Lâm trường Thác Bà: Sau gần hai năm hoạt động theo mô hình mới
- Cập nhật: Thứ ba, 22/9/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Cuối năm 2007, Lâm trường Thác Bà bắt đầu tổ chức, sắp xếp lại hoạt động sản xuất, kinh doanh theo mô hình công ty lâm nghiệp. Sau gần hai năm hoạt động theo mô hình sản xuất mới, Lâm trường đã gặp nhiều khó khăn về đất đai, vốn sản xuất kinh doanh... Song, Ban giám đốc và cán bộ, công nhân Lâm trường đã đoàn kết, thống nhất thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh.
Công nhân Lâm trường Thác Bà đóng bầu gieo ươm cây giống phục vụ cho trồng rừng vụ xuân năm 2010.
|
Ông Vương Quốc Đạt- Giám đốc Lâm trường cho biết: “Đơn vị hiện có 120 cán bộ, công nhân chia làm 5 đội sản xuất với chức năng, nhiệm vụ mới được giao là thuê đất của nhà nước để trồng rừng kinh tế, khai thác tiêu thụ, cung cấp gỗ rừng trồng cho các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh chế biến, sản xuất giấy; để đảm bảo việc làm và thu nhập ổn định cho công nhân lao động.
Ngay sau khi được sắp xếp lại sản xuất, Lâm trường đã kiểm tra, rà soát lại đất đai được tỉnh cấp sổ đỏ để xác định ranh giới giữa đất của Lâm trường và nhân dân trong vùng. Do vậy, tình trạng tranh chấp đất đai giữa Lâm trường với nhân dân trong vùng đã được hạn chế; công nhân ở các đội yên tâm sản xuất trồng, bảo vệ, khai thác rừng”.
Bên cạnh đó, sau khi chuyển đổi hoạt động theo mô hình công ty lâm nghiệp, Lâm trường cũng gặp những thuận lợi nhờ cơ chế, chính sách thông thoáng của nhà nước trong việc tiêu thụ gỗ rừng trồng trên thị trường nên đơn vị đã nhanh chóng ổn định sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, trong quá trình sắp xếp chuyển đổi sang mô hình sản xuất mới, Lâm trường đã và đang gặp phải không ít khó khăn, bởi diện tích rừng và đất rừng trước đây được giao quản lý là trên 13.000 ha, nay thu hẹp lại chỉ còn gần 1.060ha, nhưng bộ máy làm công tác quản lý và số công nhân lao động trong Công ty không được tinh giản, vẫn giữ nguyên như trước và không được vay vốn lãi suất ưu đãi để trồng rừng như trước…
Khắc phục khó khăn đó, Lâm trường đã có nhiều giải pháp tích cực tập trung vào đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động, đóng góp đầy đủ nghĩa vụ thuế với nhà nước. Năm 2008, Lâm trường đã chỉ đạo các đội sản xuất trồng mới được gần 80 ha rừng kinh tế, chủ yếu là giống keo tai tượng nhập ngoại và bạch đàn mô, đạt giá trị sản lượng trên 1 tỷ đồng.
Qua kiểm tra nghiệm thu, diện tích rừng trồng mới đều có tỷ lệ cây sống cao, sinh trưởng và phát triển khá tốt. Xác định việc chăm sóc rừng là khâu hết sức quan trọng vì nó quyết định đến sản lượng và chất lượng gỗ của từng đơn vị diện tích rừng trồng, vì vậy Lâm trường đã giao cho các đội chỉ đạo công nhân chăm sóc tốt trên 880 ha rừng từ 1 đến 4 năm tuổi và làm tốt công tác quản lý, bảo vệ, không để xảy ra tình trạng mất rừng và cháy rừng.
Cùng với việc trồng, chăm sóc tốt diện tích rừng hiện có, năm 2008, Lâm trường Thác Bà còn khai thác và tiêu thụ được trên 9.000 m3 gỗ rừng trồng, doanh thu đạt trên 3 tỷ 760 triệu đồng, nộp ngân sách nhà nước trên 579 triệu đồng, thu nhập bình quân của công nhân lao động đạt từ 1,7 đến 1,8 triệu đồng/người/tháng, các chế độ, chính sách của người lao động đều được Lâm trường chăm lo thực hiện đầy đủ.
Năm 2009, Lâm trường Thác Bà đề ra kế hoạch trồng mới 150 ha rừng kinh tế, chăm sóc, quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có và khai thác, tiêu thụ trên 10.000 m3 gỗ rừng trồng. Mặc dù thời tiết không thuận lợi, nhưng trong 8 tháng đầu năm nay, Lâm trường đã chỉ đạo công nhân các đội trồng mới được 120 ha rừng kinh tế, đạt 80% kế hoạch, tổ chức khai thác, tiêu thụ được trên 7.400 m3 gỗ rừng trồng; doanh thu đạt trên 2,5 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước trên 100 triệu đồng; thu nhập bình quân của trên 100 công nhân lao động đạt 1,8 triệu đồng/người/tháng; các chế độ, chính sách khác của người lao động như: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hộ lao động... được thực hiện tốt.
Để phát triển sản xuất kinh doanh bền vững, nâng cao đời sống thu nhập cho người lao động, giúp cho họ gắn bó và làm giàu được từ nghề trồng rừng, trong hai năm qua, Lâm trường đã đầu tư trên 500 triệu đồng mở 15 km đường lâm nghiệp tới các chân lô rừng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chăm sóc, bảo vệ và khai thác, vận chuyển gỗ đi tiêu thụ, giảm được chi phí trong sản xuất, kinh doanh.
Năm 2009, Lâm trường đã mạnh dạn áp dụng hình thức khoán kinh doanh rừng lâu dài cho các hộ lâm trường viên trên diện tích đất do Lâm trường quản lý theo nguyên tắc cùng góp vốn đầu tư, cùng hưởng lợi từ rừng, đảm bảo lợi ích lâu dài cho cả Lâm trường và người lao động. Hiện nay Lâm trường đang tiếp tục hướng tới cổ phần hoá doanh nghiệp, xây dựng Lâm trường ngày càng phát triển.
Trường Nguyễn
Các tin khác
YBĐT - Xã Vĩnh Lạc, huyện Lục Yên (Yên Bái) có 3 công trình nước sạch trọng điểm có khả năng cung cấp đầy đủ lượng nước sinh hoạt cho hàng nghìn hộ dân. Riêng công trình nước sạch Phai Lầu tại thôn Yên Phú, có thể cung cấp nước cho hơn 3 trăm hộ thuộc 6 thôn trong xã. Tuy vậy, mới chỉ đưa vào sử dụng trong vài tháng, công trình Phai Lầu đã ngưng hoạt động và toàn bộ những hộ dân hưởng lợi từ công trình này đã rơi vào tình trạng “khát nước” thường xuyên.
Ngày 21.9, Bộ Tài chính cho biết cơ quan này đang xây dựng dự thảo về giá tối đa đối với sữa bột với mục tiêu ngăn chặn tình trạng bán giá sữa quá cao cho NTD. Theo đó, các tổ chức sản xuất kinh doanh sữa bột tại VN sẽ phải tuân thủ quy định về giá bán tối đa.
Đó là yêu cầu của lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải đối với các cơ quan, đơn vị trực thuộc nhằm hạn chế tình trạng bỏ giá thầu thấp trong đấu thầu các dự án xây dựng giao thông.
Nhằm kiểm soát nhập siêu, Bộ Công Thương vừa đề xuất tăng thuế nhập khẩu ôtô chở người dưới 15 chỗ từ 81% lên 91%. Bộ còn đề nghị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với điện thoại di động.