Quản lý sản xuất, kinh doanh hàng đóng gói sẵn theo định lượng - vẫn còn nhiều việc phải làm!
- Cập nhật: Thứ tư, 24/2/2010 | 3:06:09 PM
YBĐT - Qua báo cáo tổng kết, tính đến hết 20/11/2009, có 62/63 tỉnh, thành phố đã có báo cáo. Qua tổng hợp số liệu cho thấy trên toàn quốc, tổng số cơ sở được thanh tra về hàng đóng gói sẵn là 3131 cơ sở, đạt trung bình 51 cơ sở mỗi địa phương.
Cán bộ Chi cục Quản lý thị trường hướng dẫn người tiêu dùng cách phân biệt hàng thật, hàng giả tại Hội chợ Thương mại - Đầu tư xuân 2010.
|
Ở Việt Nam trong những năm gần đây, sản xuất hàng hoá nói chung, hàng hoá đóng gói sẵn nói riêng đang ngày càng phát triển cả về mẫu mã và chất lượng, phù hợp với xu thế hội nhập kinh tế thế giới. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển đã nảy sinh không ít bất cập.
Cụ thể là các hành vi vi phạm pháp luật về đo lường, chất lượng, nhãn hàng hoá, mã số mã vạch, sở hữu công nghiệp của một số tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh hàng đóng gói sẵn ngày càng phức tạp và có một số vụ vi phạm pháp luật ở mức độ nghiêm trọng.
Các vi phạm phổ biến là hàng đóng gói sẵn có định lượng thực tế không đủ so với lượng ghi trên bao bì, không ghi nhãn hay nhãn hàng hoá được ghi không đúng qui định, không công bố tiêu chuẩn áp dụng; chất lượng, sản phẩm, hàng hoá không đạt mức chất lượng tiêu chuẩn công bố; sản phẩm giả mạo nhãn hiệu, sử dụng mã số mã vạch nhưng chưa có chứng nhận quyền sử dụng mã số mã vạch do cơ quan có thẩm quyền cấp; tự ý sử dụng mã số mã vạch của người khác…
Những vi phạm này đã ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người tiêu dùng, tác động bất lợi đến sự phát triển sản xuất kinh doanh.
Trước tình hình đó, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị chỉ đạo các sở KH&CN tiến hành đợt thanh tra chuyên đề về hàng đóng gói sẵn theo định lượng phải quản lý nhà nước về đo lường và thời gian triển khai thanh tra tập trung trong quí III năm 2009 trên phạm vi toàn quốc.
Mục tiêu của đợt thanh tra là tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong việc thực hiện pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, sở hữu trí tuệ và nhãn hàng hoá, mã số mã vạch, sở hữu công nghiệp đối với hàng đóng gói sẵn, qua đó bảo vệ quyền và lợi ích của người tiêu dùng, tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước về các lĩnh vực nêu trên.
Qua thanh tra, phát hiện, phòng ngừa và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về đo lường, chất lượng, ghi nhãn hàng hoá…
Từ đó, khẳng định vai trò kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước và tăng cường sự phối hợp giữa các Bộ, ngành chức năng về công tác quản lý nhà nước và thống nhất về nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành về chất lượng, sở hữu công nghiệp, nhãn hàng hoá, mã số mã vạch, đo lường đối với hàng đóng gói sẵn trong hệ thống thanh tra KH&CN.
Bộ KH&CN cũng vừa tổ chức Hội nghị tổng kết thanh tra chuyên đề về hàng đóng gói sẵn theo định lượng năm 2009 với sự tham gia của đại diện thanh tra Chính phủ, Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng, Ban KH&CN địa phương và sở KH&CN 26 tỉnh, thành.
Hội nghị đánh giá cao vai trò quan trọng của hoạt động thanh tra trong giai đoạn đất nước hội nhập. Việc Quốc hội thông qua Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm đã góp phần quan trọng trong việc thực thi quyền của cơ quan quản lý nhà nước đối với việc đảm bảo chất lượng hàng hoá cũng như những quy định khác.
Biểu dương nhiều sở KH&CN các tỉnh, thành phố đã nỗ lực cố gắng khắc phục khó khăn, sáng tạo trong thực thi nhiệm vụ để công tác thanh tra, kiểm tra hàng đóng gói sẵn đạt được kết quả đáng khích lệ.
Qua báo cáo tổng kết, tính đến hết 20/11/2009, có 62/63 tỉnh, thành phố đã có báo cáo. Qua tổng hợp số liệu cho thấy trên toàn quốc, tổng số cơ sở được thanh tra về hàng đóng gói sẵn là 3131 cơ sở, đạt trung bình 51 cơ sở mỗi địa phương.
Qua kiểm tra đã phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 778 cơ sở, tỷ lệ vi phạm là 24,8% trên tổng số cơ sở được thanh tra. Cụ thể, trong tổng số 778 cơ sở vi phạm được phát hiện, số hành vi vi phạm tổng hợp được là 1031 hành vi.
Tỷ lệ vi phạm tính theo nhóm sản phẩm và tính theo nhóm hành vi có kết quả như sau: tỷ lệ vi phạm tính theo nhóm sản phẩm (trong 18 mặt hàng theo Quyết định số 07/2008/QĐ-BKHCN) gồm: Nhóm 1 là nhóm sản phẩm vật tư nông nghiệp bao gồm: nông sản, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, thuỷ sản… phát hiện và xử lý 349 hành vi vi phạm, chiếm tỷ lệ 34,5%; nhóm 2 là nhóm thực phẩm, đồ uống, bao gồm bánh, kẹo, bia rượu… phát hiện và xử lý 322 hành vi vi phạm chiếm 31,8%. Nhóm 3 là nhóm sản phẩm gia dụng công nghiệp bao gồm: xà phòng, chất tẩy rửa, thép xây dựng… phát hiện và xử lý 342 hành vi vi phạm chiếm 33,8%.
Tỷ lệ vi phạm theo nhóm hành vi: về đo lường là 390 hành vi, chiếm tỷ lệ 38,5%; về chất lượng là 139 hành vi, chiếm tỷ lệ 13,7%; về nhãn hàng hóa là 431 hành vi, chiếm tỷ lệ 42,5%; về mã số mã vạch là 16 hành vi, chiếm 1,6%; về sở hữu công nghiệp là 37 hành vi, chiếm 3,7%.
Qua những con số thống kê trên cho thấy, trong 18 mặt hàng phải quản lý nhà nước về đo lường theo Quyết định 07 thì các vi phạm xuất hiện khá đều nhau trên cả 18 mặt hàng (cả 3 nhóm hàng). Tuy nhiên, các vi phạm theo nhóm mặt hàng chiếm tỷ lệ lớn nhất là vi phạm về nhãn hàng hoá và vi phạm về đo lường. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính nộp vào kho bạc Nhà nước qua đợt thanh tra chuyên đề này trên toàn quốc là trên 1.776.000.000 đồng.
Có thể khẳng định rằng, đợt thanh tra chuyên đề về hàng đóng gói sẵn theo định lượng vừa qua đã đạt được mục tiêu đề ra là ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về đo lường, chất lượng hàng hoá, mã số mã vạch, sở hữu công nghiệp trong sản xuất kinh doanh hàng đóng gói sẵn.
Thông qua việc thanh tra đã phát hiện và xử lý nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm pháp luật. Qua đó, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, răn đe, phòng ngừa các hành vi có ý định gian lận trong hoạt động sản xuất kinh doanh hàng đóng gói sẵn trên cả nước.
Đồng thời, đợt thanh tra chuyên đề cũng đã góp phần đảm bảo sự công bằng xã hội, bảo vệ lợi ích chính đáng của người tiêu dùng và môi trường cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động kinh doanh hàng đóng gói sẵn, đáp ứng được đòi hỏi của người tiêu dùng và được nhân dân cả nước đánh giá cao và đồng tình ủng hộ. Đợt thanh tra cũng nhận được sự quan tâm của các cơ quan thông tin đại chúng từ trung ương đến địa phương.
Cũng qua đợt thanh tra này đã phát hiện những tồn tại trong quản lý cần được nghiên cứu, bổ sung các quy định để quản lý ngày càng tốt hơn. Đồng thời, cơ quan quản lý nhà nước các cấp cũng đã thấy rõ những điểm mạnh, điểm yếu trong quản lý của mình và nghiêm túc rút ra những bài học kinh nghiệm nhằm phát huy những ưu điểm và khắc phục những tồn tại, thiếu sót để quản lý ngày càng tốt hơn, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Anh Thúy
Các tin khác
Công ty ô tô Toyota Việt Nam khẳng định: Tất cả các mẫu xe do Toyota Việt Nam lắp ráp tại Việt Nam gồm: Camry, Altis, Vios, Hiace, Fortuner và Innova đều không thuộc diện bị thu hồi.
Ngày 23-2, Bộ Xây dựng đã công bố quyết định thành lập đoàn thanh tra công tác quản lý đầu tư xây dựng của Ban quản lý dự án 1 (PMU1 - Bộ Giao thông vận tải) và hai dự án cải tạo quốc lộ 12 và mở rộng quốc lộ 1 đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ.
YBĐT - Năm 2010, HTX Dịch vụ nông nghiệp Phù Nham, huyện Văn Chấn sẽ tiếp tục triển khai mô hình để giúp các hộ nghèo có việc làm, đồng thời rút kinh nghiệm trong chăn nuôi để áp dụng tại gia đình hộ nông dân.
YBĐT - Ngay từ chiều mùng 2 tết, các chợ ở thành phố Yên Bái đã họp với các mặt hàng chủ yếu là thực phẩm, rau, củ, quả. Ngoài chuyện những người buôn bán ngang nhiên chường mặt dưới lòng đường chào mời người qua lại là chuyện người mua ngã ngửa vì giá.