Khúc hát tháng Hai
- Cập nhật: Thứ năm, 26/2/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Hối hả vào vụ, trên những cánh đồng vùng trọng điểm lúa Đại-Phú-An, huyện Văn Yên (Yên Bái) rộn rã tiếng cười, tiếng máy. Chúng tôi gọi những nông dân tay mạ thoăn thoắt cấy trong nắng xuân là những người may áo mới cho đồng. Những giọt mồ hôi thánh thót như những đường chỉ cuối cùng cho chiếc áo mới, như những nốt nhạc trong bài ca ca ngợi sức lao động của con người...
Những người may áo mới cho đồng.
|
Tiếng cười của những nông dân đang cấy lúa hoà trong tiếng máy vang khắp cánh đồng thôn Khe Sấu (Đại Phác). Cái cảnh tấp nập và không khí rộn rã mùa vụ trong tiết xuân ấm áp, báo hiệu một vụ mùa thắng lợi đã quyến rũ tôi. Nông dân Nguyễn Văn Thuận ở thôn 5, mặt lấm tấm bùn, cười ha hả: "Năm nay, chắc ăn to rồi. Bằng giờ năm ngoái, rét đậm rét hại, mạ đâu có xuống đồng, "giời" thuận lắm các anh ơi!".
Tôi và Thuận cùng cười. Tôi hỏi chuyện anh nhưng cứ phải hét lên vì tiếng ồn từ con "trâu sắt". Chủ tịch UBND xã Đại Phác, Phạm Tùng Nguyên xăng xái, xắn quần lội ruộng xem bà con cấy lúa. Anh cầm khoanh mạ giơ lên, nói: "Chiêm Hương đấy, anh xem mạ vụ này nông dân làm ngon không?". Tôi thì chỉ sơ sơ chứ không hiểu lắm như anh chủ tịch của xã trọng điểm lương thực này. Anh Nguyên nói, giọng cũng căng lên vì tiếng máy trên đồng rộn rã quá: "Chúng tôi đưa cái anh Chiêm Hương này với HT1 vào gần hết ruộng đồng, mấy vụ liền thắng to nhé!". Mấy nông dân dừng tay cấy gật đầu đồng ý.
Trên 60% diện tích cấy của Đại Phác vụ này "chơi" toàn Chiêm Hương với HT1. Vụ trước, nó là giống chủ lực để đưa năng suất của xã lên 62 tạ/ha. Diện tích còn lại, bà con cấy lúa lai ba dòng, trong đó 80% là lúa lai Trung Quốc, 20% là lúa giống do Trại giống Đông Cuông sản xuất và lúa nội lúa ngoại đều khá như nhau. Đại Phác có 128 ha ruộng, toàn đất 2 vụ lúa và ngô trồng 3 vụ. Cái hay là nước cho đồng ruộng hoàn toàn chủ động.
Nước từ thuỷ lợi Khe Giang, Ba Luồng chảy xuống, từ thuỷ lợi Đại Sơn tràn về, mặt kênh mương bê tông ăm ắp nước, nông dân thoải mái cày bừa, đưa mạ xuống đồng, chẳng còn to tiếng tranh giành vì thiếu nước. Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Phạm Văn Tiến hỏi tôi: "Anh xem, có gì khác xưa trên cánh đồng này?" Anh Thuận dừng tay máy, nói với lên bờ: "Máy thay trâu phải không anh?".
Khác xưa rất nhiều thật! Đại Phác hiện giờ có trên 100 máy cày, máy bừa. Nông dân làm ruộng nhẹ tênh. Sáng ngô còn xanh đồng, chiều đã thấy đất lật cày, rồi bừa vỡ vầng cày. Bởi thế, chỉ hơn chục ngày, bà con đã cấy 100% diện tích, đúng khung thời vụ chỉ đạo. Như thế, nông dân không cười sao được!
Còn cái khó của bà con? "Thì vẫn là chuyện giống, phân, giá lên nhưng không chịu xuống!" - Phó phòng Tiến cười. "Huyện đã hỗ trợ các xã 15 tấn lúa giống HT1, 20 tấn giống Khang Dân, 2 tấn Nhị Ưu 838; đã bảo đảm cho bà con 50 tấn phân đạm, 420 tấn lân - NPK, 33 tấn Ka li, 20 tấn vôi bột". Hôm trước, Chủ tịch UBND huyện - Trần Thế Hùng kiểm tra tình hình sản xuất ở cơ sở về cũng cho tôi hay: "Năm nay, huyện hỗ trợ nông dân các xã đặc biệt khó khăn 6.000 tấn lúa giống, 15.000 tấn khác hỗ trợ phát triển sản xuất và 1.000 kg ngô giống C919, 30.000 khoai tây giống cho vụ đông. Ví dụ, hỗ trợ phân bón trị giá 200 triệu đồng cho mỗi xã vùng 135; các thôn vùng 3 của xã vùng hai trị giá 30 triệu đồng. Không có nguồn này, nông dân chắc sẽ khó khăn, nhất là vùng bị thiên tai, vùng cao!".
Thuỷ lợi là một trong những nội dung huyện tập trung chỉ đạo. Trong 342 công trình hiện có, Văn Yên đã kiên cố 136 công trình đầu mối, gần 550 km kênh mương nội đồng. Chuẩn bị cho sản xuất vụ xuân, huyện đã triển khai 13/26 công trình thuộc dự án thuỷ lợi Bắc Văn Yên, khắc phục 9 công trình khác bị thiệt hại do bão lũ, kiên cố hoá thêm 20 km kênh mương nội đồng. Xem ra những lắng lo của nông dân đã được chính quyền quan tâm chu đáo cả!
Tháng Hai, lên Văn Yên, cả huyện nói chuyện làm đồng, nhiều cái mới, cái vui tôi thấy trên đồng ruộng. Ví như chuyện bà con dùng phân viên nén dúi sâu chẳng hạn. Ở Đại Phác, nông dân đã cấy 12 ha theo phương pháp này. Chị Trần Thị Hoà - một nông dân ở xã cho biết, đó là chương trình của Hội Phụ nữ tỉnh triển khai, chị em rất phấn khởi, ăn chắc vụ này sẽ tăng diện tích trong vụ sau. "Thủ phủ" lúa An Thịnh với 250 ha ruộng, năng suất lúa hai vụ 10,5 tạ/ha, vụ xuân 5,5 tạ/ha, nông dân cấy mạ khay thành thợ thì vụ này đã có 200 hộ ở 16/19 thôn bà con giành diện tích cấy theo phương pháp dùng phân viên nén dúi sâu.
Chủ tịch UBND xã - Nguyễn Xuân Quyết tổng kết diện tích là 20 ha, nhà anh cũng dúi sâu 4 sào, nằm trong tốp đầu của xã. Cơ giới hoá trên ruộng đồng cũng là chuyện mới. Đại Phác xã tổng kết có trên 100 máy cày, máy bừa. Cả huyện phải hàng trăm? Chưa ai tổng kết nhưng tôi đã thấy những nông dân đĩnh đạc đường cày, nếp bừa nhàn hạ trên khắp ruộng đồng Đại - Phú - An. Máy thay trâu, sức lao động của những người một nắng hai sương trên đồng ruộng đang dần được giải phóng...
"Trông trời, trông đất, trông mây/Trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm/Trông cho chân cứng, đá mềm/Trời yên, bể lặng, mới an tấm lòng" - nghe câu ca xưa mới thấy thấu hiểu hết những vất vả của nhà nông. Một nhánh mạ cắm xuống là những ngày thấp thỏm, chờ đợi, âu lo. Tháng Hai, trên những cánh đồng ở Văn Yên, tôi vẫn thấy những giọt mồ hôi của nông dân thánh thót trên đồng nhưng gương mặt người thì tươi tắn lắm. Tiếng hát hoà tiếng máy vang xa toả khắp ruộng đồng như một bài ca ca ngợi sức lao động và sáng tạo của con người, báo trước một vụ mùa thắng lợi...
Tuấn Anh
Các tin khác
YBĐT - Phúc An là một trong 6 xã vùng III đặc biệt khó khăn của huyện Yên Bình (Yên Bái), có nhiều dân tộc sinh sống như: Dao, Cao Lan, Tày, trình độ dân trí không đồng đều, phong tục tập quán còn lạc hậu, đời sống còn không ít khó khăn. Trước thực trạng đó, Đảng bộ xã đã đề ra nhiều biện pháp nhằm thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.
YBĐT - Năm 2008, cả nước có 10 nhà máy xi măng đi vào sản xuất. Năm 2009 sẽ có thêm 18 dự án mới đi vào hoạt động. Nhu cầu tiêu thụ xi măng, theo tính toán của Bộ Xây dựng, khoảng 45 triệu tấn trong khi sản lượng xi măng sản xuất cả nước là trên 60 triệu tấn (riêng các nhà máy xi măng lò quay xấp xỉ 57 triệu tấn). Các tỉnh trung du, miền núi khu vực quanh Yên Bái với khoảng 5 triệu dân thì sản lượng xi măng sản xuất đã là trên 6 triệu tấn. Dư thừa xi măng và bài toán thị trường đang làm “đau đầu” các doanh nghiệp...
Trước tình hình lượng tồn kho của các DN sản xuất giấy đã đến mức báo động (khoảng 100.000 tấn), ngày 25.2, Bộ Công Thương đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng cho phép áp dụng ngay biện pháp tự vệ khẩn cấp đối với một số mặt hàng giấy.
Văn phòng Chính phủ vừa thông báo, kể từ ngày 1/3/2009, không thu lệ phí cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa xuất, nhập khẩu.