Mùa thu cây lên rừng
- Cập nhật: Thứ sáu, 13/8/2010 | 9:00:01 AM
YBĐT - Sang thu, những cơn mưa rào đến muộn nhưng cũng làm dịu cái nắng đổ lửa và cái nóng gay gắt, tiết trời mát mẻ và không khí ẩm ướt. Với cán bộ chiến sỹ kiểm lâm và người dân Văn Chấn thì bớt hẳn nỗi lo “giặc lửa phá rừng”, mọi người cùng lao vào nhiệm vụ trồng rừng năm 2010.
Nông dân thị trấn Nông trường Trần Phú nhận cây giống từ các vườn ươm.
|
Trạm Kiểm lâm bản Dõng chỉ còn 2 chiến sỹ ứng trực nên khá vắng vẻ. Biết chúng tôi đến, Trạm trưởng điện thoại từ Nậm Búng về: “Anh em đi cơ sở hết, mời đồng chí đi Nậm Pươi thăm mô hình trồng rừng phòng hộ, công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ huyện của Kiểm lâm Văn Chấn”. Và đã thành nếp, cứ khi ngô đã vào bồ, lúa đã làm đòng thì người dân Văn Chấn lại lên rừng trồng cây, một vụ trồng mà nói như đồng chí Vũ Thanh Bình – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện là “đầy rẫy những khó khăn”.
Để tránh rét đậm, rét hại, Văn Chấn không triển khai trồng rừng vụ xuân mà trồng vụ hè thu. Năm 2010 này, huyện được giao chỉ tiêu trồng mới 1.171,9 ha rừng kinh tế và 167,1 ha rừng phòng hộ. Hơn 1.000 ha rừng có lẽ chỉ là chuyện nhỏ đối với các huyện vùng thấp nhưng ở Văn Chấn nhất là các xã vùng cao thì là cả một nỗ lực. Đời cha, đời ông người Mông, người Dao nơi đây chỉ biết lên rừng chặt gỗ chứ chưa trồng rừng bao giờ, vì thế mà tư tưởng nhờ rừng vẫn còn nặng nề. Trồng được rừng, nhất là rừng kinh tế thì sẽ bớt lũ lụt, thiên tai, sẽ có cuộc sống no đủ hay ít nhất có cây gỗ làm nhà, có cây củi đốt lửa mà không phải đi xa tít tắp mới kiếm được. Ai cũng hiểu như thế và Nhà nước đã không tiếc tiền của để tuyên truyền, hướng dẫn đến cung cấp phân bón, cây giống cho bà con trồng rừng. Thế mà không ít người, không ít bản còn chưa thông cái đầu.
Vụ hè thu này, kế hoạch trồng rừng được triển khai khá kỹ lưỡng, Ngay từ đầu năm, huyện đã tổ chức Hội nghị giao kế hoạch trồng rừng xuống các xã; Hạt Kiểm lâm cũng có Kế hoạch số 01 về công tác trồng rừng để phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ, đội, trạm kiểm lâm cơ sở. Hơn 2 triệu cây keo (giống keo Úc) và 631.000 cây mỡ đã được gieo ươm tại 3 vườn, đều do các cán bộ kỹ thuật đảm nhiệm, đảm bảo 100% số cây xuất ra đạt tiêu chuẩn, cao từ 25 đến 30 cm.
Đến tháng 5/2010, các ngành kỹ thuật đã hoàn thiện toàn bộ hồ sơ, thiết kế rừng trồng theo đúng kế hoạch và trước khi vụ trồng rừng bắt đầu, 38 cán bộ, chiến sỹ kiểm lâm địa bàn phối hợp với các bộ nông lâm nghiệp các xã và Trạm Khuyến nông huyện về các thôn bản tổ chức họp dân, phổ biến cơ chế, chính sách như hỗ trợ cây giống, phân bón; hướng dẫn kỹ thuật làm đất, đào hồ, bỏ phần, trồng và chăm sóc cây... Theo đó, Nhà nước sẽ hỗ trợ trực tiếp cho dân trồng mỗi ha rừng phòng hộ 5,7 triệu đồng, mỗi ha rừng kinh tế ở vùng cao 1,91 triệu đồng và rừng kinh tế ở vùng thấp 1,5 triệu đồng.
Đồng chí Nguyễn Đức Minh – Trưởng bộ phận kỹ thuật của Hạt Kiểm lâm như phân trần: “Phong trào trồng rừng đang lên thì nắng hạn gay gắt, toàn huyện có đến 294.000 cây keo mới trồng bị chết, đặc biệt là khu Đồng Khê, Sơn Thịnh. Cây chết không chỉ tốn công, tốn của mà ảnh hưởng đến tâm lý của bà con. Anh em rất mong tỉnh, huyện hỗ trợ một phần kinh phí để bà con khắc phục, trồng dặm”.
Theo thống kê, đến đầu tháng 8/2010, toàn huyện Văn Chấn đã cấp đủ 161 tấn phân cho người dân trồng rừng kinh tế, 83 tấn cho rừng phòng hộ, nông dân 12 xã đã trồng được 650 ha rừng kinh tế, nhiều xã trồng được diện tích lớn như Nghĩa Tâm, Bình Thuận, Thượng Bằng La... 100% diện tích rừng phòng hộ, tương đương 167,1 ha đã được các xã Sơn Thịnh, Minh An, Chấn Thịnh, Bình Thuận, Đại Lịch... trồng xong.
Qua đánh giá của các ngành chức năng, ngoài khó khăn về thời tiết và nhận thức về trồng rừng kinh tế của người dân vùng cao còn nhiều hạn chế thì việc trồng rừng còn một số khó khăn cơ bản như tình trạng người dân khai hoang ruộng nước, trồng chè thậm chí làm nhà ở trên đất đã quy hoạch trồng rừng; tình trạng xâm canh giữa các xã, nhất là xâm canh vào diện tích đất đã thiết kế, quy hoạch để trồng rừng là khá phổ biến; nhiều khu đất trước đây là đất trống, đồi trọc đã được thiết kế, quy hoạch để trồng rừng nay bà con quản lý, bảo vệ nên cây rừng tự nhiên đã mọc nhiều và phát triển mạnh...
Mặc dù vậy, kế hoạch trồng rừng năm 2010 của huyện Văn Chấn chắc chắn sẽ hoàn thành nhờ công tác chuẩn bị được tiến hành bài bản và có sự quyết tâm của đội ngũ cán bộ kiểm lâm cũng như cán bộ trong khối nông lâm nghiệp.
Năm 2010 và mấy năm trước đây ở huyện Văn Chấn rừng trồng mới nhất là rừng kinh tế chỉ tập trung tại vùng thấp, nhất là các xã vùng ngoài như: Tân Thịnh, Đại Lịch, Minh An, Chấn Thịnh, Thượng Bằng La... còn các xã vùng cao, vùng thượng huyện, nhiều xã thậm chí không nằm trong kế hoạch trồng rừng của huyện! Vẫn biết nhận thức của bà con còn nhiều hạn chế nhưng ý nghĩa của việc trồng rừng là rất lớn, vì vậy cần có sự quyết tâm hơn nữa của ngành chức năng, của cấp uỷ, chính quyền, nhất là chính quyền cấp xã. Tỉnh và ngành nông lâm nghiệp cũng cần có cơ chế, chính sách thoả đáng hơn giúp cán bộ và người dân vùng cao trồng rừng kinh tế, kể cả đầu tư thêm cho dân vốn chăm sóc, bảo vệ... Có rừng trồng, rừng kinh tế sẽ bớt phá rừng tự nhiên, rừng cả huyện lên xanh thì dân sẽ có cuộc sống khá.
Lê Phiên
Các tin khác
Tạp chí Retail Asia (Singapore) vừa công bố kết quả xếp hạng 500 nhà bán lẻ hàng đầu châu Á - Thái Bình Dương năm 2010, dựa vào các tiêu chí: doanh thu bán lẻ, mức tăng trưởng, diện tích dành cho kinh doanh bán lẻ và số lượng cửa hàng.
YBĐT - Hòa chung trong dòng chảy lịch sử, Bưu điện Yên Bái cũng đã có những trang sử chói lọi. Đặc biệt, sau 20 năm đổi mới, Bưu chính - Viễn thông Yên Bái đã không ngừng lớn mạnh về mọi mặt...
YBĐT - - Khởi nguồn từ một xưởng mộc sơ chế nhỏ tại khu phố Hóp, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên (Yên Bái), nhưng nhờ nắm bắt được thị trường và có những chính sách phát triển phù hợp, nên doanh nghiệp tư nhân Đăng Khoa đã trở thành doanh nghiệp tiêu biểu hoạt động trong lĩnh vực chế biến lâm sản, có doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm.
Thị trường vàng thế giới tiếp tục giảm đã kéo giá vàng trong nước sáng nay (12.8) đi xuống, về sát ngưỡng 28 triệu đồng/lượng. Đây là ngày giảm thứ ba liên tiếp của giá vàng trong nước.