Giá thịt lợn có thể sẽ tăng cao và kéo dài

  • Cập nhật: Thứ năm, 5/2/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Năm 2008, là một năm vô cùng khó khăn cho người chăn nuôi lợn ở Yên Bái. Với những người nuôi lợn dựa vào nguồn thức ăn chăn nuôi từ nguồn nông sản tự sản xuất thì đợt rét đậm rét hại đầu năm đã khiến cho việc trồng các loại rau màu như: ngô, khoai lang, các loại rau xanh rất khó trồng. Người nuôi lợn bằng thức ăn công nghiệp lại gặp thời điểm giữa năm, giá thức ăn tăng lên rất cao nhưng giá lợn hơi lại rất rẻ.

Giá thịt lợn có thể sẽ tăng cao và kéo dài. (Ảnh: T.P
Giá thịt lợn có thể sẽ tăng cao và kéo dài. (Ảnh: T.P

Ông Lương Đình Đáp ở xã Văn Lãng (huyện Yên Bình) là một hộ chăn nuôi lợn quy mô lớn và giàu kinh nghiệm cho biết, một con lợn nuôi bằng thức ăn công nghiệp thường chỉ lãi được khoảng 200 nghìn đồng trong thời gian nuôi từ 3 đến 4 tháng và thường nuôi với số lượng lớn trong một lứa thì mới thu được vài triệu đồng trong một chu kỳ nuôi. Lúc giá thức ăn tăng cao, ông Đáp đã phải rất cố gắng điều chỉnh lượng thức ăn để mới có thể hoà vốn. Có nhiều người nuôi lợn theo mô hình bán công nghiệp, vì thiếu kinh nghiệm nên đã bị thua lỗ. Trước thực tế như vậy, không ít người nuôi lợn nản lòng mà thu hẹp lại quy mô.

Tiếp đó, trận lũ lịch sử hồi đầu tháng 8/2008 đã phá hoại một cách nghiêm trọng đối với sản xuất nông nghiệp. Nhiều diện tích lúa, ngô, rau xanh bị mất trắng hoặc không khôi phục lại được và riêng việc trồng rau xanh ở vùng đất bị bão lũ đi qua, mãi tới cuối tháng 10 mới thực hiện được vì khi đó đất mới hết úng nước.

Chúng tôi thăm vùng lũ, ông Nguyễn Thanh Quắc ở thôn 5 xã Minh Tiến (huyện Trấn Yên) và ông Trần Thanh Nhàn ở thôn 3 xã Văn Phú (thành phố Yên Bái) cho biết, gia đình các ông nuôi lợn nhờ nghề nấu rượu thì không có ảnh hưởng gì. Còn lại các hộ ở trong thôn nuôi lợn bằng phụ phẩm nông nghiệp thì quy mô có thể giảm từ 50 đến trên 50% bởi không có nguồn thức ăn và nhiều nhà còn phải tìm cách chống đói trước mắt. Rất tiếc là tình trạng trên lại diễn ra ở phần lớn địa bàn trọng điểm sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi của tỉnh gồm các địa phương: Trấn Yên, Văn Yên, Yên Bình, Lục Yên, thành phố Yên Bái, khiến cho tổng đàn lợn của tỉnh giảm mạnh. Đàn lợn của tỉnh giảm mạnh lại gặp lúc các tỉnh miền xuôi ngập lụt trên diện rộng hồi cuối năm, gây ảnh hưởng lớn cho sản xuất nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng. Vậy là, theo cơ chế vận hành của thị trường, lợn thịt của các tỉnh miền núi lại phải "san sẻ" cho nhu cầu tiêu dùng ở miền xuôi. Đến thời điểm giáp tết Nguyên đán Kỷ Sửu, tiếp tục một lượng lớn lợn thịt ở Yên Bái cũng như các tỉnh lân cận được thu gom để bán sang Trung Quốc qua cửa khẩu Lạng Sơn. Số còn lại được sử dụng làm thực phẩm trong dịp tết và tâm lý của bà con chăn nuôi thường sau tết mới khôi phục lại đàn lợn, bởi ngay sau tết thì trời vẫn còn lạnh lợn sẽ tăng trọng kém, thức ăn nông sản hiếm.

