Phúc An: Phát triển đa dạng các loại hình kinh tế
- Cập nhật: Thứ năm, 26/2/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Phúc An là một trong 6 xã vùng III đặc biệt khó khăn của huyện Yên Bình (Yên Bái), có nhiều dân tộc sinh sống như: Dao, Cao Lan, Tày, trình độ dân trí không đồng đều, phong tục tập quán còn lạc hậu, đời sống còn không ít khó khăn. Trước thực trạng đó, Đảng bộ xã đã đề ra nhiều biện pháp nhằm thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.
Trong phát triển kinh tế xã đã chỉ đạo nhân dân tập trung gieo cấy 2 vụ lúa được 103 ha.
|
Đối với vụ xuân này, xã tích cực tập trung gieo cấy 30 ha, tuy nhiên, so với vụ xuân năm trước đã giảm gần 10 ha, do ảnh hưởng của cơn bão số 4 năm ngoái làm vùi lấp diện tích này. Hiện một số nơi, nhân dân vẫn đang tích cực dọn đất đá sạt lở, nhưng khoảng 5/30 ha ruộng bị đất đá vùi lấp không thể khắc phục được. Với những khó khăn như vậy, nhưng năm qua, xã đã chỉ đạo nhân dân tập trung gieo cấy 2 vụ được 103 ha, đạt 98% kế hoạch. Trong đó, vụ xuân gieo cấy được 40,3 ha, sản lượng đạt trên 170 tấn thóc.
Đối với vụ mùa, xã kịp thời chỉ đạo nông dân đầu tư thâm canh, cải tạo các thửa ruộng bị chua, bằng cách bón vôi, do vậy diện tích này vẫn đảm bảo về năng suất và sản lượng theo kế hoạch giao. Riêng diện tích ngô năm qua, toàn xã chỉ đạt 5/25 ha kế hoạch, do một số diện tích bị vùi lấp chưa thể gieo trồng được. Để sản lượng hoa mầu đạt mục tiêu HĐND đề ra, xã chỉ đạo các ban, ngành tạo điều kiện và vận động nhân dân tích cực trồng một số cây khác đảm bảo đạt và vượt kế hoạch, trong đó, diện tích trồng sắn đạt 160 ha, cây lạc 42 ha, khoai các loại 35 ha. Ngoài ra, nhân dân trồng được 90 ha cây lâm nghiệp, chủ yếu là keo lai, bạch đàn, bồ đề, đạt 100% kế hoạch.
Do diện tích sản xuất nông nghiệp ít nên một vài năm gần đây xã đã mạnh dạn đầu tư vào phát triển kinh tế hộ gia đình ở một số lĩnh vực như: trồng cây lâm nghiệp, chăn nuôi gia súc, thuỷ sản, dịch vụ tổng hợp. Để có những mô hình làm ăn phát triển, xã đã quan tâm tạo điều kiện trong việc giao đất, giao rừng, nhất là vấn đề cho vay và quản lý vốn. Tính đến nay, đã có 481 hộ được hỗ trợ vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng NN&PTNT với số tiền giải ngân trên 3,97 tỷ đồng. Việc sử dụng vốn vay của các hộ dân đảm bảo đúng mục đích, có hiệu quả, trong đó đầu tư vào chăn nuôi, trồng rừng được nhiều hộ dân thôn Khuôn Đát, Làng Cại, Đồng Tâm, Đồng Tý... tích cực tham gia và thu được những kết quả khả quan.
Chủ tịch UBND xã- ông Nguyễn Văn Vấn cho biết: “Hiện nay toàn xã có tới 40 hộ trồng được từ 10 ha cây lâm nghiệp trở lên. Điển hình trong phong trào này là hộ ông Trần Duy Chín ở thôn Đồng Tâm trồng được trên 30 ha, ông Nguyễn Văn Kỳ ở Đồng Tha 18 ha, bà Nguyễn Thị Kiều ở Làng Cại trên 10 ha... Trong phát triển chăn nuôi, dịch vụ, nhiều hộ có thu nhập mỗi năm từ 30- 40 triệu đồng như: mô hình chăn nuôi lợn, dịch vụ của ông Hà Xuân Đạt, dịch vụ lâm nghiệp của ông Hà Sơn Bình; dịch vụ vận tải của bà Nguyễn Thị Huệ; dịch vụ tổng hợp của ông Trần Duy Lâm...”.
Nhờ có sự chỉ đạo đúng đắn, tập trung khắc phục mọi khó khăn, đẩy mạnh các loại hình kinh tế nên đời sống của đồng bào trong xã đã ngày được nâng lên. Nhiều chỉ tiêu, kế hoạch huyện giao và nghị quyết HĐND xã đề ra được tổ chức thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch. Tỷ lệ hộ nghèo giảm dần từ 30% năm 2006 còn 26,6% trong năm 2008, hộ khá cũng đã tăng lên và chiếm 35%.
Những kết quả đạt được từ hướng đi đúng đắn, năm 2009 Phúc An tiếp tục huy động mọi nguồn lực chỉ đạo nhân dân khắc phục diện tích đất nông nghiệp bị thiệt hại do mưa lũ gây ra, đảm bảo 100% diện tích gieo cấy 2 vụ lúa; tập trung trồng các loại cây lâm nghiệp, hoa mầu cho năng suất và thu nhập cao, ổn định như: trồng 38 ha ngô, 120 ha sắn, 25 ha khoai các loại, trồng mới 120 ha rừng, đảm bảo đưa vào khai thác 1.700 m3 gỗ rừng trồng. Ngay từ đầu năm 2009, UBND xã đã phân công trách nhiệm cho từng đồng chí lãnh đạo, cán bộ xã; hàng tuần, hàng tháng tổ chức họp giao ban kiểm tra đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ để kịp thời giải quyết công việc, những ý kiến của nhân dân nhằm tạo thế ổn định từng bước xây dựng phát triển kinh tế- xã hội đi lên.
Văn Trung
Các tin khác
YBĐT - Năm 2008, cả nước có 10 nhà máy xi măng đi vào sản xuất. Năm 2009 sẽ có thêm 18 dự án mới đi vào hoạt động. Nhu cầu tiêu thụ xi măng, theo tính toán của Bộ Xây dựng, khoảng 45 triệu tấn trong khi sản lượng xi măng sản xuất cả nước là trên 60 triệu tấn (riêng các nhà máy xi măng lò quay xấp xỉ 57 triệu tấn). Các tỉnh trung du, miền núi khu vực quanh Yên Bái với khoảng 5 triệu dân thì sản lượng xi măng sản xuất đã là trên 6 triệu tấn. Dư thừa xi măng và bài toán thị trường đang làm “đau đầu” các doanh nghiệp...
Trước tình hình lượng tồn kho của các DN sản xuất giấy đã đến mức báo động (khoảng 100.000 tấn), ngày 25.2, Bộ Công Thương đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng cho phép áp dụng ngay biện pháp tự vệ khẩn cấp đối với một số mặt hàng giấy.
Văn phòng Chính phủ vừa thông báo, kể từ ngày 1/3/2009, không thu lệ phí cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa xuất, nhập khẩu.
YBĐT - Qua 15 năm hoạt động, cùng với các địa phương, Trạm khuyến nông huyện Trạm Tấu (Yên Bái) đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Hoạt động khuyến nông không ngừng được đổi mới, góp phần làm thay đổi nền nông nghiệp địa phương, đóng góp quan trọng và sự phát triển kinh tế – xã hội chung toàn huyện.