dân gieo cấy hết 100%, nhưng đợt rét đã làm 90 % mạ chết. Đến thời điểm này, cả xã mới chỉ cấy được 2ha/135 ha, diện tích còn lại không thể cấy được do không kịp thời vụ.
Chủ tịch xã Sùng A Phang chỉ tay ra những thửa ruộng nói: “Ruộng có nước cả, nhưng thiếu mạ mà cấy, đến giờ không kịp thời vụ nữa rồi. Vụ này dân thiếu đói ít nhất 3,4 tháng, vào thời điểm nay năm trước trên các cánh đồng Tà Ghênh, Mảnh Tào lúa đã xanh tốt, giờ đây đồng đất này chỉ bỏ hoang!”. Ngoài thiệt hại về lúa, mạ, thì số gia súc chết rét cũng khá lớn với trên 130 con trâu, bò. Dường như lúc này Đảng bộ, chính quyền xã và người dân nơi đây vẫn loay hoay mà chưa rõ hướng khắc phục, giờ chỉ trông chờ vào cây ngô và lúa nương.
Để khắc phục trước mắt Đảng bộ, chính quyền xã cần vận động nhân dân đưa các giống cây ngắn ngày như lạc, đậu tương vào trồng thay thế những diện tích không thể gieo cấy lúa. Bên cạnh đó, Bản Mù cần có sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp, các ngành tạo điều kiện cho người dân vùng cao ổn định cuộc sống yên tâm sản xuất.
Văn Thông
Các tin khác
Ngày 21-4, ngay khi Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn chính thức thông báo quyết định tăng thuế nhập khẩu ô tô mới nguyên chiếc dùng chở người từ 70% lên 83% (có hiệu lực từ 22-4), thị trường xe hơi đã có những phản ứng bất thường. Khách hàng chỉ dò giá, không mua, còn salon ô tô tăng giá nửa vời.
YBĐT - Năm 2007, công tác ủy thác bán phần ở Ngân hàng Chính sách - Xã hội Yên Bái tiếp tục được củng cố, nâng cao chất lượng nhằm hạn chế số nợ quá hạn, sử dụng đồng vốn chính sách có hiệu quả và nâng cao năng lực của các tổ chức hội. Hơn 3.000 tổ tiết kiệm vay vốn với hàng chục vạn đoàn viên, hội viên đã được vay 393,9 tỷ đồng, chiếm tới 99% tổng dư nợ và hạn chế số nợ quá hạn xuống còn 1,9%.
YBĐT - 3 tháng đầu năm 2008, lực lượng kiểm lâm Yên Bái đã phát hiện 102 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, trong đó có 58 vụ vận chuyển, 40 vụ chế biến, cất giữ lâm sản trái phép, đốt nương làm rẫy 3 vụ.
YBĐT - Là tỉnh có diện tích đất lâm nghiệp lớn, từ năm 2002 – 2006, trung bình mỗi năm, Yên Bái trồng mới 11.000 ha rừng các loại. Năm 2007, trồng được 14.128 ha; trong đó, rừng kinh tế chiếm trên 80% diện tích trồng mới.