Câu chuyện mới của nhà nông Văn Chấn
- Cập nhật: Thứ hai, 16/8/2010 | 9:39:46 AM
YBĐT - Câu chuyện mới của nhà nông Văn Chấn không phải là hạt thóc, hạt ngô bốn nghìn rưỡi, năm nghìn đồng một cân mà là những câu chuyện khác. >>>Đưa nông nghiệp chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa
Lãnh đạo huyện Văn chấn thăm mô hình trồng khổ qua của hộ gia đình bà Lò Thị Hiên - thôn Năm Hăn, xã Phù Nham.
|
4.100 ha lúa hai vụ và trên 4.000 ha ngô của huyện Văn Chấn đều được cấy bằng các giống kỹ thuật với trình độ thâm canh khá đã mang lại sản lượng hàng trăm nghìn tấn lương thực, không những nuôi sống người dân, phát triển được nghề chăn nuôi mà còn tạo ra được nguồn hàng có giá trị trên thị trường.
4.100 ha lúa hai vụ và trên 4.000 ha ngô của huyện Văn Chấn đều được cấy bằng các giống kỹ thuật với trình độ thâm canh khá đã mang lại sản lượng hàng trăm nghìn tấn lương thực, không những nuôi sống người dân, phát triển được nghề chăn nuôi mà còn tạo ra được nguồn hàng có giá trị trên thị trường. Nhưng, câu chuyện mới của nhà nông Văn Chấn không phải là hạt thóc, hạt ngô bốn nghìn rưỡi, năm nghìn đồng một cân mà là những câu chuyện khác.
Năm 2009, sản lượng lương thực có hạt đạt 55.000 tấn, huyện phấn đấu trở thành vùng lúa hàng hóa. (Ảnh: Thanh Miền)
Anh Nguyễn Hợp Đoàn - Phó chủ tịch UBND huyện Văn Chấn đã mở đầu buổi làm việc với chúng tôi như vậy và để chúng tôi biết thêm “câu chuyện mới” ấy, anh đã đưa chúng tôi đi Phù Nham - một xã vùng lòng chảo Mường Lò.
Nhiều nhà ở thôn Năm Hăn và các thôn, bản khác trong vùng vụ này không cấy lúa, cho dù ruộng tốt, nước đủ: hàng chục ha ruộng đã được gieo trồng một đối tượng cây mới, đó là cây khổ qua (hay còn gọi là mướp đắng) lấy hạt. Khổ qua được trồng rất bài bản như: luống được phủ ni lông, dây leo trên giàn nhựa, chăm bón, tưới nước… tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật.
Trời Mường Lò sang thu chợt mưa, chợt nắng. Tranh thủ nắng lên, bà con nông dân đang thụ phấn cho hoa. Nhẹ nhàng mở nút bịt (mỗi bông hoa khổ qua đều được bịt một chụp nhựa ngăn không cho thụ phấn tự nhiên và sâu bọ tấn công), nhẹ nhàng thụ phấn rồi nhẹ nhàng nút lại và đánh dấu việc thụ phấn đã hoàn thiện. Động tác thoăn thoắt, nhanh, gọn, chính xác của đồng bào dân tộc Thái chẳng thua kém những cán bộ kỹ thuật được đào tạo bài bản.
Quy trình sản xuất khổ qua rất nghiêm ngặt và khó thực hiện nhưng bà con vẫn mê vì giống, phân, vật tư đều của Công ty Đông Tây ứng trước, đặc biệt mỗi ha đất trồng khổ qua, trong vòng 3 tháng sẽ cho thu ít nhất 500 kg hạt; hiện thời giá Đông Tây đang thu mua là 270 nghìn đồng/kg.
Như vậy có thể khẳng định, không một loại cây trồng nào thu lợi nhanh và nhiều như cây khổ qua! Điều đáng mừng hơn nữa là Công ty Đông Tây chỉ mong người dân Văn Chấn làm được nhiều hạt khổ qua để họ thu mua vì sản xuất chưa bao giờ đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng nước ngoài.
Chuyện liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất nông nghiệp ở Văn Chấn còn được thể hiện rõ nét và đã rất thành công trong việc trồng lúa và khoai tây. Vùng lúa chất lượng cao, làm hàng hoá diện tích 1.500 ha với sản lượng 15 nghìn tấn/năm, đem lại thu nhập gấp 1,5 lần so với cấy lúa thông thường đã là chuyện cũ ở Văn Chấn.
Còn câu chuyện mới bắt đầu từ việc các chuyên gia của Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam đến Văn Chấn và phát hiện ra vùng đất này có thể gieo cấy được giống lúa DS1, thứ lúa đặc sản, giá cao gấp 3 lần giống Chiêm Hương mà nông dân ta vẫn cấy. Một đơn vị của Viện Di truyền nông nghiệp cùng với Công ty Trường Xuân đã nắm lấy cơ hội đầu tư, tiến hành liên hệ với huyện để được đầu tư giống, vốn, kỹ thuật cho nông dân sản xuất lúa giống và thu mua toàn bộ sản phẩm làm ra với giá 30 nghìn đồng/kg thóc - một mức giá “trong mơ” đối với bà con nông dân.
Chính vì vậy mà ngay từ vụ hè thu năm 2009 đã có 10 ha lúa DS1 được đưa vào gieo cấy. Công ty Trường Xuân và Viện Di truyền nông nghiệp còn cam kết tiếp tục làm ăn lâu dài với nông dân và mở rộng diện tích gieo cấy để tạo nguồn hàng lớn hơn cho thị trường.
Cây khoai tây còn là một câu chuyện lớn hơn khi người nông dân Mường Lò - Văn Chấn bắt tay với hẳn hai công ty hàng đầu thế giới là Pesi Cola và Orion để trồng khoai tây làm nguyên liệu cho họ. Vụ đông năm 2009 - 2010, Văn Chấn đang lúng túng với bài toán mở rộng cơ cấu cây trồng, sau khi ngô đã đem lại thành công thì hai công ty nói trên có mặt.
Áp dụng chính sách ứng trước giống, vốn, hỗ trợ kỹ thuật và thu mua toàn bộ sản phẩm, 100 ha khoai tây đầu tiên cho doanh nghiệp các doanh nghiệp này đã thắng lợi với năng suất 13 tấn/ha và giá thu mua 3.500 đồng/kg. Được biết vụ đông 2010 - 2011, hai công ty nói trên vẫn tiếp tục đầu tư, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm và mở rộng gấp đôi diện tích, trong đó Công ty Orion có chủ trương trồng khoai tây sang cả vụ xuân với giá thu mua cao hơn khoai vụ đông.
Còn biết bao câu chuyện khác trong làm ăn của nông dân Văn Chấn, chỉ biết rằng cái được là đã lo đủ bát cơm, hạt gạo cho dân, tạo ra được nguồn hàng lớn có giá trị với 15 nghìn tấn lúa, hơn 13 nghìn tấn ngô, hơn 1 nghìn tấn đậu tương, hơn 1 nghìn tấn khoai tây... Mối liên kết nông dân doanh nghiệp đã tạo cơ hội cho cả hai. Thành quả ấy thuộc về nông dân và những cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Tấn Đạt
Các tin khác
YBĐT - Thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng năm 2010, từ đầu năm đến nay Đội Kiểm lâm cơ động tỉnh đã làm tốt công tác phối hợp với các cơ quan công an, quản lý thị trường kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn các hành vi buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
YBĐT - Những năm gần đây, phong trào nuôi nhím phát triển khá mạnh mẽ, bởi nuôi nhím mang lại giá trị kinh tế cao, chỉ có lời chứ không lỗ. Tuy nhiên, thời gian gần đây giá nhím giống lại có sự “leo thang” khá mạnh. Vậy nguyên nhân do đâu?
Bộ Tài chính vừa có Công văn số 10240/BTC-TC gia hạn thời hạn lưu thông sản phẩm dán tem thuốc lá sản xuất trong nước.
YBĐT - Đến 14h ngày 15/8, sau khi hoàn thành lắp đặt hệ thống dầm chịu lực Bailey nhằm giúp gia cố thêm khả năng chịu lực cho cầu Ngòi Lực, quốc lộ 70 đã thông tuyến trở lại, những xe có trong tải dưới 20 tấn có thể lưu thông qua lại cầu bình thường.