Chính phủ ban hành Nghị định về kinh doanh xăng dầu: 2 lần tăng giá xăng liên tiếp: tối thiểu 10 ngày
- Cập nhật: Thứ bảy, 17/10/2009 | 12:00:00 AM
Chính phủ vừa ban hành Nghị định về kinh doanh xăng dầu, sẽ có hiệu lực từ 15-12-2009.
|
Một trong nội dung đáng chú ý của Nghị định là đối tượng thực hiện dự trữ lưu thông xăng dầu là thương nhân đầu mối, dự trữ Quốc gia về xăng dầu theo quy định riêng của Chính phủ. “Kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực đến năm 2025, thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu phải bảo đảm ổn định mức dự trữ lưu thông xăng dầu tối thiểu bằng 30 ngày cung ứng cả về cơ cấu chủng loại, theo kế hoạch tiêu thụ được xác định hàng năm của thương nhân. Kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực đến năm 2025, thương nhân sản xuất xăng dầu có hệ thống phân phối trên thị trường trong nước phải bảo đảm ổn định mức dự trữ lưu thông xăng dầu tối thiểu bằng 30 ngày cung ứng cả về cơ cấu chủng loại, theo kế hoạch tiêu thụ xăng dầu trong nước đã đăng ký với Bộ Công thương hàng năm”, Nghị định nêu rõ.
Nghị định này cũng nêu, thương nhân đầu mối có nghĩa vụ trích lập Quỹ bình ổn giá để tham gia bình ổn giá. Giá bán xăng dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước. Thương nhân đầu mối được quyền quyết định giá bán sỉ; việc điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu được thực hiện theo quy định. Thời gian giữa 2 lần điều chỉnh giá liên tiếp tối thiểu là 10 ngày đối với trường hợp tăng giá, tối đa là 10 ngày đối với trường hợp giảm giá; khi điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu, thương nhân đầu mối đồng thời phải gửi quyết định giá và phương án giá của mình đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền, khi nhận được quyết định giá và phương án giá của thương nhân đầu mối, có trách nhiệm giám sát để bảo đảm việc điều chỉnh giá của thương nhân đầu mối thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở (giá vốn) giảm trong phạm vi 12% so với giá bán lẻ hiện hành, thương nhân đầu mối phải giảm giá bán lẻ tương ứng. Trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở giảm trên 12% so với giá bán lẻ hiện hành, sau khi cơ quan có thẩm quyền áp dụng các giải pháp điều tiết về tài chính theo quy định của pháp luật (Thuế nhập khẩu, Quỹ Bình ổn giá...), thương nhân đầu mối tiếp tục giảm giá bán lẻ của mình; không hạn chế khoảng thời gian giữa 2 lần giảm và số lần giảm giá.
Trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trong phạm vi 7% so với giá bán lẻ hiện hành, thương nhân đầu mối được quyền tăng giá bán lẻ tương ứng. Trường hợp các yếu tố cấu thành làm cho giá cơ sở tăng vượt 7%-12% so với giá bán lẻ hiện hành, thương nhân đầu mối được quyền tăng giá cộng thêm 60% của mức giá cơ sở tăng trên 7%-12%; 40% còn lại sử dụng Quỹ Bình ổn giá để bù đắp theo hướng dẫn của Bộ Tài chính. Trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trên 12% so với giá bán lẻ hiện hành hoặc việc tăng giá ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, Nhà nước công bố áp dụng các biện pháp bình ổn giá thông qua điều hành thuế, quỹ Bình ổn giá và theo quy định của pháp luật.
(Theo SGGP)
Các tin khác
YBĐT - Hơn 800 hộ trồng bưởi ở xã Đại Minh, huyện Yên Bình (Yên Bái) vẫn tiếp tục trông chờ và hy vọng các nhà khoa học sớm có lời giải về nguyên nhân bưởi mất mùa và cách khắc phục.
Tin từ Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết cơ quan này đang soạn thảo một phương án mới sửa quy định hiện hành, theo đó sẽ đưa các loại sữa ngoại vào diện đăng ký giá.
Giá vàng thế giới tiếp tục hạ sau khi lên mức kỷ lục đã kéo giá kim loại quý trong nước giảm tiếp trên dưới 10.000 đồng/chỉ, xuống còn 2,367 triệu đồng/chỉ, xa hơn so với mức “đỉnh”. Thị trường không còn cảnh người dân đổ xô đi mua vàng.
YBĐT - Xã Quy Mông, huyện Trấn Yên (Yên Bái) có địa hình phức tạp chủ yếu là đồi núi dốc, giao thông đi lại giữa các thôn còn gặp nhiều khó khăn. Toàn xã có diện tích đất tự nhiên là 2022,4 ha, trong đó đất lâm nghiệp hơn 1100 ha, chiếm 63,2% tổng diện tích đất tự nhiên của xã.