Xử lý dịch lở mồm long móng ở Văn Chấn: Giải quyết đồng bộ nhiều biện pháp

  • Cập nhật: Thứ năm, 22/10/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Dịch lở mồm long móng (LMLM) lại bùng phát tại huyện Văn Chấn (Yên Bái). Tính đến ngày 10/10/2009, ở 28 thôn, bản của 9 xã: Sơn Thịnh, Suối Bu, Suối Quyền, Tú Lệ, Bình Thuận, Chấn Thịnh, Minh An, Nghĩa Tâm, Hạnh Sơn có 203 con gia súc mắc bệnh. Như vậy, trong vòng ba, bốn năm trở lại đây, trên địa bàn huyện Văn Chấn liên tục xảy ra dịch LMLM ở đàn gia súc. Dịch bệnh lây lan đã gây thiệt hại lớn về kinh tế, kìm hãm tốc độ phát triển và người chăn nuôi hoang mang, lo lắng.

Đến nay, người chăn nuôi ở Văn Chấn vẫn chưa quên đợt dịch LMLM xảy ra vào đầu tháng 11/2008 làm 126 con trâu, bò và 8 con lợn mắc dịch. Nhiều hộ chăn nuôi vẫn chưa kịp khắc phục hậu quả của đợt dịch năm trước thì vào đầu tháng 10 này, dịch lại bùng phát trên phạm vi của 9 xã với 203 con gia súc mắc bệnh, trong đó có 160 con trâu, 26 con bò, 17 con lợn. Điều đáng nói là cũng giống như những năm trước, mỗi khi dịch bùng phát, số trâu, bò mắc dịch đều liên quan đến số trâu, bò do nhập tăng đàn cơ học theo dự án chăn nuôi. Và đợt dịch này cũng vậy, trong tổng số 203 con mắc bệnh có 118 con trâu, bò thuộc dự án trâu, bò tăng đàn cơ học.

Những năm trước, người chăn nuôi ở Văn Chấn cho rằng, chính số trâu, bò của dự án nhập về đã mắc dịch LMLM rồi mới làm lây lan và đề nghị dự án, đơn vị cung ứng phải có trách nhiệm với số trâu, bò của dân bị mắc bệnh. Tuy nhiên, không có cơ quan chức năng nào của tỉnh, huyện, ban quản lý dự án và đơn vị cung ứng tiếp thu. Đến đợt dịch năm nay, làm rõ nguồn gốc lây bệnh để có biện pháp phòng chống, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã thành lập đoàn kiểm tra tại huyện Văn Chấn. Bước đầu, xác định, nguồn gốc lây bệnh là từ việc nhập trâu, bò của các công ty kinh doanh giống gia súc đưa vào địa bàn huyện.

Nguồn gốc lây bệnh đã được xác định, ngành nông nghiệp chỉ đạo Chi cục Thú y, huyện Văn Chấn, Lục Yên áp dụng các biện pháp phòng chống dịch LMLM theo quy định nhưng đến nay đã hơn ba tháng, các ổ dịch vẫn chưa được dập tắt hoàn toàn. Cho biết về các ổ dịch LMLM trên địa bàn huyện, ông Dương Văn Thống - Bí thư Huyện ủy Văn Chấn nói: “Từ khi có dịch đến nay, các hộ chăn nuôi tự chữa trị theo các biện pháp dân gian là chính và cho đến ngày 10/10/2009 vẫn chưa có thuốc, chưa có vắc-xin phòng chống dịch”.

Qua đó cho thấy, công tác phòng chống dịch bệnh rất yếu và với cách làm như vậy thì số trâu, bò, lợn mắc bệnh vẫn là ít. Đã đến lúc, ngành nông nghiệp, huyện Văn Chấn phải có giải pháp cụ thể, mạnh mẽ hơn mới có thể dập các ổ dịch LMLM, cũng như không để phát sinh dịch bệnh trên đàn gia súc hiện tại và lâu dài.

Trước mắt, phải tập trung mọi lực lượng nhanh chóng bao vây dập ổ dịch LMLM, đồng thời tổ chức tiêu hủy hoặc giết mổ một cách triệt để đối với số trâu, bò, lợn mắc bệnh và gia súc mẫn cảm nghi mắc bệnh trong vùng có dịch. Đó sẽ là thiệt hại rất lớn đối với người chăn nuôi nên tỉnh cũng cần có những hỗ trợ thiệt hại phù hợp giúp người chăn nuôi. Song song là tiến hành phun thuốc tiêu độc, khử trùng khu vực dịch, khu vực chăn nuôi và các khu vực có nguy cơ cao ít nhất 2 lần/tuần; nghiêm cấm vận chuyển gia súc từ vùng có dịch ra ngoài, từ ngoài vào vùng dịch; tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện "5 không": không giấu dịch; không mua gia súc mắc bệnh, sản phẩm gia súc mắc bệnh; không bán chạy gia súc mắc bệnh; không thả rông; không tự vận chuyển ra vùng dịch; không vứt xác gia súc nghi mắc bệnh LMLM bừa bãi.

Mặt khác, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc buôn bán, vận chuyển gia súc để có biện pháp xử lý kịp thời khi phát hiện sai phạm; tổ chức tiêm phòng vắc-xin LMLM cho toàn bộ gia súc, gia cầm trên địa bàn những vùng thường xuyên mắc dịch tổ chức tiêm trước. Một điều khiến nhiều nhà quản lý cũng như chuyên môn lo ngại là toàn bộ số trâu, bò đã mắc bệnh và được các hộ chăn nuôi tự “chữa khỏi bệnh” của năm 2007, 2008 liệu có khỏi thật hay vẫn đang trong thời kỳ ủ bệnh rồi đến một thời điểm nhất định lại bùng phát thì hậu quả rất khó lường. Bởi cho đến nay, các nhà khoa học, các nhà chuyên môn vẫn chưa xác nhận việc chữa khỏi bệnh LMLM ở gia súc. Và một vấn đề mấu chốt nữa là các huyện, thị, nhất là huyện Văn Chấn phải tiến hành rà soát, yêu cầu các dự án liên quan đến việc cung cấp con giống gia súc, gia cầm tuân thủ đầy đủ các quy định kiểm dịch động vật.

Giải quyết tốt những vấn đề đó, Văn Chấn mới có hy vọng dập tắt dịch bệnh LMLM trên đàn gia súc và chăn nuôi mới có thể phát triển, trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn.

Hiền Lương

Các tin khác

Thép không lo thiếu nguồn cung.

Mặc dù nhu cầu tiêu thụ vật liệu xây dựng (VLXD) cuối năm sẽ tăng nhưng theo dự báo của các nhà chuyên môn, với nguồn cung hiện tại khá dồi dào thì giá cả các loại VLXD cơ bản trong những tháng tới sẽ khó tăng mạnh.

Nhà và đất chính thức quy về... một

Trong vài ngày tới, Bộ TN&MT sẽ ban hành Thông tư hướng dẫn các địa phương cấp GCN theo mẫu mới. Theo quy định mới, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất sẽ cấp GCN mới, thời gian cấp GCN cũng sẽ rút gọn hơn trước đây.

Đầu tư chăn nuôi lợn nái đang là hướng đi mới của nhiều hộ nông dân xã Bạch Hà (Yên Bình).
(Ảnh: Quỳnh Nga)

YBĐT - Hội Phụ nữ xã Mậu Đông, huyện Văn Yên (Yên Bái) hiện có 860 hội viên, tham gia sinh hoạt ở 14 chi hội. Những năm qua, Hội đã nỗ lực tập trung chỉ đạo hội viên thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước và 6 nhiệm vụ trọng tâm công tác hội, trong đó Hội đặc biệt tập trung đẩy mạnh phong trào phụ nữ giúp đỡ nhau phát triển kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo có địa chỉ.

Đồng tiền của các quốc gia xuất khẩu xe có giá hơn so với đồng USD; Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan ấn định tăng mức giá tính thuế đối với một số dòng xe nhập khẩu, xe trong nước khan hiếm... Tất cả những lý do trên khiến giá xe bắt đầu tăng mạnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục