Lục Yên: Cam sành và hồng không hạt có nguy cơ bị xóa sổ
- Cập nhật: Thứ năm, 10/9/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Lục Yên (Yên Bái), vùng đất của hai loại cây ăn quả đặc sản là cam sành và hồng không hạt. Nhờ nó mà đời sống của người dân đã được cải thiện và nhiều nông dân thoát nghèo vươn lên giàu có. Nhưng giờ đây, diện tích của nó đang bị thu hẹp từng ngày và hai thứ cây này đang đứng trước nguy cơ bị xoá sổ.
Lục Yên từng nổi tiếng với hồng chùm không hạt và cam sành. Hai thứ cây ăn quả này một thời đã giúp cho hàng nghìn hộ dân thoát khỏi đói nghèo, không ít hộ vươn lên giàu có. Vào những năm 1990, cây cam, cây hồng được các cấp chính quyền vận động nhân dân phát triển mạnh về diện tích. Cam, hồng đã trở thành cây trồng chủ lực trong xoá đói, giảm nghèo và làm giàu ở nhiều làng quê. Cây cam có mặt ở hầu hết các xã nhưng tập trung ở Tân Lĩnh, Minh Chuẩn, Mường Lai, thị trấn Yên Thế. Có thời điểm diện tích lên đến trên 300 ha. Hàng năm, cây cam đã đem về cho Lục Yên hàng tỷ đồng. Thế nhưng, vào cuối những năm 1990 cam bị bệnh hàng loạt và chết dần, chết mòn. Trong vòng hai năm trở lại đây, cam sành nổi tiếng một thời đã vắng bóng trên địa bàn nhiều xã.
Tân Lĩnh - nơi từng có diện tích cam sành lớn nhất, có nhiều hộ dân từng phất lên nhờ trồng cam sành thì nay đã “vườn không”. Ông Hoàng Ngọc Chấn - Chủ tịch UBND xã cho biết: “Trước đây, diện tích cam có lúc trên 50 ha, nhưng từ năm 1997 - 1998 cam bị thoái hoá. Đến nay xã gần như không còn trồng cam sành. Thay thế vào đó là cây lạc, đỗ nhưng hiệu quả kinh tế đem lại không thể bằng cam sành”. Quãng 15 năm về trước, cả thôn Cầu Vè có 80 hộ thì cả 80 hộ trồng cam, thế mà 2 năm trở lại đây không còn một cây nào. Một loại bệnh hại cam đến nay vẫn chưa tìm ra cách chữa trị hiệu quả.
Tác nhân gây bệnh là loại rầy chổng cánh. Cây bị nhiễm bệnh do rầy chổng cánh chích hút nhựa lây truyền vi khuẩn làm cây suy kiệt, vàng lá, quả ra cứ quắt queo, năng suất, chất lượng giảm. Đặc biệt, loại bệnh này lây lan rất nhanh ra toàn huyện Lục Yên. Theo số liệu của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Lục Yên, từ năm 2007 đến nay mỗi năm có vài chục ha bị nhiễm bệnh phải đốn bỏ. Đến nay, diện tích trên địa bàn cũng chỉ còn khoảng 40 ha.
Cùng chung số phận với cây cam là cây hồng chùm không hạt, nổi tiếng của đất Lục Yên đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận nhãn hiệu hàng hoá. Thời kỳ hưng thịnh của loại cây này diện tích lên đến 500ha ở hầu hết các xã như: Vĩnh Lạc, Liễu Đô, Minh Xuân... Cùng với cam, cây hồng đã trở thành một trong 2 loại cây chủ lực giúp bà con nông dân thoát nghèo. Thế nhưng, diện tích hồng liên tục giảm sút. Trong 5 năm trở lại đây, toàn huyện chỉ còn vài chục ha và diện tích hồng vẫn đang tiếp tục giảm, phần lớn bị người dân chặt bỏ do sâu bệnh.
Theo nhiều hộ dân thì biểu hiện bệnh của cây hồng rất rõ. Thời gian sinh trưởng thân là phát triển tốt, giai đoạn ra hoa đậu quả vẫn chưa có hiện tượng gì nhưng bắt đầu khoảng tháng 5 - 6 có chấm đen ở lá rồi lan sang quả, sau đó rụng chỉ còn trơ cành. Năm 2008, gần như toàn bộ diện tích hồng không được thu hoạch và năm 2009 cũng vậy. Tại các vùng hồng, quả đều rụng đến 99%, ngay cả vườn cây ăn quả của Phòng NN&PTNT huyện cũng chỉ một vài cây có dăm ba quả. Lý giải về hiện tượng này, ông Hoàng Văn Thon - Trưởng phòng NN&PTNT huyện nói: “Hồng rụng quả là do một loại nấm gây ra nhưng việc điều trị cũng rất khó khăn, mặc dù đã phun thuốc, kể cả thuốc đặc trị nhưng không có hiệu quả!”.
Giữ lại cây cam, cây hồng - thứ cây đặc sản, dường như đã vượt quá khả năng của huyện. Lục Yên đã phối hợp với các ngành chức năng, các tổ chức khoa học nông nghiệp khảo sát, tìm cánh chữa trị cứu lấy vùng cam đặc sản. Tuy nhiên, cho đến nay không hiểu vì lý do gì mà vẫn chưa thấy các nhà chuyên môn của tỉnh, trung ương có kết luận cụ thể mà hầu hết mới dừng lại ở việc “đang nghiên cứu”. Người nông dân Lục Yên thì vẫn cứ loay hoay tìm cách chữa trị cho cam, cho hồng bằng cách “ai bảo gì làm theo thế”, không khỏi thì chặt bỏ trồng cây khác.
Theo ông Trưởng phòng NN&PTNT huyện, muốn khôi phục được vùng cây ăn quả đặc sản thì cần một thời gian dài. Phải có dự án tổng thể cấp nhà nước tạo ra môi trường sạch bệnh ở vùng cây ăn quả, chặt bỏ cây bệnh; đầu tư hỗ trợ bằng những giống cây sạch bệnh ở môi trường sạch bệnh và tập huấn chuyển giao kỹ thuật, đào tạo nghề trồng cây ăn quả. Làm được điều đó thật không đơn giản và nó đòi hỏi sự quyết tâm rất cao từ chính quyền các cấp, các cơ quan chuyên môn và mọi người dân thì mới có thể hy vọng cứu được hai loại cây này.
Cây cam sành, hồng không hạt Lục Yên đang có nguy cơ bị xoá xổ trong tập đoàn cây trồng là hiện hữu. Mong muốn hầu hết của người dân Lục Yên là huyện, tỉnh, các nhà khoa học nghiên cứu, tìm ra phương pháp cứu loại cây đặc sản này.
Văn Thông
Các tin khác
Ngoài khẳng định việc Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) quyết không hạ giá gạo xuất khẩu dù lượng tồn kho còn hơn 1,6 triệu tấn, ông Nguyễn Thọ Trí - Phó Chủ tịch VFA còn cho hay, sẽ tiếp tục triển khai mua lúa đợt 2, quy ra gạo khoảng 500.000 tấn cho dân để giữ vững giá nội địa...
Bộ Tài chính vừa có công văn lý giải về công tác điều hành giá xăng dầu thời gian qua, trong đó khẳng định việc giá xăng tăng thêm 1.000 đồng/lít ngày 30/8 là do các doanh nghiệp xăng dầu lỗ 1.190 đồng/lít.
Xét đề nghị của các địa phương về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, Văn phòng Chính phủ ngày 9/9 ra thông báo yêu cầu các địa phương tiếp tục công việc cấp giấy như cũ.
Sáng 9/9, Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) công bố Báo cáo Môi trường Kinh doanh 2010, theo đó, Việt Nam đứng thứ 93 trong bảng xếp hạng năm nay, không thay đổi nhiều so với thứ hạng 91 của năm ngoái.