Thực trạng nêu trên dẫn đến việc nhà nông để trống chuồng là khá phổ biến, trừ những nhà nuôi lợn nái để cung ứng cho nhu cầu khôi phục đàn lợn sau tết và giá thịt lợn vì thế cũng tăng cao. Trước tết, giá một kg thịt mông chỉ khoảng 54-55 nghìn đồng/kg; thịt thăn đắt hơn khoảng 10 nghìn đồng, nhưng hôm mồng 6 mồng 7 tết, giá 1 kg thịt loại B đã lên tới 75 nghìn đồng. Lượng thịt lợn ở các chợ sau tết cũng không nhiều so với cùng kỳ năm trước.

Nhiều người kinh doanh thịt lợn ở các chợ trên địa bàn thành phố Yên Bái cho biết, khác hẳn với mọi năm, năm nay sau tết vào vùng nông thôn rất khó tìm nguồn lợn thịt. Cho nên rất có thể năm nay giá thịt lợn sau tết sẽ tăng cao. Sở dĩ tăng cao là vì theo quy luật bao giờ sau tết cũng cần có một khoảng thời gian để khôi phục đàn lợn. Tuy nhiên, năm nay không chỉ tăng cao mà còn kéo dài hơn bởi nó vẫn còn ảnh hưởng nặng nề từ hậu quả của thiên tai năm 2008.

Diện tích cây màu vụ đông năm 2008 của tỉnh Yên Bái chỉ đạt khoảng 50% kế hoạch đề ra, do nhiều diện tích đất màu, đất ruộng không kịp khôi phục hoặc không thể sản xuất được sau lũ; lúa mùa chín muộn không kịp làm màu; ngô không đạt năng suất như vụ trước và nhiều nhà phải thu hoạch non để cấy lúa xuân, dẫn đến nguồn thức ăn chăn nuôi sẽ hạn chế. Nhiều người dân vùng lũ thuộc khu vực trọng điểm nông nghiệp của tỉnh, đời sống đang còn khó khăn do lũ tàn phá nên năng lực đầu tư chăn nuôi cũng giảm sút.

Thực trạng trên đang đặt ra trách nhiệm nặng nề cho các cấp, các ngành chuyên môn cần tích cực đưa ra các giải pháp thiết thực để khôi phục nhanh đàn lợn ngay từ những ngày đầu năm mới, để bảo đảm nhu cầu thực phẩm của người tiêu dùng và nâng cao hiệu quả kinh tế từ chăn nuôi đối với vùng nông thôn.            

Hoàng Nhâm

Các tin khác

Sáng 4/2, tàu PVT-Athena Saigon đã vận chuyển an toàn 80.000 tấn dầu thô từ mỏ Bạch Hổ về cập cảng phao rót dầu không bến SPM ở vịnh Việt Thanh thuộc huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

YBĐT - Đã qua gần nửa năm sau trận lũ lụt do cơn bão số 4 tràn qua vùng đất này, Những dấu tích thiệt hại đã mờ dần theo thời gian. Người dân xã Quy Mông, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái vừa đón một cái tết khá tươm tất nhờ sự quan tâm của Nhà nước và các cấp chính quyền địa phương.

Rừng trồng kinh tế ở xã Sơn Thịnh (Văn Chấn) phát triển tốt. (Ảnh: T.P)

YBĐT - Huyện Văn Chấn (Yên Bái) có trên 64.398 ha đất rừng, trong đó trên 46.068 ha rừng tự nhiên và trên 18.300 ha rừng trồng. Ngoài ra, huyện còn có gần 21 nghìn ha đất trống có khả năng qui hoạch cho phát triển lâm nghiệp. Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, năm 2008, Hạt Kiểm lâm Văn Chấn đã thực hiện hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, đưa độ che phủ lên gần 52%.

YBĐT - Trong tháng 1/2009, các đơn vị sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố Yên Bái đã nỗ lực thi đua ngay từ những ngày sản xuất đầu tiên của năm mới.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục