Theo dự báo của Hiệp hội Thép Việt Nam, doanh số bán thép xây dựng trong năm nay sẽ tăng khoảng 28% so với năm ngoái. Trước những điểm sáng của nền kinh tế, nhu cầu thép xây dựng bước sang quý 4 chắc chắn tăng do hàng loạt dự án xây dựng được khởi động, đẩy nhanh tiến độ hoặc đuổi theo tiến độ đã bị mất hồi đầu năm.
Đây cũng chính là lý do khiến các nhóm hàng khác như xi măng, gạch, ngói, cát… cũng có xu hướng tăng lượng tiêu thụ. Tuy nhiên, theo dự báo của các nhà chuyên môn, giá cả các loại VLXD cơ bản trong những tháng tới sẽ khó tăng mạnh do nguồn cung không thực sự khan hiếm.
Đối với mặt hàng thép, không chỉ dồi dào nguồn cung cả trong nước và mà nước ngoài cũng vậy. Hơn nữa, nếu các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước không giảm giá bán thì rất có thể, thép nội sẽ lại mất vị thế ngay trên sân nhà.
Ông Trần Ngọc Hùng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho biết: thời điểm mùa khô là thời gian làm ăn của các công ty xây dựng, cộng thêm những khó khăn về suy giảm kinh tế đã qua, có thể giá VLXD sẽ tăng nhẹ…
Gần đây, Hiệp hội Xi măng Việt Nam đã lên tiếng cảnh báo, các nhà sản xuất có thể điều chỉnh tăng giá bán xi măng theo một số loại vật liệu cơ bản khác, khả năng này càng chắc chắn hơn nếu giá than đá, nhiên liệu chính để nung clinker, bán thành phẩm của xi măng, tăng giá.
Cuối tháng 9/2009, Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam đã được phép tăng giá bán than cho các khách hàng trong nước. Trong đó, giá bán cho ngành xi măng tăng tới 25% và còn có thể tăng thêm 10% trong tháng 10 này.
Thế nhưng, cho đến nay, Tổng công ty Xi măng Việt Nam, nhà sản xuất xi măng lớn nhất Việt Nam, vẫn chưa có quyết định nào về vấn đề tăng giá bán. Khả năng điều chỉnh giá theo hướng tăng lên sẽ khó xảy ra, do nguồn cung xi măng ở trong nước hiện đã vượt nhu cầu tiêu thụ đến ba triệu tấn và có thể tăng lên năm triệu tấn vào cuối năm.
Tình trạng thừa công suất sẽ còn nghiêm trọng hơn vào năm tới, khi có thêm các nhà máy mới được đưa vào khai thác. Khi ấy, năng lực sản xuất sẽ vượt nhu cầu đến 10 triệu tấn.
Hơn nữa, đầu ra của ngành này chủ yếu dựa vào thị trường nội địa, nên triển vọng của thị trường xi măng trong các năm tiếp theo ít có khả năng biến động. Không chỉ có xi măng, nhiều ngành vật liệu khác cũng tương tự.
Theo bà Phan Thu Hằng - Giám đốc kỹ thuật Công ty VLXD Saint - Gobain, có lẽ từ giờ đến cuối năm các mặt hàng VLXD khác cũng không thể tăng giá thêm được. Vì mới qua khủng hoảng, các công ty cũng muốn giữ chân khách hàng.
Thống kê từ Bộ Xây dựng cho biết, 9 tháng đầu năm 2009 ngành VLXD Việt Nam chỉ xuất khẩu được 104,7 triệu USD, bằng hơn một nửa kế hoạch của năm, trong đó kim ngạch xuất khẩu gạch ốp lát giảm tới 30%.
Gạch nung có thể sẽ thiếu hụt trong tương lai gần.
Không như thép, xi măng và gốm sứ, một số VLXD cơ bản khác như gạch nung, cát và đá xây dựng có thể sẽ bị thiếu hụt trong tương lai gần. Hội Xây dựng Việt Nam cho biết mức tiêu thụ gạch xây của Việt Nam năm nay vào khoảng 24 tỉ viên. Gạch xây nói chung không thiếu, nhưng vấn đề là thị trường Việt Nam chỉ ưa chuộng gạch nung và không thích gạch không nung.
Theo ông Trần Ngọc Hùng, hiện nay, sản lượng gạch nung hàng năm hơn 22 tỉ viên, nhưng có khả năng sẽ giảm vào năm tới khi quyết định đóng cửa các lò gạch thủ công của Chính phủ để bảo vệ môi trường có hiệu lực. Nếu thói quen sử dụng gạch nung không thay đổi, thì khả năng cung không đủ cầu sẽ sớm xảy ra.
Như vậy, thời điểm cuối năm 2009 được dự báo sẽ khó có khả năng tăng mạnh giá các loại VLXD. Lý do của việc tăng giá, theo giải thích của doanh nghiệp là do các chi phí vận tải tăng do giá xăng dầu tăng. Nhiều nơi ở miền Bắc, do mực nước các sông xuống lên phải vận chuyển bằng đường bộ. Ngoài ra, các chi phí điện, than tăng cũng đã buộc doanh nghiệp phải tăng giá bán.
Tuy nhiên, điều quan trọng là trong bối cảnh nền kinh tế đang có dấu hiệu tích cực, cộng thêm chính sách bình ổn giá, kể cả những mặt hàng VLXD thiết yếu, của Nhà nước, các doanh nghiệp xây dựng sẽ ít phải bận tâm hơn đến nguồn nguyên liệu đầu vào của mình.
(Theo Dân Trí)