Tuyên truyền chính sách, pháp luật thuế vào trường học: Thành công cả nhận thức và hành động

  • Cập nhật: Thứ hai, 19/7/2010 | 9:16:14 AM

YBĐT - Phổ biến giáo dục pháp luật thuế trong học đường là một vấn đề mới, chưa có ở Việt Nam. Tuy nhiên, nhờ có sự thống nhất trong chỉ đạo của tỉnh Yên Bái, đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành thuế với Ban Tuyên giáo, Sở Giáo dục & Đào tạo, Tỉnh Đoàn thanh niên, cùng sự nhiệt tình của các thầy cô giáo trong các nhà trường, chương trình giảng dạy chính sách, pháp luật thuế đã được truyền tải tới tất cả các học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh.

Những cá nhân được UBND tỉnh tặng bằng khen vì những cố gắng đưa chính sách, pháp luật thuế vào trường học.
Những cá nhân được UBND tỉnh tặng bằng khen vì những cố gắng đưa chính sách, pháp luật thuế vào trường học.

Thực hiện Quyết định số 690 QĐ - UBND ngày 5/5/2008 của UBND tỉnh Yên Bái về việc phê duyệt Đề án Tuyên truyền chính sách, pháp luật thuế trong hệ thống trường học trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2008 – 2010, Ban chỉ đạo Đề án đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai từng giai đoạn, thành lập tổ biên soạn tài liệu, tổ thư ký. Đặc biệt, đã lựa chọn nội dung, chương trình, tài liệu giáo dục chính sách, pháp luật thuế trong trường học không làm quá tải chương trình giáo dục của Bộ Giáo dục & Đào tạo đã ban hành; tích hợp, lồng ghép nội dung giáo dục chính sách pháp luật thuế vào một số môn học phù hợp, chú trọng là việc nghiên cứu về nội dung chương trình để lồng ghép, tích hợp các nội dung giáo dục chính sách pháp luật thuế cho phù hợp với trình độ nhận thức của học sinh, sinh viên và phù hợp với chương trình giáo dục chung.

Đề án được chỉ đạo tổ chức thực hiện thí điểm giai đoạn I khoá học 2008 - 2009 cho 47/568 trường với trên 12.000 học sinh, sinh viên thuộc các bậc học và đã tiến hành giảng dạy 1.360 tiết giảng chính khoá đạt (100% kế hoạch đề ra). Giai đoạn II triển khai tới 454/573 trường (trừ các trường thuộc xã vùng 135) thuộc các bậc học trên địa bàn. Đến hết 30/5/2010 các trường học đã thực hiện 18.826 tiết giảng bao gồm cả tiết giảng chính khoá và tiết giảng lồng ghép, tích hợp. Đối với bậc học mầm non, đã thực hiện 5.956 tiết giảng ở 132/173 trường học cho 8.351 học sinh. Các tiết giảng được lồng ghép, tích hợp vào 8 chủ đề như: chủ đề gia đình, nghề nghiệp, thế giới động vật, các hiện tượng tự nhiên và chủ đề Bác Hồ, quê hương - đất nước... Đối với bậc tiểu học, đã thực hiện 2.999 tiết giảng ở 154/196 trường học cho 42.856 học sinh, các tiết giảng cũng lồng ghép, tích hợp với các môn Tiếng việt và môn Đạo đức.

Ở bậc THCS, đã thực hiện 7.371 tiết giảng ở 136/155 trường học cho 33.169 học sinh, các tiết giảng được lồng ghép, tích hợp với môn Giáo dục công dân. Đối với bậc THPT đã thực hiện 2.500 tiết giảng ở 25/25 trường học cho 20.958 học sinh, các tiết giảng được lồng ghép, tích hợp vào môn Giáo dục công dân. Đối với các lớp trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, cao đẳng, đã giảng 600 tiết ở 7/7 trường học cho 3.432 sinh viên, trong đó giảng dạy chính khoá vào môn Pháp luật và môn Quản lý nhà nước, môn Quản lý ngành. Ngoài ra, nhiều nhà trường còn chủ động đầu tư nghiên cứu xây dựng kịch bản, thời gian công sức để tổ chức các chương trình sinh hoạt ngoại khoá cho học sinh, sinh viên.

Chia sẻ về những kết quả đã đạt được, ông Nguyễn Văn Chung - Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết: Đề án đã đạt được kết quả bước đầu hết sức quan trọng cả về lý luận và thực tiễn. Đồng thời, khẳng định việc đưa giáo dục chính sách, pháp luật thuế vào trong hệ thống trường học là phù hợp với yêu cầu đổi mới đất nước, chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về cải cách thủ tục hành chính thuế, phù hợp với sự phát triển

của cơ chế thị trường, với người nộp thuế, với các học sinh, sinh viên trong việc nhận thức về các chính sách kinh tế nói chung và chính sách thuế nói riêng. Điều đó, không chỉ mang lại hiệu quả nhận thức cho trên 150.000 học sinh, sinh viên mà còn mang lại sự hiểu biết cho trên 13.000 giáo viên đây là đội ngũ tuyên truyền viên có trình độ và uy tín trong xã hội, qua đó mang lại nhận thức về thuế cho các bậc cha, mẹ phụ huynh học sinh và được nhân lên gấp nhiều lần với cộng đồng xã hội.

Với chủ trương đưa pháp luật thuế vào học đường, có thể nói chưa bao giờ câu chuyện về thuế ở Yên Bái lại sôi động như bây giờ. Hầu hết các em học sinh và các thầy cô giáo đều tỏ ra hào hứng với môn học này. Em Trần Văn Thắng – học sinh lớp 12 C2 Trường THPT Nguyễn Huệ (TP Yên Bái) cho biết: “Em rất thích môn học này! Trước kia thấy bố, mẹ nộp thuế nhà đất, em cứ thắc mắc tại sao phải nộp thuế? Mảnh đất này do bao năm chắt chiu dành dụm nhà mình mới mua được…Nhưng nay thì khác, thông qua tiết học này em đã hiểu thế nào về một khoản thu bắt buộc.

Ngoài việc nộp thuế thì mình cũng yêu cầu, đòi hỏi quyền lợi từ việc nộp thuế…Cứ mỗi lần sau tiết học như vậy, em lại về nói chuyện, tranh luận với bố mẹ về thuế”. Còn em Nguyễn Thị Thuỷ – học sinh lớp 11 T3 Trường THPT Nguyễn Huệ lại cho rằng: “Đây là một môn học không khó, nhưng lại rất bổ ích. Nhờ đó mà chúng em hiểu được thế nào là quyền và nghĩa vụ của người nộp thuế, hiểu được những loại thuế cơ bản như: thuế nhà đất, thuế giá trị gia tăng, thuế tài nguyên…; hiểu đựơc tại sao chúng em lại được cung cấp điện, được học dưới mái trường khang trang này”.

Tại sao các em học sinh lại hào hứng với môn học này như vậy? Cô Trần Thuỳ Minh - giáo viên môn Giáo dục công dân, Trường THPT Nguyễn Huệ cho rằng: Điều quan trọng là phải biết kích thích tư duy của học sinh thông qua các buổi thảo luận nhóm. Trong giảng dạy không dùng các từ cứng nhắc như luật mà thường đưa ra các tình huống, nhiều hình thức truyền tải khác nhau, chia lớp thành các nhóm nhỏ, giao nội dung cho các em tìm hiểu và trình bày kết quả trên giấy khổ lớn, sau đó cùng nhau nhận xét, góp ý bổ sung. Chính các em sẽ nêu ra vấn đề và cùng nhau giải quyết, phương pháp này còn giúp rèn luyện kỹ năng tự tin khi thuyết trình trước đám đông, biết lắng nghe, biết phê phán ý kiến của những thành viên khác.

Để tạo hứng thú cho các em tham gia vào bài học, có thể tổ chức các trò chơi tìm hiểu kiến thức, đặt ra các tình huống gắn liền với thực tế khi giảng dạy về cách tính thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng nhằm giúp các em hiểu bài nhanh hơn, tự tính được mức thuế phải nộp của cha, mẹ và người thân…Với những nội dung kiến thức đơn giản như tìm hiểu về các chính sách thuế hiện hành ở Việt Nam, thì chia lớp thành các nhóm nhỏ, giao nội dung để các em chuẩn bị ở nhà, sau đó lên thuyết trình  và yêu cầu các nhóm khác đưa ra câu hỏi dưới dạng chất vấn. Kết quả đạt được thật bất ngờ vì các em chuẩn bị bài rất công phu, soạn bài và thuyết trình trên máy chiếu, hệ thống câu hỏi các em đưa ra gần gũi với thực tế cuộc sống và phù hợp với nhận thức của lứa tuổi.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin cũng góp phần làm nên thành công của những giờ dạy về thuế, hình ảnh nhà trường, bệnh viện, khu vui chơi, đường giao thông…, các video clip thể hiện hoạt động các mặt của địa phương, hoạt động nghiệp vụ của cán bộ ngành thuế. Với mong muốn tạo ra không khí học mà chơi, chơi mà học trong mỗi tiết dạy, giáo viên lựa chọn và sử dụng một số bài hát có nội dung ca ngợi ngành thuế, ca ngợi quê hương đất nước để dẫn dắt vào bài hoặc kết thúc bài học.

Trong các giờ ngoại khoá, nhiều trường còn dành thời gian xây dựng kịch bản để tổ chức sân khấu hoá chương trình học chính sách, pháp luật thuế như: Trường tiểu học Nguyễn Phúc (T.P Yên Bái) đã xây dựng chương trình “Cuộc thi em tìm hiểu pháp luật thuế”, trong đó có nhiều tiểu phẩm hay về thuế, sử dụng trang phục thuế để diễn tả công tác thuế; Trường THCS Lê Hồng Phong (T.P Yên Bái) tổ chức cuộc thi “Rung chuông vàng" về thuế và đặt ra nhiều câu hỏi, câu trả lời về thuế có ý nghĩa tuyên truyền cao…

Với những gì mà Yên Bái đã đạt được trong Đề án này, có thể khẳng định, việc tuyên truyền chính sách, pháp luật thuế trong trường học là một chương trình rất bổ ích và thiết thực, bởi học sinh, sinh viên không chỉ đơn thuần là một lực lượng chiếm tỷ lệ dân số rất cao mà hơn nữa họ còn là chủ nhân tương lai của đất nước. Sau khi ra trường họ sẽ trở thành những cán bộ, công nhân, viên chức, chủ doanh nghiệp và khi đó họ sẽ tự nguyện, tự giác thực hiện tốt nghĩa vụ với Nhà nước. 

 Quang Thiều

Các tin khác

Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử (TMĐT) giai đoạn 2011-2015 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1073/2010/QĐ-TTg.

Đây là một trong những nội dung được quy định tại Dự thảo Thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định số 50/2010/NĐ-CP của Chính phủ, quy định chi tiết thi hành Luật Thuế tài nguyên do Bộ Tài chính soạn thảo.

Ngày 18.7, Tập đoàn dầu khí VN (PetroVietnam) đã khởi công dự án xây dựng cơ sở hạ tầng Trung tâm Điện lực Sông Hậu trên diện tích hơn 360 ha tại xã Phú Hữu A (H.Châu Thành, tỉnh Hậu Giang), với tổng kinh phí đầu tư trên 3.983 tỉ đồng.

Một số doanh nghiệp xuất khẩu đã chuyển sang vay VND với lãi suất 12%/năm

Dù nhiều ngân hàng đang chạy đua chào mời doanh nghiệp xuất khẩu vay vốn VND với lãi suất chỉ 12-12,5%/năm, nhưng doanh nghiệp cho biết cũng khó vay.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục