Sản xuất xi măng: “Cung” vượt “cầu”, đau đầu doanh nghiệp

  • Cập nhật: Thứ năm, 26/2/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Năm 2008, cả nước có 10 nhà máy xi măng đi vào sản xuất. Năm 2009 sẽ có thêm 18 dự án mới đi vào hoạt động. Nhu cầu tiêu thụ xi măng, theo tính toán của Bộ Xây dựng, khoảng 45 triệu tấn trong khi sản lượng xi măng sản xuất cả nước là trên 60 triệu tấn (riêng các nhà máy xi măng lò quay xấp xỉ 57 triệu tấn). Các tỉnh trung du, miền núi khu vực quanh Yên Bái với khoảng 5 triệu dân thì sản lượng xi măng sản xuất đã là trên 6 triệu tấn. Dư thừa xi măng và bài toán thị trường đang làm “đau đầu” các doanh nghiệp...

Xi măng “cung” đang vượt “cầu”.
Ảnh: Công nhân Nhà máy Xi măng Yên Bình vận chuyển sản phẩm đi tiêu thụ. (Ảnh: Thu Trang)
Xi măng “cung” đang vượt “cầu”. Ảnh: Công nhân Nhà máy Xi măng Yên Bình vận chuyển sản phẩm đi tiêu thụ. (Ảnh: Thu Trang)

Yên Bái hiện có hai nhà máy sản xuất xi măng lò quay, tổng công suất  trên 1,2 triệu tấn sản phẩm/năm. Năm 2008, sản lượng xi măng – clanhker của Công ty cổ phần Xi măng và khoáng sản Yên Bái và Công ty cổ phần Xi măng Yên Bình là 453.000 tấn/727.000 tấn kế hoạch. Nhà máy Xi măng lò quay công suất 350.000 tấn/năm của Công ty cổ phần Xi măng và khoáng sản Yên Bái đi vào vận hành ổn định từ tháng 3/2008, hiện đã chạy hết 100% công suất. Nhà máy Xi măng Yên Bình công suất 910.000 tấn/năm do kéo dài thời gian hiệu chỉnh máy móc nên tới tháng 10/2008 mới đi vào sản xuất, hiện đã vận hành đạt 80% công suất thiết kế. Năm 2009, dự tính sản lượng xi măng của Yên Bái sẽ đạt 900.000 tấn trở lên, trong đó 2/3 là của Nhà máy Xi măng Yên Bình.

Về mặt giá trị, 900.000 tấn xi măng sản xuất năm 2009 góp phần rất lớn vào chỉ tiêu giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh trong năm nay, các nhà máy sản xuất có thể đạt, thậm chí vượt chỉ tiêu sản lượng này nếu thị trường tiêu thụ ổn định như thời gian qua. Nhưng điều khiến họ quan ngại là dự báo xi măng sản xuất trong cả nước sẽ dư thừa đang trở thành hiện thực. Nhu cầu tiêu thụ xi măng trong nước theo tính toán của Bộ Xây dựng là 45 triệu tấn/năm trong khi sản lượng xi măng sản xuất cả nước là trên 60 triệu tấn (riêng các nhà máy xi măng lò quay xấp xỉ 57 triệu tấn). ở các tỉnh trung du, miền núi khu vực quanh Yên Bái như Tuyên Quang, Phú Thọ, Hà Giang nhiều dự án sản xuất xi măng lớn sẽ đi vào hoạt động từ quý III/2009. Các tỉnh này, bao gồm cả Yên Bái, sản lượng xi măng sản xuất ra là 6 triệu tấn, bình quân 1 tấn xi măng có dư trên một đầu người.

“Cung” đang vượt “cầu” và những khó khăn do suy giảm kinh tế đang làm “đau đầu” các doanh nghiệp sản xuất xi măng. Đẩy mạnh sản xuất phải trên cơ sở ổn định thị trường tiêu thụ, các doanh nghiệp sản xuất xi măng đều đang rất dè dặt tăng sản lượng, có doanh nghiệp ngoại tỉnh đã tính chuyện tạm dừng sản xuất để... giảm lỗ. Tình trạng này không xảy ra ở Yên Bái nhưng các doanh nghiệp sản xuất xi măng cũng rất “đau đầu” vì bài toán thị trường. Báo cáo của Sở Công Thương, hết quý I/2009, hai nhà máy xi măng sản xuất tăng 240% so với cùng kỳ, sản lượng xi măng-clanhker trên 51.000 tấn.

Các cán bộ Trung tâm điều hành Nhà máy Xi măng Yên Bái theo dõi kiểm tra toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh qua hệ thống quản lý phần mềm.
(Ảnh:  Thanh Miền)

Nhà máy Xi măng Yên Bái công suất 350.000 tấn/năm đã vận hành 100% công suất từ tháng 3/2008, kế hoạch sản xuất 300.000 tấn sản phẩm trong năm cầm chắc trong tay nhưng tiêu thụ thế nào đang là vấn đề nan giải. Một tháng rưỡi qua, nhà máy sản xuất trên 10.200 tấn clanhker, gần 8.000 tấn xi măng, nhưng sản lượng xi măng tiêu thụ chỉ đạt 8.700 tấn, tồn kho tới giữa tháng 1/2009 là 18.000 tấn. Khoản tồn kho này chưa phản ánh hết về thị trường nhưng thực sự doanh nghiệp đang rất khó khăn. Dư nợ tín dụng và khấu hao dây chuyền xi măng lò quay còn lớn, giá điện, than, chi phí nhân công ở mức cao trong khi giá bán không tăng, thị trường tiêu thụ cạnh tranh quyết liệt là những bài toán đặt ra với doanh nghiệp.

Nhà máy Xi măng Yên Bình đã vận hành 80% công suất thiết kế, dây chuyền công suất 910.000 tấn/năm hiện cho ra từ 1.000 – 1.500 tấn xi măng, clanhker/ngày. Sản xuất ổn định và tiếp tục nhận sự bao tiêu phần lớn sản phẩm từ Tổng công ty Xi măng Miền Bắc là những thuận lợi của doanh nghiệp. Hầu hết các công trình lớn ở phía Bắc đã sử dụng xi măng Yên Bình, như: Thuỷ điện Bắc Hà (Lào Cai), Thuỷ điện Tuyên Quang, công trình nhà Quốc hội... Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng đang đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn về mở rộng thị trường, chi phí giá thành sản phẩm, nhân công và khấu hao đầu tư tài sản cố định lớn.

Câu hỏi đặt ra là các doanh nghiệp sản xuất xi măng sẽ ứng phó thế nào với một thị trường ứ thừa xi măng, cạnh tranh quyết liệt và khó khăn chủ quan để trụ vững trong thời kỳ suy giảm kinh tế, “cung” lớn hơn “cầu”? Giảm chi phí giá thành là biện pháp mà các doanh nghiệp đã và đang áp dụng. Trong điều kiện hiện nay, các doanh nghiệp xi măng đã rà soát và điều chỉnh lại các định mức trong sản xuất theo hướng tiết kiệm, giảm chi phí cho phép; tổ chức sản xuất ở thời gian thấp điểm để tiết kiệm chi phí về điện; phát huy tối đa năng suất và hệ số sử dụng thời gian, thiết bị... Vấn đề có tính sống còn là phải bảo đảm ổn định chất lượng sản phẩm, duy trì tốt hệ thống quản lý chất lượng để không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm. Thuận lợi với các doanh nghiệp sản xuất xi măng hiện nay, trong đó có các doanh nghiệp Yên Bái, là Chính phủ đã có nhiều chính sách kích cầu kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp.

 Tỉnh Yên Bái cũng có chủ trương dùng xi măng địa phương thay thế nhựa đường ở một số công trình đường giao thông nhằm kích thích sản xuất. Để tiêu thụ trên 900.000 tấn xi măng sản xuất trong năm nay, bài toán thị trường hơn bao giờ hết đòi hỏi các nhà sản xuất phải chủ động tìm lời giải thông qua tìm kiếm thị trường, có chính sách bán hàng, dịch vụ bán hàng năng động, linh hoạt. Trong tháng đầu năm, sản lượng xi măng sản xuất của Yên Bái là trên 51.000 tấn, dự kiến hết tháng 2/2009 sản xuất thêm 55.000 tấn, chưa kể lượng tồn kho, tình hình chung là tiêu thụ đang khó khăn.

Để tiêu thụ hết số xi măng sản xuất ra, các doanh nghiệp đều xác định đẩy mạnh công tác bán hàng, trong đó giữ vững thị trường truyền thống, nhất là các thị trường có sản lương tiêu thụ lớn, lợi nhuận cao; tìm cơ hội xuất khẩu sản phẩm; sản xuất đi đôi với cân đối thị trường, thoả mãn nhu cầu của khách hàng, không để mất thị trường trong điều kiện cạnh tranh quyết liệt và dư thừa xi măng sẽ diễn ra gay gắt trong một vài tháng tới.

Năm 2009, giá trị sản xuất công nghiệp của Yên Bái phấn đấu đạt trên 2.350 tỷ đồng. Chủ động tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ xi măng có vai trò quan trọng bảo đảm chỉ tiêu này. Bên cạnh các chính sách kích thích sản xuất của Nhà nước, sự chủ động, năng động của doanh nghiệp có ý nghĩa quyết định. Chấp nhận cạnh tranh, tranh thủ cơ hội, sáng tạo và lĩnh hoạt trong sản xuất kinh doanh để vượt lên khó khăn là đòi hỏi mang tính cấp thiết, chiến lược mà mỗi doanh nghiệp sản xuất xi măng cần nỗ lực, kiên trì thực hiện!

T.A

Các tin khác

Trước tình hình lượng tồn kho của các DN sản xuất giấy đã đến mức báo động (khoảng 100.000 tấn), ngày 25.2, Bộ Công Thương đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng cho phép áp dụng ngay biện pháp tự vệ khẩn cấp đối với một số mặt hàng giấy.

Văn phòng Chính phủ vừa thông báo, kể từ ngày 1/3/2009, không thu lệ phí cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa xuất, nhập khẩu.

YBĐT - Qua 15 năm hoạt động, cùng với các địa phương, Trạm khuyến nông huyện Trạm Tấu (Yên Bái) đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Hoạt động khuyến nông không ngừng được đổi mới, góp phần làm thay đổi nền nông nghiệp địa phương, đóng góp quan trọng và sự phát triển kinh tế – xã hội chung toàn huyện.

Nhiều hộ gia đình người Dao ở Văn Yên được vay vốn phát triển kinh tế. (Ảnh: Thanh Tân)

YBĐT - Tính đến ngày 20/2/2009, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã giải ngân cho vay ngắn hạn với các đối tượng được hỗ trợ lãi suất đạt trên 200 tỷ đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục