Mù Cang Chải: Phấn đấu giữ vững tổng sản lượng lương thực

  • Cập nhật: Thứ năm, 22/5/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Theo kế hoạch, sản xuất vụ xuân năm nay, Mù Cang Chải (Yên Bái) cấy 650 ha lúa. Để hoàn thành nhiệm vụ, ngay từ đầu vụ Phòng Kinh tế huyện đã phối hợp với các phòng chuyên môn, các xã, thị trấn, phân công cán bộ phụ trách các xã vận động, chỉ đạo nhân dân thực hiện sản xuất đúng khung thời vụ, đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật....

Ảnh: Thanh Chi
Ảnh: Thanh Chi

Tuy nhiên, do diễn biến thời tiết thất thường, đợt rét đậm kéo dài 42 ngày từ đầu vụ đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất vụ xuân. Khoảng 90% mạ tại các xã Nậm Có, Khau Phạ và 47,3% lúa đã cấy tại các xã: Nậm Khắt, La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Hồ Bốn, Mồ Dề... bị chết rét. Vấn đề đặt ra đối với Mù Cang Chải là phải làm sao khắc phục và chỉ đạo tốt sản xuất vụ xuân bảo đảm an ninh lương thực. Trước yêu cầu nhiệm vụ này, huyện đã căn cứ vào đặc thù khí hậu rất khác so với các địa phương trong tỉnh và chỉ đạo vụ xuân ở Mù Cang Chải phải cấy làm hai trà. Trà sớm thực hiện tại các xã khu 2, khu 3, khu 4 với diện tích 358 ha gồm các xã: Nậm Khắt, La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Hồ Bốn, Mồ Dề, Lao Chải, Kim Nọi. Đây là các xã nằm  ở độ cao khá lớn so với mực nước, thời tiết lạnh và khắc nghiệt. Trà muộn thực hiện tại hai xã Khau Phạ và Nậm Có với diện tích 292 ha.

Đợt rét kéo dài từ đầu tháng 1 đã làm 47,3% diện tích đã cấy trà sớm tại các xã khu 2, khu 3, khu 4 tương đương với 169 ha lúa bị chết rét, việc khắc phục cấy lại diện tích này là không thể do đã muộn so với khung thời vụ. Chính vì vậy, huyện chủ trương tập trung chỉ đạo gieo lại mạ cấy đủ 100% diện tích tại hai xã khu I là Nậm Có và Cao Phạ. Ông Nguyễn Đình Tiến-Trưởng phòng Kinh tế huyện cho biết: “Ngay khi nhận được 5 tấn lúa giống hỗ trợ của tỉnh, phòng đã chuyển cho xã Nậm Có 1 tấn giống TH33, 3 tấn Nhị ưu 838, cho Khau Phạ 1 tấn lúa lai 838 đồng thời cử cán bộ phối hợp với cán bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Trạm Khuyến nông huyện, Trạm Bảo vệ thực vật trực tiếp xuống các xã chỉ đạo gieo mạ và cấy, làm sao để hoàn thành sớm nhất trong khả năng có thể”. Ngày 2/3 bắt đầu tiến hành gieo mạ, huyện chủ trương gieo tập trung theo điểm để thuận lợi cho việc chỉ đạo, hướng dẫn kỹ thuật.

Ông Nguyễn Tiến Phú-Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện cho biết: “Đến 17/3/2008 toàn bộ 100% diện tích (292 ha) tại xã Nậm Có và Cao Phạ đã được cấy xong. Trong suốt thời gian 15 ngày gieo mạ và cấy, với tình cảm và trách nhiệm cán bộ khuyến nông của tỉnh, huyện đã luôn có mặt 24/24 giờ ăn, ngủ, cùng làm với dân, để trong thời gian nhanh nhất khắc phục hậu quả, đảm bảo đúng kỹ thuật".

Như vậy, trong 650 ha theo kế hoạch thì Mù Cang Chải chỉ khắc phục lại 448 ha, 169 ha còn lại tại các xã khu I, II, III, IV việc cấy dặm và gieo mạ bổ sung gặp rất nhiều khó khăn do đã hết thời vụ sản xuất. Hiện tại 448 ha lúa xuân đang trong kì làm đòng. Tuy nhiên, những ngày đầu tháng tư này, trên các cánh đồng đang xuất hiện nhiều loại bệnh như: rầy nâu, đạo ôn, tiêm lửa, với diện tích mắc bệnh 70%-80%. Theo anh Giàng A Chua- cán bộ Phòng Kinh tế huyện cho biết, nguyên nhân mắc bệnh do người dân chưa thực sự quan tâm chăm sóc lúa xuân, huyện đảm bảo cung ứng đầy đủ thuốc trừ sâu, bệnh nhưng việc triển khai phun thuốc tại các xã còn chậm.

Khi chúng tôi đến Nậm Có ngày 8/4, sau hơn một tuần phát hiện bệnh nhưng xã này mới phun được khoảng 10% diện tích, thuốc tại xã đã hết nhưng chưa lấy về. Hiện nay, là thời kỳ phát triển quan trọng của lúa xuân và ảnh hưởng quyết định đến năng suất, nhưng khâu bón phân lại không được người dân chú ý. Đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Nậm Có cho biết: “Việc bón phân trong kỳ làm đòng đối với cây lúa là rất quan trọng, song do đời sống kinh tế của người dân còn khó khăn nên đa số không bón, vì thế có thể ảnh hưởng đến năng suất". Việc khắc phục lúa xuân sau rét được huyện Mù Cang Chải làm rất tốt, nhưng để giữ vững năng suất, huyện cần tăng cường công tác chỉ đạo, vận động nhân dân chăm sóc, phòng trừ sâu, bệnh kịp thời.

Theo dự đoán của Phòng Kinh tế huyện, năng suất vụ xuân có thể giảm từ 4-5 tạ/ha. Cùng với số diện tích không cấy được trong vụ này, sản lượng lương thực của huyện giảm 6.700 tấn. Trước tình hình mà diện tích gieo cấy, năng suất, sản lượng không đạt, Mù Cang Chải đã chủ động tăng diện tích đậu tương thêm 33 ha, ngô xuân thêm 60 ha, đưa tổng diện tích ngô đông lên 910 ha, đậu tương 203 ha. Đồng thời, để giữ vững tổng sản lượng lương thực của cả năm, vụ mùa này Mù Cang Chải phấn đấu đưa từ 60-70% cơ cấu giống lúa lai vào sản xuất trên diện tích lúa nước là 1.344 ha, lúa nương 1.466 ha.

Hiện nay huyện đang tích cực kiểm tra, tu sửa, nạo vét hệ thống thuỷ lợi kênh mương nội đồng, chuẩn bị cung ứng đầy đủ, kịp thời phân bón đến người dân... Bảo đảm các điều kiện tốt nhất cho vụ mùa, phấn đấu lấy vụ mùa bù vụ xuân giữ vững tổng sản lượng lương thực cả năm.

Anh Dũng

Các tin khác

11 giờ hôm nay, 22-5, giá vàng tiếp tục được nâng lên. Theo niêm yết của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), giao dịch tại TPHCM ở mức mua vào/bán ra là 18,52-18,58 triệu đồng/lượng; riêng vàng bán lẻ theo chỉ, giá bán ra tót lên… 1,861 triệu đồng/chỉ

Ngân hàng đầu tư hàng đầu của Mỹ Goldman Sachs vừa công bố một báo cáo mang tên “Asia Economics Flash” (tạm dịch: “Điểm nhanh tình hình kinh tế châu Á”).

Hiện nay nhiều diện tích lúa ở xã Cảm Nhân (Yên Bình) đang phát triển tốt nhờ cấy đúng khung thời vụ và áp dụng đúng KHKT.

YBĐT - Do ảnh hưởng của thời tiết, vụ xuân năm nay, huyện Yên Bình (Yên Bái) có 40 ha ruộng bị hạn không khắc phục được phải chuyển sang trồng cây màu.

Theo tin từ các doanh nghiệp (DN), hiện nay các công ty như Thép Đình Vũ, Gang thép Vạn Lợi và Thép Hưng Yên... đã ký hợp đồng xuất khẩu gần 60.000 tấn phôi thép.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục