Bị thu hồi 70% đất sẽ được hỗ trợ 36 tháng

  • Cập nhật: Thứ sáu, 21/8/2009 | 12:00:00 AM

Theo quy định mới, người dân nếu bị thu hồi từ 30% - 70% diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng, sẽ được hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất trong 24 tháng, trường hợp bị thu trên 70% diện tích sẽ được hỗ trợ tối đa 36 tháng.

Vừa đền bù, vừa hỗ trợ

 

Ông Phùng Văn Nghệ - Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN&MT) cho biết, Nghị định 69 (Quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư) đã điều chỉnh giá thuê đất và công khai các khoản đền bù, hỗ trợ theo hướng có lợi cho người bị thu hồi đất.

 

Nghị định 69 được Bộ TN-MT công bố ngày 20/8. Theo đó, giá thuê đất trước đây được thực hiện theo hình thức trả tiền một lần tính theo hệ số 0,5%. Điều này khiến các nhà đầu tư cho rằng, không có sự bình đẳng giữa các tổ chức trong nước và tổ chức nước ngoài. Tổ chức nước ngoài được trả tiền thuê đất một lần, trong khi đó tổ chức trong nước phải trả tiền thuê đất hàng năm, dẫn đến hiện tượng thuê đất giá rẻ mà giao đất giá cao.

 

Tổng cục trưởng phụ trách Tổng Cục Đất đai - ông Phùng Văn Nghệ. Ảnh: K.T

Tổng cục trưởng phụ trách Tổng Cục Đất đai - ông Phùng Văn Nghệ.

Để giải quyết tồn tại này, Nghị định 69 quy định, các tổ chức, cá nhân được Nhà nước cho thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê thì số tiền này được tính bằng số tiền sử dụng đất phải nộp như trường hợp giao đất có thu tiền sử dụng đất cùng mục đích và thời hạn sử dụng.

 

Công tác bồi thường, tái định cư cũng được xác định cụ thể theo từng trường hợp và công khai, minh bạch các khoản hỗ trợ, đền bù. Theo đó, cá nhân, tổ chức, hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, hoặc được bồi thường bằng đất có cùng mục đích sử dụng, hay bằng tiền tính theo giá đất cùng mục đích sử dụng, trong trường hợp địa phương không còn quỹ đất để bồi thường.

 

Theo ông Nghệ, đối với đất nông nghiệp trong khu dân cư và đất vườn, ao không được công nhận là đất ở, ngoài việc nhận bồi thường theo giá đất nông nghiệp trồng cây lâu năm, người có đất bị thu hồi còn được hỗ trợ bằng 30 - 70% giá đất của thửa đất đó; diện tích được hỗ trợ không quá 5 lần hạn mức giao đất tại địa phương.  

 

Quan trọng nhất, nghị định còn tách bạch giữa quy định bồi thường và hỗ trợ cho người bị thu hồi đất. Các khoản hỗ trợ gồm hỗ trợ di chuyển, tái định cư, ổn định đời sống và sản xuất, đào tạo chuyển đổi nghề, tạo việc làm và các loại hỗ trợ khác.

 

Trong trường hợp người dân bị thu hồi từ 30% - 70% diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng, sẽ được hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất trong 24 tháng, trường hợp bị thu trên 70% diện tích sẽ được hỗ trợ trong thời gian tối đa 36 tháng.

 

Ưu tiên đền đất bằng đất

 

Cũng tại buổi công bố Nghị định 69 - Quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, ông Đào Trung Chính - Vụ trưởng Vụ Chính sách và Pháp chế (Tổng cục Quản lý đất đai) đã có cuộc trao đổi với báo chí:

 

Mô tả ảnh.

Tiền thuê đất và giá đất bồi thường, hỗ trợ quy định cụ thể, công khai và minh bạch, hợp lý hơn để đỡ "thiệt thòi" hơn cho tổ chức, cá nhân bị thu hồi...

- Thưa ông, giá đền bù đất theo Nghị định 69 có tính tới phương án hỗ trợ thêm cho các dự án đã được thực hiện trước đây hay không, bởi nếu theo mức giá và hỗ trợ mới quy định thì rõ ràng những người dân có đất bị thu hồi trước khi ban hành NĐ 69 bị thiệt thòi rất nhiều?

 

Nghị định 69 sẽ không xem xét lại các trường hợp dự án đã phê duyệt xong phương án bồi thường và giải quyết xong công tác giải phóng mặt bằng, đền bù, hỗ trợ thu hồi đất... Tuy nhiên, đối với trường hợp bồi thường chậm, nếu như công tác đền bù giải phóng mặt bằng còn chưa giải quyết xong mà lỗi thuộc về người dân, thì người bị thu hồi đất phải chịu trách nhiệm.

 

Trường hợp dự án chậm thu hồi, giải phóng mặt bằng, chậm đền bù, tính đến thời điểm Nghị định 69 có hiệu lực, mà nguyên nhân từ phía cơ quan nhà nước thì sẽ xem xét lại mức giá đền bù đó có hợp lý, thỏa đáng ở thời điểm chúng ta trả tiền cho người dân hay chưa.

 

Riêng với các dự án treo, việc bồi thường tái định cư sẽ được xem xét vào thời điểm Nhà nước có quyết định thu hồi đất, phê duyệt phương án bồi thường. Những dự án treo thì chủ đầu tư sẽ bị xử lý theo Luật Đất đai.

 

- Điều 16 của Nghị định 69 quy định về phương án bồi thường đối với đất nông nghiệp, theo đó hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp có đất bị thu hồi được bồi thường bằng đất có cùng mục đích sử dụng, hoặc được tính bằng tiền. Trong dự thảo Nghị định về quản lý đất lúa và phát triển lúa gạo đảm bảo an ninh lương thực quốc gia (Bộ NN&PTNT) mới được đưa ra lấy ý kiến vào đầu tháng 7 vừa qua có đưa ra phương án về giá tiền đền bù có thể cao hơn từ 3 đến 5 lần giá đất thổ cư tại thời điểm hiện hành, trong trường hợp điều kiện canh tác và vị trí của mảnh đất thuận lợi. Như thế, nếu dự thảo này được thông qua, Điều 16 của Nghị định 69 sẽ lại phải điều chỉnh?

 

Dự thảo nghị định về quản lý đất lúa của Bộ NN&PTNT tôi cho rằng chưa hợp lý. Chúng ta bảo vệ đất trồng lúa bằng cách nâng giá tiền đền bù để các chủ đầu tư phải dời dự án vào vùng sâu, vùng xa, vùng không thuận lợi về địa lý. Theo nguyên tắc của Luật Đất đai, thu hồi đất nào thì đền bù đất đó. Nếu địa phương không có quỹ đất thì mới bồi thường bằng tiền mặt.

 

Ngoài ra, quan điểm của tôi là chúng ta chỉ nên tăng tiền sử dụng hoặc thuê đất chứ không thể tăng giá tiền bồi thường đất.

 

- Nghị định mới quy định nhiều về các chế tài xử lý trường hợp cá nhân, tổ chức chậm trao đất bị thu hồi, chậm giải phóng mặt bằng mà chưa có chế tài xử lý các tổ chức, cá nhân thuê đất?

 

Đối với chủ dự án sử dụng đất không đúng mục đích, chúng ta đã có đầy đủ pháp luật trong tay để xử lý. Bộ TN-MT đang trình lấy ý kiến Chính phủ dự thảo nghị định mới để thay thế quy định hiện hành đối với các hành vi này.

 

- Xin cảm ơn ông!

 

(Theo VietNamNet)

Các tin khác

YBĐT - Ngày 20/8/2009, Sở NN & PTNT tỉnh Yên Bái tổ chức hội thảo: Đề án phát triển cây cao su tỉnh Yên Bái giai đoạn 2010-2015 và 2020. Đồng chí Nguyễn Văn Bình - Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã tới dự và chỉ đạo hội thảo.

Đây là con số được ông ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam đưa ra tại cuộc họp về kế hoạch năm 2010 và kế hoạch 5 năm (2011-2015) do Bộ Công thương tổ chức ngày 19/8 tại Hà Nội Tuy nhiên, ông Ân cho rằng, 10,5 tỷ USD là một con số khó thực hiện trong bối cảnh hiện nay, đòi hỏi ngành và doanh nghiệp phải nỗ lực hơn nữa.

YBĐT - 7 tháng năm 2009, giá trị hàng hóa xuất khẩu toàn tỉnh ước đạt gần 10 triệu USD (bằng 58% kế hoạch năm), tăng gần 27% so với cùng kỳ năm 2008). Các doanh nghiệp khai thác chế biến khoáng sản như: Công ty cổ phần Mông Sơn; Công ty liên doanh Yên Bái - Ban Pu; Công ty TNHH đá cẩm thạch RK; Công ty TNHH thương mại sản xuất xuất nhập khẩu Thành Đạt... là những đơn vị đã đóng góp nhiều vào sự tăng trưởng giá trị xuất khẩu của tỉnh.

YBĐT - Những năm trước đây, do trình độ dân trí không đồng đều, diện tích đất nông nghiệp ít và phân tán nhỏ lẻ nên xã Mai Sơn, huyện Lục Yên (Yên Bái) luôn gặp rất nhiều khó khăn trong việc phát triển kinh tế. Để nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần cho người dân, chính quyền xã đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật; đưa các loại cây, con giống mới vào sản xuất; tích cực chỉ đạo bà con trồng rừng, đậu tương, thâm canh sắn bền vững và tập trung xây dựng các mô hình trang trại chăn nuôi hàng hoá lớn...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục