Yên Bái: Những khó khăn trong công tác trồng rừng phía Tây

  • Cập nhật: Thứ tư, 28/5/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Vụ trồng rừng năm 2008 này là năm thứ 3 liên tiếp, người dân miền Tây thuộc huyện Văn Chấn, thị xã Nghĩa Lộ, Trạm Tấu, Mù Cang Chải (Yên Bái) tham gia trồng rừng kinh tế. Tưởng như việc trồng và phát triển rừng đã đi vào “guồng”, nhưng mới bắt đầu vào vụ trồng rừng 2008, nhưng đã gặp rất nhiều khó khăn, nếu không có biện pháp tháo gỡ thì miền Tây không thể hoàn thành kế hoạch trồng rừng trong năm, mà còn ảnh hưởng đến những năm tiếp theo.

Chuẩn bị vườn ươm giống cây lâm nghiệp tại huyện Văn Chấn. Ảnh: Khánh Linh.
Chuẩn bị vườn ươm giống cây lâm nghiệp tại huyện Văn Chấn. Ảnh: Khánh Linh.

Thực hiện kế hoạch trồng mới 16 ngàn ha rừng trong năm nay, ngay từ cuối năm 2007, nông dân các huyện, thị đã tích cực chuẩn bị đất, giống, phân bón… Đến nay toàn tỉnh đã trồng được 7.495 ha rừng, trong đó trồng rừng tập trung 6.640 ha, trên 855 ha cây phân tán. Một số huyện vùng thấp như: Văn Yên, Yên Bình, Trấn Yên… đã cơ bản trồng xong diện tích theo kế hoạch năm 2008.

Theo đánh giá của các lâm trường, công ty lâm nghiệp và huyện thì người dân trồng rừng rất phấn khởi bởi thị trường tiêu thụ gỗ nguyên liệu tốt, khí hậu thời tiết sau rét đậm, rét hại đã trở lại bình thường. Người dân Văn Yên, Trấn Yên, Yên Bình không chỉ trồng rừng mà còn đầu tư xây dựng nhà xưởng chế biến gỗ rừng trồng ngay tại nhà, vừa tăng thu nhập lại góp phần giải quyết việc làm, đóng góp vào ngân sách Nhà nước. Việc trồng và phát triển rừng ở các huyện vùng thấp rất tốt, nhưng đối với các huyện thị phía Tây vẫn gặp không ít khó khăn.

Theo kế hoạch năm 2008, Văn Chấn trồng 1.400 ha, Nghĩa Lộ 70 ha, Trạm Tấu và Mù Cang Chải, mỗi huyện 300 ha rừng kinh tế. Do đặc thù tiểu vùng khí hậu, thời vụ trồng rừng tốt nhất là từ tháng 6 đến hết tháng 8 hàng năm. Để bảo đảm kế hoạch trồng rừng, đến nay các địa phương trong vùng đã cơ bản chuẩn bị đủ giống gồm: 2,4 triệu cây keo hạt nhập nội, 2,6 triệu cây thông mã vĩ, 5 vạn cây bạch đàn, 41 vạn cây sơn tra, trên 10 vạn cây sa mộc và cây vối thuốc. Mặc dù công tác chuẩn bị về giống đã cơ bản, nhưng có một vấn đề cho thấy là người dân miền Tây vẫn chưa mặn mà và thật sự tin tưởng vào trồng rừng kinh tế. Các cấp chính quyền thì vẫn loay hoay chưa tìm đủ quỹ đất để trồng rừng.

Thực tế cho thấy đời sống của người dân vùng này vẫn gặp không ít khó khăn, hàng ngày họ vẫn phải vật lộn kiếm sống, vậy tiền của ở đâu mà đầu tư trồng rừng? Mặc dù với chương trình trồng rừng kinh tế miền Tây, tỉnh đã hỗ trợ 2 triệu đồng/ha (cấp toàn bộ cây giống và phân bón), nhưng người dân vẫn không mặn mà với trồng rừng. Nhận thức, tập quán canh tác của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao chưa hiểu rõ được lợi ích kinh tế cũng như xã hội về trồng rừng. Một vấn đề nữa là công tác thông tin, tuyên truyền rất yếu, từ đó  dẫn đến ngay tại một xã có thôn người dân rất muốn trồng rừng nhưng có thôn lại không muốn trồng dẫn đến tâm lý lo ngại, thiếu tự tin. Đặc biệt là những ngày đầu năm, do ảnh hưởng của đợt rét đậm, rét hại kéo dài đã làm cho 1.800 ha rừng kinh tế ở vùng này bị ảnh hưởng và chết, đến nay không có khả năng phục hồi.

Qua hai năm trồng rừng kinh tế, nhân dân toàn vùng đã trồng được gần 4 ngàn ha, vậy mà chỉ sau một đợt rét đã chết mất một nửa, từ đó dẫn đến tâm lý lo lắng, thiếu lòng tin vào trồng rừng. Trong trồng rừng phòng hộ đầu nguồn cũng vậy, mặc dù mức đầu tư của Nhà nước là 6 triệu đồng/ha trong 4 năm đầu, ngoài mức hỗ trợ Nhà nước còn cấp  bình quân 700 kg gạo/hộ/năm và hộ đó có dưới 5 nhân khẩu khi dành quỹ đất sản xuất nương rẫy cho trồng rừng. Thuận lợi là vậy, nhưng người dân vẫn không mấy quan tâm, mà vẫn phát nương làm rẫy.

Theo kế hoạch, quy hoạch thì từ nay đến năm 2010, các huyện, thị phía Tây mỗi năm phải trồng 5 nghìn ha rừng kinh tế và rừng phòng hộ (2.500ha rừng phòng hộ, 2.500 ha rừng kinh tế). Những con số đó không phải là lớn, song nếu chúng ta không có giải pháp, hướng đi cụ thể cũng rất khó hoàn thành.

Để việc trồng và phát triển vốn rừng đi vào lòng dân, trước mắt cũng như lâu dài các địa phương cần phải xác định rõ quỹ đất cho trồng rừng kinh tế, trồng rừng phòng hộ của địa phương mình; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền tới mọi người dân, để họ hiểu rõ lợi ích kinh tế từ trồng rừng không chỉ giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo, tiến tới làm giầu mà còn làm phong phú tài nguyên rừng, bảo vệ môi trường sinh thái.

Việc gần 1.800 ha rừng bị chết do ảnh hưởng của đợt rét đậm, rét hại đầu năm là bất khả kháng, đây là trận rét nhất từ cường độ đến thời gian trong vòng hơn 30 năm qua. Do vậy, cần khuyến khích, huy động mọi nguồn lực tham gia trồng, chăm sóc và phát triển vốn rừng, trồng rừng phải đảm bảo chất lượng, trồng đến đâu phải đảm bảo đến đó, nhanh chóng bù lại số diện tích đã mất. Giống cây trồng cũng là một trong những yếu tố quan trọng, quyết định đến chất lượng, sản lượng và hiệu quả kinh tế trong trồng rừng, nên các giống cây đã đưa vào trồng rừng phải được kiểm soát, kiểm định về chất lượng, nguồn gốc và xuất xứ.

Các đơn vị cung ứng chủ động đủ hạt giống, cây giống trên cơ sở căn cứ vào nội dung kế hoạch trồng rừng cho năm kế hoạch và các năm tiếp theo. Bên cạnh đó, để người dân có thể sống được bằng nghề rừng cần phải biết ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, lựa chọn cây nguyên liệu có thời gian sinh trưởng nhanh, rút ngắn chu kỳ sản xuất; làm tốt công tác khuyến lâm, tư vấn cho người dân việc lựa chọn cây giống, trồng và chăm sóc một cách khoa học; tăng cường niềm tin của người dân vào chủ trương trồng và phát triển vốn rừng của tỉnh để thoát nghèo và bảo vệ môi trường bền vững, tránh được lũ quét...

Hiền Lương

Các tin khác
Ngày 28/5, hãng Jestar Pacific sẽ giới thiệu máy bay mới A 321 tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: jetcorpaustralia.com.au

Đúng 11h trưa 28/5, Hãng hàng không Jetstar Pacific Airlines chính thức mở bán 10.000 vé giá rẻ đầu tiên chỉ 15.000 đồng trên các đường bay nội địa tại website: www.jetstar.com.

Trong suốt thời gian vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức rất nhiều hội thảo lấy ý kiến đóng góp của các nhà quản lý, các nhà khoa học, các doanh nghiệp, các chuyên gia về lĩnh vực đất đai, bất động sản trong cả nước cho việc sửa đổi Luật Đất đai năm 2003 với mong muốn, việc sửa đổi bổ sung luật lần này sẽ theo kịp với cuộc sống, có tuổi thọ lâu hơn.

YBĐT - Trong 5 tháng đầu năm 2008, Công ty May xuất khẩu Yên Bái sản xuất được hơn 100 ngàn áo jắc-két xuất khẩu, trung bình mỗi tháng sản xuất khoảng 22 ngàn áo jắc két theo hợp đồng, tạo việc làm thường xuyên cho trên 200 lao động, với mức lương tháng tăng 5% so với năm 2007.

Ngày 26/5, các tờ khai hải quan nhập khẩu mặt hàng clinker để sản xuất xi măng được áp dụng mức thuế suất 0%.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục