Lợi ích từ rừng

  • Cập nhật: Thứ sáu, 6/2/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Nhắc đến Trạm Tấu (Yên Bái) là nói đến những cánh rừng thông xanh ngút tầm mắt hay là những cánh rừng tự nhiên kỳ vĩ với đặc sản quả sơn tra... Rừng đã mang về cho đồng bào cơm áo và nhiều những lợi ích thiết thực khác về môi trường. Vì thế, ở miền sơn cước này, giờ đây việc tham gia bảo vệ rừng đã được đông đảo người dân nhiệt tình hưởng ứng.

Rừng thông phòng hộ kinh tế ở Trạm Tấu. (Ảnh: Thanh Thủy)
Rừng thông phòng hộ kinh tế ở Trạm Tấu. (Ảnh: Thanh Thủy)

Năm 2008, toàn huyện Trạm Tấu có 9.083 lượt hộ dân tham gia bảo vệ rừng, trong đó có 2.075 lượt hộ tham gia bảo vệ 5409,6 ha rừng trồng phòng hộ; 2030 lượt hộ tham gia bảo vệ 17.167,6 ha rừng tự nhiên; 2287 lượt hộ tham gia bảo vệ 17.167,6 ha rừng tự nhiên; 2287 lượt hộ tham gia bảo vệ 9.830 ha rừng khoanh nuôi tái sinh; 830 lượt hộ tham gia chăm sóc 700 ha rừng trồng năm thứ hai; 860 lượt hộ tham gia chăm sóc 1.130 ha rừng trồng năm thứ ba và 721 lượt hộ tham gia chăm sóc 1.024,7 ha rừng trồng năm thứ 4.

Với mức hỗ trợ 90.000 đồng/ha, năm vừa qua người dân Trạm Tấu đã có trên 486.000.000 đồng từ việc bảo vệ 5.409,6 ha rừng trồng phòng hộ, có trên 1.545.000.000 đồng từ việc bảo vệ 17.167,6 ha rừng tự nhiên phòng hộ và có trên 884 triệu đồng từ việc bảo vệ 9.830,0 ha rừng khoanh nuôi tái sinh. Đó là những lợi ích trước mắt phục vụ trực tiếp cho cuộc sống của đồng bào và tiềm ẩn bên trong những tài nguyên quý giá trong tương lai.

Đến với xã Xà Hồ, đồng bào Mông ở đây đã tham gia bảo vệ 386,7ha rừng trồng và trên 1500 ha rừng tự nhiên. Được biết, nhờ rừng mà đồng bào đã bước qua được cái đói giáp hạt vừa rồi và phủ xanh được nhiều diện tích đất trống đồi núi trọc, mang về cho quê hương vùng cao một diện mạo mới. Ông Chớ A Páo – Chủ tịch UBND xã Xà Hồ cho biết: “Đúng đợt giáp hạt giữa năm 2008, lúc đồng bào đang đối diện với cái đói thì ban quản lý rừng chi trả công bảo vệ rừng cho dân bằng gạo; đồng bào phấn khởi lắm, bây giờ nói đến đăng ký tham gia bảo vệ rừng thì đông đảo người dân trong xã đều giơ tay cả”. Xã Xà Hồ có 9 thôn bản thì cả 9 thôn vào phong trào tham gia bảo vệ rừng đều được triển khai sâu rộng đến toàn thể đồng bào.

Ông Hờ A Su – Trưởng thôn Đầu Cầu xã Xà Hồ tâm sự: Toàn thôn tham gia bảo vệ 165,55 ha rừng phòng hộ và với giá 90.000 đồng/ha, trong thôn cũng được hưởng gần 15.000.000 đồng, tiền công bảo vệ rừng. Nếu so với cả năm thì đây không phải là một khoản thu nhập cao, song cái chính là Nhà nước thường chi trả đúng vào những thời điểm như: dịp giáp hạt hoặc vào dịp tết cổ truyền hay tết Nguyên đán nên đã kịp thời động viên người dân và giúp người dân vượt qua lúc khó khăn nhất trong năm nên đồng bào rất phấn khởi. Năm 2009, đồng bào trong thôn vẫn quyết tâm bảo vệ tốt các diện tích rừng đã nhận khoán”. Nhà ông Hờ A Sang ở thôn Đầu Cầu có 8 khẩu, ruộng nương không có nhiều nên kinh tế còn gặp nhiều khó khăn.

