Nghèo thêm vì... “bò nghèo”!
- Cập nhật: Thứ tư, 26/8/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Trong căn nhà tuềnh toàng không thể tìm được vật gì trị giá quá 100 nghìn đồng, anh Sùng A Sê - một hộ nghèo ở thôn Giàng La Pán, xã Bản Mù (huyện Trạm Tấu) cho biết: “Hai năm trước, nhà có người mất, không có tiền tao đã bán con bò được hỗ trợ để làm ma rồi. Biết là bò của nhà nước hỗ trợ không được bán, nhưng không bán thì không có tiền làm ma”. Số tiền vay Ngân hàng Chính sách - Xã hội để thêm vào cùng sự hỗ trợ của Nhà nước mua bò đến nay Sê vẫn chưa thể trả. Từ năm 2005 đến nay, tổng các chương trình hỗ trợ bò cho hộ nghèo ở Trạm Tấu được 734 con.
Tuy nhiên, sau 4 năm, do thiếu sự quản lý chặt chẽ của các chủ dự án và ý thức của người dân mà số bò này hiện chỉ còn 360 con, phần vì đã chết hoặc vì nhiều nguyên nhân mà người dân đã bán đi...
Hiệu quả từ các chương trình hỗ trợ bò cho hộ nghèo là rất rõ. Điển hình như năm 2005, anh Tráng A Già- một hộ nghèo thôn Giàng La Pán, xã Bản Mù được hỗ trợ 3 triệu đồng để mua bò sinh sản. Nhờ được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, làm chuồng nuôi nhốt, sau 4 năm anh đã có đàn bò 5 con. Kết hợp với chăn nuôi gia cầm, lợn, làm ruộng, làm ngô nương đồi, gia đình đã vươn lên khá giả, có của ăn của để, trả được vốn vay ngân hàng. Tráng A Già là một trong số ít hộ ở Giàng La Pán biết áp dụng tốt các kỹ thuật chăn nuôi. Hiệu quả của chương trình hỗ trợ bò cho hộ nghèo là rất rõ. Tuy nhiên, số hộ biết làm ăn như gia đình Tráng A Già là rất hiếm. Từ năm 2005 đến nay, xã Bản Mù được hỗ trợ 128 con trâu, bò cho các hộ nghèo, nhưng hiện chỉ còn 71 con, người dân đã bán đi 13 con và bị chết 44 con.
Số lượng trâu, bò của Dự án bị bán đi nhiều nhất là xã Túc Đán. Chỉ tính riêng năm 2006, xã được hỗ trợ 75 con bò cái sinh sản nhưng người dân đã tự ý bán đi 37 con, chết 14 con. Đặc biệt là thôn Pá Khoang của xã Túc Đán, trong số 12 hộ nghèo được nhận bò thì 11 hộ bán ngay sau đó. Ông Trịnh Văn Xuê - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Trạm Tấu cho biết: Việc người dân bán bò có nhiều nguyên nhân như thiếu tiền làm ma cho người thân hay bán để mua đồ dùng sinh hoạt... Theo quy định, trong 3 năm đầu người dân không được phép mua bán, trao đổi bò của Dự án, tuy nhiên, việc quản lý chưa tốt dẫn đến việc người dân bán bò Dự án nhưng không ai quản lý hoặc kiểm soát.
Một thực trạng khác đang diễn ra ở các huyện vùng cao là tỷ lệ bò chết rất lớn mà nguyên nhân, theo ông Lầu A Páo - Chủ tịch UBND huyện thì, chủ yếu vẫn do tập quán thả rông gia súc của người dân. Cái khó trong việc vận động người dân làm chuồng nuôi nhốt gia súc ở Trạm Tấu là người Mông vào mùa làm nương rẫy thường nằm ở lán làm nương cho đến khi thu hoạch xong mới về, vì vậy không có người chăn thả trâu, bò, nếu nhốt lại thì không có người cắt cỏ. Chính vì thế, nhiều hộ có chuồng nhưng đa phần vẫn thả rông cho đến khi hết mùa làm nương rẫy.
Từ năm 2005 đến nay, các chương trình hỗ trợ bò cho hộ nghèo thường được triển khai vào tháng 10 trở đi. Như vậy, khi người nghèo nhận được bò thì cũng là bắt đầu vào mùa đông, trong khi bò giống lại được mua và chuyển từ các vùng thấp lên, trong thời gian ngắn chưa kịp thích nghi lại gặp phải thời tiết khắc nghiệt ở vùng cao, do đó sinh trưởng của đàn bò rất kém, nhiều con không thích nghi được bị chết. Do vậy, các chương trình phát triển chăn nuôi gia súc ở vùng cao nên triển khai sớm hơn, trước mùa đông một vài tháng để đàn bò có thời gian thích nghi.
Mặt khác, việc lựa chọn bò giống cũng là vấn đề quan trọng ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng của đàn bò, bởi ngoài nguyên nhân chết rét thì bò chết do ngã cũng chiếm tỷ lệ khá cao (10,2%). Cũng theo ông Trịnh Văn Xuê thì nguyên nhân là do các giống bò ở địa phương khác không thích nghi được với điều kiện địa hình vùng cao, dễ xảy ra ngã chết trong khi tập quán chăn nuôi của người dân vẫn thả rông là chính. Mỗi năm chương trình “bò nghèo” ở Trạm Tấu được hỗ trợ chưa đến 200 con.
Với số lượng như vậy, có cần thiết phải mua giống ở các địa phương khác để bảo đảm tăng cơ học cho đàn bò cả tỉnh trong khi đối tượng được nhận hỗ trợ là những hộ nghèo, đặc biệt khó khăn, rủi ro trong chăn nuôi là rất lớn? Làm sao để hạn chế mức thấp nhất những rủi ro đó là điều cần thiết để bảo đảm cho người nghèo xoá nghèo bền vững. Theo ông Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu thì hàng năm nhu cầu mua bán trâu, bò trong huyện rất lớn và sôi động, với số lượng 200 đến 300 con thì nguồn cung ứng giống trong huyện hoàn toàn có thể bảo đảm. Bên cạnh đó, địa phương, các chủ dự án cần tăng cường các biện pháp quản lý, kiểm soát chặt chẽ quá trình sinh trưởng, phát triển của đàn bò đã hỗ trợ, tránh tình trạng như hiện nay không ai kiểm soát.
Theo Nghị quyết 30a của Chính phủ thì trong năm 2009 và những năm tới, các chương trình hỗ trợ bò cho hộ nghèo sẽ tiếp tục được triển khai với số đối tượng được hưởng lợi rất lớn. Để chương trình đạt hiệu quả cao, bền vững thì các ngành chuyên môn cần rút kinh nghiệm, sớm khắc phục những tồn tại, yếu kém trong việc triển khai các chương trình trước.
Anh Dũng
Các tin khác
Tổng cục Thống kê vừa cho biết, trong tháng 7 đã có 8.700 chiếc ô tô được nhập khẩu về nước, tăng so với tháng 6 1.700 chiếc, đạt giá trị kim ngạch 118 triệu USD.
YBĐT-Văn Chấn có địa hình chia cắt mạnh bởi các dãy núi cao, diện tích lúa nước ở các xã vùng cao ít, đã vậy mùa đông nhiệt độ thấp, lạnh giá, một phần do thiếu nước và cũng do tập quán canh tác nên chỉ gieo cấy một vụ mùa. Đồng bào dân tộc vùng cao chủ phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên, không có đầu tư, dẫn đến năng suất thấp, tình trạng đói nghèo, thiếu lương thực diễn ra phổ biến.
YBĐT- Khối lượng thực hiện các dự án xây dựng cơ bản (XDCB) vốn ngân sách tập trung đạt khá so với kế hoạch, nhưng giá trị giải ngân chỉ đạt khoảng 1/3 giá trị khối lượng. tình trạng vốn chờ công trình vẫn tái diễn; năng lực một số chủ đầu tư, nhà thầu chưa đáp ứng yêu cầu - cần có biện pháp thúc đẩy tiến độ thực hiện và giải ngân vốn XDCB trong những tháng cuối năm...
YBĐT - Xã Nậm Búng (huyện Văn Chấn) có diện tích rừng trên 6000ha và rừng ở đây cũng còn nhiều gỗ. Vì vậy, từ lâu rừng Nậm Búng nằm trong tầm ngắm của lâm tặc cũng như trở thành điểm nóng vận chuyển gỗ lậu. Đặc biệt, từ năm 2008, một số diện tích rừng phòng hộ chuyển sang rừng sản xuất và giao cho Công ty Lâm nghiệp Văn Chấn quản lý, tình trạng chặt phá rừng đã nóng hơn, nhất là diện tích rừng thuộc Tiểu khu 433, nằm trong Dự án rừng bền vững. Chủ rừng cũng như chính quyền địa phương gần như bất lực trong công tác quản lý.