Hơn 4.000 dự án vi phạm quy định về quản lý
- Cập nhật: Thứ năm, 24/9/2009 | 12:00:00 AM
Theo báo cáo tổng hợp giám sát, đánh giá đầu tư 6 tháng đầu năm vừa được Bộ KH-ĐT ban hành, cả nước hiện có tới hơn 4.000 dự án vi phạm quy định về quản lý.
Báo cáo cho biết, đến nay, cả nước có 19.800 dự án trên tổng số 32.100 dự án đầu tư bằng vốn nhà nước có báo cáo giám sát, đạt tỷ lệ 61,7%. Dự án nhóm A là 298/742 dự án có báo cáo giám sát, chỉ đạt 40,16%. Đây là điều rất đáng lo ngại bởi những dự án nhóm A là dự án trọng điểm, có quy mô vốn lớn, ảnh hưởng nhiều đến các dự án, công trình khác nhưng còn quá nhiều dự án không có báo cáo giám sát đầu tư được gửi về Bộ.
Bộ KH-ĐT đánh giá, việc thực hiện chế độ báo cáo ở các bộ, ngành, địa phương là không đầy đủ, nhiều cơ quan có tỷ lệ dự án có báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư thấp hơn 50% tổng số các dự án thực hiện đầu tư trong kỳ như Bộ GD-ĐT, Bộ NN-PTNT, Bộ TN-MT; các địa phương Bắc Giang, Đà Nẵng, Hà Nội, Hải Phòng... Cá biệt có một số đơn vị làm báo cáo nhưng không có số liệu cụ thể như Tổng công ty thép VN, Tổng công ty lương thực miền Nam; các tỉnh Ninh Thuận, Quảng Ninh, Thái Bình, Vĩnh Long, Hậu Giang...
"Tình hình trên cho thấy, việc chấp hành chế độ báo cáo của các bộ, ngành địa phương và các chủ đầu tư chưa nghiêm túc, có hiện tượng buông lỏng trong thực hiện công tác giám sát, đánh giá đầu tư. Điều này làm hạn chế việc phân tích đánh giá tình hình đầu tư chung trong cả nước và chưa đáp ứng yêu cầu, mục tiêu giám sát, đánh giá đầu tư”, báo cáo do Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Võ Hồng Phúc ký trình Thủ tướng Chính phủ nêu rõ.
Theo số liệu báo cáo từ 97 cơ quan, đơn vị gửi về Bộ KH-ĐT, số dự án được quyết định đầu tư trong năm 2009 là 8.810 dự án (khoảng 27,4% tổng số các dự án đang thực hiện đầu tư). Trong 6 tháng đầu năm, cả nước có 4.182 dự án vi phạm các quy định về quản lý đầu tư, không phù hợp với quy hoạch, phê duyệt không đúng thẩm quyền, chậm tiến độ, chất lượng xây dựng thấp, lãng phí... chiếm khoảng 13% so với tổng số dự án thực hiện đầu tư trong kỳ. Bộ KH-ĐT đánh giá: “Tiến độ đầu tư chậm so với yêu cầu không chỉ làm hạn chế tốc độ tăng trưởng kinh tế mà còn tăng thêm chi phí, lãi vay trong thời gian xây dựng, đặc biệt là chi phí thuê chuyên gia”.
(Theo TNO)
Các tin khác
Trước diễn biến ngày càng phức tạp của dịch vàng lùn, lùn xoắn lá, chiều 23-9, Bộ NN-PTNT đã chính thức công bố dịch vàng lùn và lùn xoắn lá lần đầu tiên lây ra các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung bộ.
YBĐT - Trồng rừng kinh tế được xác định là mũi nhọn ở Yên Bái nhằm khai thác tiềm năng về đất đai và lao động để tạo ra một nền sản xuất hàng hoá. Đến nay, toàn tỉnh có khoảng trên 100 nghìn ha rừng trồng và mỗi năm trồng mới khoảng trên 10 nghìn ha. Kinh tế đồi rừng đã thu hút được hàng vạn lao động, mỗi năm tạo ra giá trị hàng hoá cả trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, kinh tế đồi rừng, nhất là trồng rừng kinh tế chưa xứng đáng với tiềm năng, thế mạnh, nguyên nhân thì có nhiều, trong đó, cơ cấu giống cây lâm nghiệp là một thí dụ.
Cục Hải quan thành phố Hải Phòng vừa có văn bản xin ý kiến Tổng cục Hải quan về hướng xử lý đối với gần 550 xe ôtô nhập khẩu có vi phạm về thuế.
Bộ Tài chính đang hoàn tất dự thảo về giá tối đa đối với sữa bột, nhằm hạn chế việc người tiêu dùng phải mua mặt hàng này với giá quá cao.