Năm 2008 ông Sang đăng ký tham gia bảo vệ 18 ha rừng trồng phòng hộ trong thôn và ông cho biết: “May mà nhà mình tham gia bảo vệ rừng nên đợt đói trong năm được hỗ trợ gần 1 tạ gạo, ăn được hơn 1 tháng, lúc hết gạo bảo vệ rừng thì cũng được gặt lúa rồi. Nếu năm nay Nhà nước cho mình bảo vệ thêm mình, cũng sẵn sàng”. Cũng như nhà ông Sang, nhà ông Hờ A Gia tham gia bảo vệ 7,3 ha rừng trồng phòng hộ và ông tâm sự: “Thật ra bảo vệ rừng cũng không khó, chỉ cần mình đốt nương đúng cách, tránh lúc gió mạnh thì sẽ không gây ra cháy rừng, không chặt phá rừng bừa bãi thì không bị phạt, thế thôi. Bảo vệ tốt lại có gạo ăn không bị đói, lại có củi đốt trong mùa đông không bị rét, có nước để uống khi lên nương, bảo vệ rừng bây giờ được nhiều thứ lắm, cán bộ ạ!”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy “Rừng là vàng, nếu mình biết xây dựng và bảo vệ thì rừng rất quý”. Những giá trị từ rừng hôm nay đã khẳng định ý nghĩa lời dạy của Người, nên hôm nay không chỉ đồng bào Mông Xà Hồ mà đồng bào Mông ở Trạm Tấu đã thấm thía bài học đắt giá từ nạn phá rừng. Bảo vệ rừng là bảo vệ chính cuộc sống của đồng bào, xóa đi nỗi lo thiên tai. Ông Giàng A Chu – người dân thôn Bản Công, xã Bản Công bày tỏ: “Mình nghe cán bộ tuyên truyền bảo vệ rừng sẽ không sợ hạn hán, lũ lụt nên mình thích trồng rừng đã vừa có gạo ăn lại không sợ mưa bão, hạn hán”.

Năm 2008, huyện Trạm Tấu trồng 850 ha rừng, vượt kế hoạch 50 ha, đưa diện tích rừng trồng trong toàn huyện lên 10.113 ha. Kết quả này đã đánh dấu một quá trình chuyển đổi nhận thức của đồng bào Mông ở Trạm Tấu trong nhiều năm qua. Năm 2009, huyện dự kiến trồng 1000 ha rừng phòng hộ và bảo vệ tốt 17.639 ha rừng tự nhiên, 6.434,3 ha rừng trồng, 9830 ha rừng khoanh nuôi.

Ông Đinh Thanh Ba – Giám đốc Ban quản lý rừng huyện Trạm Tấu cho biết: “Để thực hiện tốt kế hoạch này, huyện Trạm Tấu đã kiện toàn lại ban chỉ đạo phòng cháy chữa cháy rừng của các xã, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền pháp luật về bảo vệ  và phát triển rừng đến tận các hộ gia đình ở từng thôn bản; thực hiện tốt việc ký kết giao khoán rừng đến các chủ hợp đồng và cụ thể tới từng hộ dân; và kế hoạch sản xuất 2.000.000 cây giống đủ tiêu chuẩn để phục vụ trồng rừng”.

Những ngày đầu xuân này, trên những vườn ươm của huyện Trạm tấu từ Tà Xi Láng về đến Bản Mù, những hạt giống đang nảy mầm và phát triển phục vụ cho việc trồng những cánh rừng phòng hộ đầu nguồn và mang về cho đồng bào vùng cao thêm nhiều lợi ích.

Phương Thùy

Các tin khác

Chiều 5-2, Bộ Tài chính đã ban hành thông tư hướng dẫn thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng thuộc nhóm 2710. Theo đó, kể từ ngày 10-2, các mặt hàng xăng nhập khẩu sẽ đồng loạt áp dụng thuế suất mới 25%, thay cho mức 35% hiện hành.

Nông dân vùng cao Mù Cang Chải đã biết đưa giống lúa lai vào gieo cấy tạo năng suất cao.

YBĐT - Sản xuất nông-lâm nghiệp Yên Bái trong vài năm trở lại đây đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, lúa, ngô, khoai, sắn liên tục được mùa, chăn nuôi, thuỷ sản đã tạo ra khối lượng hàng hoá. Tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt bình quân trên 5%, cơ cấu cây trồng chuyển dịch đúng hướng, đời sống của hàng chục vạn hộ nông dân đã bớt phần khốn khó, nông nghiệp nông thôn có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên bên cạnh đó sản xuất nông-lâm nghiệp vẫn còn bộc lộ những hạn chế cần được khắc phục và tháo gỡ!

Giá các mặt hàng rau xanh đã bình ổn trở lại.

YBĐT – Sau tết Nguyên đán, thị trường hàng hóa đã hoạt động trở lại, các chợ trên địa bàn từ thành phố tới nông thôn hoạt động bình thường nhưng việc mua bán vẫn chưa nhộn nhịp như những ngày thường trong năm bởi dư vị của những ngày tết vẫn còn và đặc biệt, nhiều người dân sau những tiêu pha đáng kể trong dịp tết dường như thực hiện “chính sách” thắt chặt hầu bao.

Giá thịt lợn có thể sẽ tăng cao và kéo dài. (Ảnh: T.P

YBĐT - Năm 2008, là một năm vô cùng khó khăn cho người chăn nuôi lợn ở Yên Bái. Với những người nuôi lợn dựa vào nguồn thức ăn chăn nuôi từ nguồn nông sản tự sản xuất thì đợt rét đậm rét hại đầu năm đã khiến cho việc trồng các loại rau màu như: ngô, khoai lang, các loại rau xanh rất khó trồng. Người nuôi lợn bằng thức ăn công nghiệp lại gặp thời điểm giữa năm, giá thức ăn tăng lên rất cao nhưng giá lợn hơi lại rất rẻ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục