Sản xuất kinh doanh chè năm 2009: Ngổn ngang trong trầm lắng

  • Cập nhật: Thứ tư, 23/9/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Vụ chè 2009 sẽ kết thúc trong vòng một tháng tới - đó là một niên vụ trầm lắng với bao trăn trở của nông dân và doanh nghiệp. đã có nhiều chuyển biến nhưng tựu chung, doanh nghiệp chè Yên Bái vẫn loay hoay chưa thể vươn tới một thị trường tiêu thụ bền vững. Hệ lụy là người làm chè vẫn khó khăn, vùng nguyên liệu tiềm tàng bất ổn, sản phẩm chè Yên Bái chu du năm châu nhưng nhãn mác, thương hiệu không phải của mình...

Dây chuyền sản xuất chè của Công ty cổ phần Chè Phú Tân (văn Chấn).
(Ảnh: Q.T)
Dây chuyền sản xuất chè của Công ty cổ phần Chè Phú Tân (văn Chấn). (Ảnh: Q.T)

Trên 1.000 tấn chè chế biến tồn năm 2008, các doanh nghiệp chè bán đứt trong những tháng đầu năm. Thị trường tiêu thụ thuận lợi, giá chè đen bình quân đầu và cuối vụ xê dịch 16.000 - 18.000 đồng, hiện tại Công cổ phần Chè Liên Sơn bán bình quân 20.000 đồng/kg. Giá bán tăng khá so với niên vụ trước nhưng các doanh nghiệp chè vẫn thiếu nguyên liệu trầm trọng. Phó giám đốc Công ty cổ phần Chè Liên Sơn - ông Phan Văn An cho biết: “Nguyên liệu chế biến giảm từ 20- 25% so với cùng kỳ, trong số 2.000 tấn chè búp tươi đưa vào sản xuất, chỉ thu mua được 600 tấn, để bảo đảm hợp đồng với khách hàng, Công ty phải mua thêm 400 tấn chè bán thành phẩm từ các cơ sở chế biến trong vùng”.

Công ty cổ phần Chè Trần Phú, kế hoạch nguyên liệu là 5.440 tấn, trong đó chè thu mua 2.240 tấn. Trong tháng 8.2009, kế hoạch thu mua 403 tấn, thực hiện trên 360 tấn. Luỹ kế 8 tháng chỉ đạt trên 1.000 tấn, bằng 48% kế hoạch. Giám đốc Trần Văn Trung cho hay, nhà máy hiện duy trì sản xuất hai ca không còn chạy cầm chừng như giữa vụ. Từ chỗ thu nguyên liệu đưa vào chế biến 13 – 15 tấn/ngày nay bảo đảm 30 tấn/ngày. Khá hơn nhưng chưa thoả mãn công suất 50 tấn/ngày, nhà máy vẫn đói nguyên liệu.

Giám đốc Công ty cổ phần Chè Văn Hưng- bà Nguyễn Thị Minh trao đổi: “ Trong 2.000 tấn chè nguyên liệu đưa vào chế biến thì 60% là chè tự sản xuất. Sau cổ phần hoá, Công ty ổn định sản xuất nông nghịêp, đầu tư thâm canh vùng nguyên liệu, nhiều diện tích đạt từ 15 - 18 tấn/ha, giúp đơn vị tự chủ phần lớn nguyên liệu, không lâm vào cảnh sản xuất cầm chừng như một số doanh nghiệp chế biến khác”. Giá thu mua chè búp tươi, các nhà máy đã trả cho nông dân bình quân 3.000 đồng/kg. Công ty cổ phần Chè Văn Hưng hiện mua chè tươi từ 3.100 - 3.200 đồng/kg. Giá thu mua cao nhưng các doanh nghiệp không thể duy trì sản xuất, bảo đảm các hợp đồng kinh tế với khách hàng nếu không có vùng nguyên liệu tự chủ.

Sản lượng chè búp tươi của Yên Bái khoảng 80.000 tấn/năm trong khi tổng công suất chế biến của khoảng 80 nhà máy, cơ sở là 700 tấn/ngày là nguyên nhân chủ yếu đẩy các nhà máy vào cảnh đói nguyên liệu. Trong khi đó, tác động nặng nề của lạm phát, suy thoái kinh tế, thời tiết và tư duy làm chè ăn xổi khá nặng nề trong nông dân càng làm cho vùng nguyên liệu thêm bất ổn.

