An Lạc: Hàng trăm hộ dân khắc khoải chờ điện
- Cập nhật: Thứ tư, 11/8/2010 | 2:57:00 PM
YBĐT - Đã 6 năm nay, nhiều hộ dân ở xã An Lạc, huyện Lục Yên (Yên Bái) phải sống trong cảnh không có điện sinh hoạt bên cạnh các trạm biến áp đang dần bị xuống cấp.
Câu hỏi “Bao giờ có điện?” của người dân xã An Lạc vẫn đang bỏ ngỏ như trạm biến áp này.
|
Năm 2000, được sự quan tâm của Nhà nước đầu tư xây dựng và đưa đường điện lưới quốc gia về xã An Lạc huyện Lục Yên, đến tháng 8 năm 2004, các trạm biến áp được khánh thành khiến người dân An Lạc rất phấn khởi vì cảnh đèn dầu leo lét sẽ chỉ còn là quá khứ. Thế nhưng, niềm vui chỉ dừng lại ở đó vì đến nay hơn 200 hộ dân ở trong xã vẫn chưa có điện. Ông Phùng Đức Thành, Chủ tịch UBMTTQ xã cho biết: “Qua các cuộc tiếp xúc cử tri nhân dân đã kiến nghị lên HĐND xã, huyện, tỉnh rất nhiều lần nhưng vẫn chưa thấy cấp nào giải quyết. Người dân mong ngóng muốn có điện để sinh hoạt, các cháu học sinh sẽ không phải học trong cảnh đèn dầu”.
Theo những người dân ở trong xã cho biết thì 2 trạm hạ thế ở thôn 1,2 và thôn 7,8 đã đóng điện từ hơn 6 năm nay, nhưng cho đến giờ vẫn treo vì chưa có đường điện hạ thế. Ngóng chờ nguồn điện từ hai trạm biến áp mãi không được, một số gia đình khá giả đã tự kéo điện từ nơi khác về để thắp sáng và sinh hoạt, còn đối với những gia đình điều kiện khó khăn vẫn phải dùng đèn dầu thắp sáng. Mặc dù đã kéo điện về nhưng do dây không đảm bảo điện ở cuối nguồn dẫn tới chất lượng điện rất kém, lúc có, lúc không. Thậm chí vào giờ cao điểm điện không thể sáng lên được.
Anh Phùng Kim Tài ở thôn 7 bức xúc cho biết: Trạm biến áp thôn 7 xã An Lạc chỉ cách nhà chúng tôi khoảng 800 mét nhưng người dân vẫn không có điện để dùng. Chờ mãi nguồn điện Nhà nước không được, năm 2008, mỗi gia đình đóng góp 2,5 triệu đồng để mua dây và kéo điện từ bên kia đường nhựa sang với chiều dài 1.500m về dùng. Vẫn biết đường dây, cột không đảm bảo an toàn đấy, nhưng muốn có điện thắp sáng sinh hoạt nên vẫn phải liều. Cho dù điện kéo về rất yếu và giá cao bình quân là 1.200 đồng/số nhưng biết làm thế nào?”.
Còn gia đình ông Triệu Văn Quan ở thôn 8 đã phải bỏ tiền ra kéo điện từ xã bên về. Chỉ tính nguyên chi phí đường dây đã mất tới 10 triệu đồng nhưng điện cũng rất yếu. Không riêng gì những hộ dân ở đây mà hiện nay xã An Lạc còn khoảng 200 hộ dân sống cách quốc lộ chưa đầy 4km đều phải chung cảnh ngộ . Nhiều người dân ở thôn 6 đã tự mua máy phát điện mi- ni chạy bằng sức nước nhưng cũng chỉ đủ dùng cho thắp sáng lúc chập tối chứ không thể phục vụ được cho sản xuất.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phùng Văn Hợi, Phó chủ tịch UBND xã An Lạc cho biết: “Mặc dù trạm hạ thế đã được xây dựng và điện cũng đã đóng nhưng không có đường dây 0,4 KV dân biết dùng thế nào”. Được biết xã không có nguồn vốn nào để đầu tư xây dựng đường dây 0,4 KV để kéo điện từ các trạm biến áp về cho dân. Nhân dân cũng đã kiến nghị nhiều lần với các cơ quan chức năng đầu tư xây dựng đường dây này hoặc bố trí nguồn vốn nào đó cùng với huy động sức dân đóng góp để xây dựng nhưng chưa thấy phản hồi. Phải chăng vì thế 6 năm qua hai trạm biến áp này cứ nằm phơi nắng, phơi mưa như vậy, trong khi người dân không có điện để dùng? Nhiều người dân trong xã bức xúc đã tâm sự: Nếu không có vốn đầu tư kéo đường dây 0,4 thì đầu tư xây trạm biến áp để làm gì để lãng phí tiền của của Nhà nước và gây bức xúc trong nhân dân?
Thiết nghĩ, việc đầu tư xây dựng lưới điện nông thôn là chủ trương đúng, song nếu đầu tư không đồng bộ sẽ khiến cho nhiều người dân không có điện sinh hoạt bên cạnh những trạm biến áp đang hàng ngày bị xuống cấp. Người dân xã An Lạc vẫn đang từng ngày ngóng chờ câu trả lời thỏa đáng của các cấp có thẩm quyền điện để mở rộng sản xuất, nâng cao dân trí và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Văn Thông
Các tin khác
YBĐT - Thực hiện chủ trương khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tại vùng nông thôn, năm 2009, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn công nghiệp thuộc Sở Công thương và UBND huyện Yên Bình đã giúp đỡ 5 cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn xây dựng và đề nghị UBND tỉnh Yên Bái hỗ trợ 5 đề án với kinh phí 155 triệu đồng từ nguồn khuyến công địa phương. Các đề án được hỗ trợ, hoạt động trên lĩnh vực chế biến gỗ rừng trồng, chế biến chè, khai thác cát sỏi.
Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) vừa có văn bản gửi Ban Bí thư Trung ương Đảng và Thủ tướng Chính phủ kiến nghị xóa bỏ cách tính giá điện bậc thang đang áp dụng đồng thời đề nghị từ 2011 cho điều chỉnh giá khí bán cho điện theo biến động của giá dầu.
Theo báo cáo của ông Trần Đình Thiên - viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nợ nhà nước (nợ công) của Việt Nam năm 2009 lên tới 52% GDP và đứng thứ 44 thế giới, ngay sau Mỹ, Morocco, Kenya. Tuy nhiên, con số này vẫn dưới mức bình quân của thế giới là 56% GDP.
Từ nay tới cuối năm, mỗi tháng nước ta đều có từ 300.000 - 500.000 ha lúa cho thu hoạch. Cộng thêm lượng tồn kho của các doanh nghiệp là trên một triệu tấn, Việt Nam không thiếu gạo phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.