Thu hái chè Shan ở vùng cao Văn Chấn. (Ảnh: T.M)

Số liệu của UBND tỉnh, sản lượng chè búp tươi thu hái 8 tháng qua ước trên 49.700 tấn, giảm gần 2.000 tấn so với cùng kỳ, đạt 62% kế hoạch năm; sản lượng chè chế biến trên 11.300 tấn, giảm 22,4% so với cùng kỳ và đạt 50% kế hoạch năm. 90% sản lượng chế biến ở Yên Bái là chè đen hoặc nguyên liệu sản xuất chè đen. Niên vụ này, các doanh nghiệp tỏ ra hài lòng khi tiêu thụ hết chè tồn và chè sản xuất.

Điểm qua các doanh nghiệp lớn: Công ty cổ phần Chè Trần Phú sản xuất, tiêu thụ gần 1.000 tấn chè khô; Công ty cổ phần Chè Liên Sơn 700 tấn; Công ty cổ phần Chè Văn Hưng gần 700 tấn. Giá bán bình quân của Công ty cổ phần Chè Văn Hưng, theo Giám đốc Nguyễn Thị Minh là 1,4 - 1,5 USD/kg, đó là mức giá cao nhất trong các doanh nghiệp và trong mấy chục năm qua của ngành chè Yên Bái. Thế nhưng, cơ cấu sản phẩm tiêu thụ của các doanh nghiệp có sự thay đổi theo hướng tăng sản lượng chè cấp... thấp! Công ty cổ phần Chè Trần Phú là 60 -70%, Công ty cổ phần Chè Liên Sơn là trên 50%, các doanh nghiệp khác cũng tương tự. Các cơ sở chế biến còn lại chủ yếu làm chè bán thành phẩm bán cho các nhà máy lớn trong và ngoài tỉnh.

Rõ ràng, thuận lợi về thị trường nhưng phẩm cấp chè chế biến như trên cho thấy các doanh nghiệp chè Yên Bái vẫn không có thị trường bền vững. Công ty cổ phần Chè Trần Phú hiện 59% vốn thuộc về Công ty Chè Thế Hệ Mới trong khi Tổng công ty Chè Việt Nam- đơn vị chủ quản chỉ còn 10% vốn sở hữu. Hầu hết chè sản xuất của công ty này do cổ đông chi phối bao tiêu - tức là sản phẩm làm ra vẫn là nguyên liệu đầu vào của một doanh nghiệp khác có thị trường và khả năng chi phối tài chính. Công ty cổ phần Chè Nghĩa Lộ 51% vốn sở hữu hiện thuộc về Công ty Chè Thế Hệ Mới. Công ty cổ phần Chè Văn Hưng mạnh dạn liên kết làm ăn với nước ngoài cũng là để được bao tiêu sản phẩm... Làm chè cấp thấp dễ bán hơn? Không phải như vậy mà là đơn vị bao tiêu chỉ yêu cầu làm hàng cấp thấp để tinh chế, không chấp nhận làm hàng cấp cao, giá mua cao, đương nhiên kém lãi!

Có quá nhiều vấn đề được nêu lên như là những hạn chế, yếu kém của ngành chè Yên Bái. Đó là tìm kiếm thị trường để sản xuất chè tinh tới thẳng tay người tiêu dùng, là hàm lượng khoa học công nghệ kết tinh trong sản phẩm, là chất lượng nguyên liệu và sự bền vững của vùng nguyên liệu, là sự liên kết trong sản xuất kinh doanh...

Niên vụ chè 2009 sẽ kết thúc trong vòng một tháng nữa, vấn đề lớn nhất của ngành chè Yên Bái suy cho cùng vẫn là thị trường tiêu thụ. Loay hoay tìm kiếm thị trường nhưng không kết quả, sự chọn lựa của các doanh nghiệp chè Yên Bái hiện nay là cung cấp sản phẩm làm nguyên liệu đầu vào cho các doanh nghiệp lớn có thị trường và bao tiêu được sản phẩm - một giải pháp tình thế hay bền vững?

Tuấn Anh

Các tin khác

YBĐT - Từ đầu năm đến nay, Sở Công thương Yên Bái đã triển khai 18 gói thầu xây dựng điện lưới nông thôn tại 37 xã trên địa bàn tỉnh.

Bộ Tài chính cho biết dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2007/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu đã cho phép các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế được tham gia nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu.

Bộ TT-TT đang tiến hành lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Thông tư danh mục sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng cấm nhập khẩu và quy định áp dụng, đến ngày 20-11, tại trang web www.mic.gov.vn. Theo dự thảo, ĐTDĐ đã qua sử dụng là một sản phẩm nằm trong danh mục những sản phẩm CNTT đã qua sử dụng sẽ bị cấm nhập khẩu.

Chính sách này sẽ tập trung giảm nhu cầu sử dụng của người dân bằng cách đánh thuế cao đối với mặt hàng bia, rượu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục