"Loạn" xuất xứ hàng may mặc, giày dép thời trang
- Cập nhật: Thứ sáu, 20/8/2010 | 8:48:10 AM
Hàng hóa lấy cùng một đầu mối nhưng shop này bảo là hàng Singapore, cửa hàng kia tự thú là hàng Trung Quốc. Gặp khách sành sõi, chủ cửa hàng khai thật, tiếp khách lạ người bán hàng cứ... trên trời mà nổ!
Nguồn gốc xuất xứ sản phẩm là do người bán hàng "phù phép", người tiêu dùng cứ thế mà dốc ngược hầu bao. Ảnh minh họa
|
Trước đây, đi đâu người tiêu dùng cũng đụng phải hàng Tàu, sang hơn là Hàn Quốc, Đài Loan, Hong Kong. Hiện nay phải là hàng "Sing" (Singapore), "Cam bồ" (Cambodia) mới thu hút được sự chú ý của khách, dù thực tế chủ yếu là hàng nhập... từ Trung Quốc!
Xuất xứ - Muốn cho thế nào cũng được!
Nửa ngày trời chọn mua giày, chị Thiên Kim (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) xây xẩm mặt mày, ngoài nguyên nhân giá cả, chất lượng mà thông tin xuất xứ sản phẩm cũng khiến người tiêu dùng choáng váng.
Tại shop T.H trên đường Lê Văn Sỹ, đôi giày cao gót quai đính trắng có giá 540.000 đồng/đôi, nhân viên giới thiệu đây là hàng nhập từ Singapore. Nhưng khi chị Kim ghé vào cửa hàng khác, cũng đôi giày giống hệt thế nhưng giá bán chỉ... 380.000 đồng/đôi. Càng khó hiểu hơn khi người chủ cửa hàng này quả quyết đây là hàng nhập từ... Đài Loan.
Theo giới kinh doanh giày dép, trang phục tại TP.HCM, hầu hết hàng được đánh từ Trung Quốc, Đài Loan thông qua các một số đầu nậu. Ngay các cửa hiệu uy tín như Đ.H, H.D, H.A... cũng là khách hàng thường xuyên của các đầu nậu này. Khách sành hàng thời trang ít khi nào mang đầu vào các shop hiệu để bị "chặt chém".
Thường giá bán giữa các shop "hiệu" và "không hiệu" chênh nhau từ 20-30%. Điều này cũng do 2 từ xuất xứ mà ra, hàng "Sing" (Singapore), "Cam-bồ" (Cambodia) lúc nào cũng tỏ ra đẳng cấp hơn hẳn so với hàng Tàu, hàng Thái mặc dù thực tế không phải như vậy.
Có cầu có cung!
Đánh vào tâm lý khách hàng không chỉ chuộng trang phục, phụ kiện màu sắc, kiểu dáng mới lạ mà nguồn gốc xuất xứ càng đa dạng, phong phú càng tốt, giới kinh doanh không ngần ngại hô biến nguồn gốc sản phẩm từ Á sang Âu, từ Âu sang Mỹ.
Người tiêu dùng trong nước đang è cổ trả tiền "ngoại" cho những sản phẩm nội, hoặc hàng nhập qua đường tiểu ngạch, giá trị không cao. (Ảnh minh họa: Thiên Nga) |
Tuy nhiên, theo bà Tâm, một đầu nậu bỏ mối sỉ mặt hàng quần áp jeans khu vực chợ Tân Bình lưu ý rằng: "Các chủ cửa hàng cũng cần phải biết "nổ" khôn ngoan, không sẽ bị hớ mất khách như chơi!". Đầu nậu này chuyên đánh hàng từ Trung Quốc về thẳng Sài Gòn để bỏ mối cho các sạp chợ, shop thời trang lớn tại TP.HCM và các tỉnh miền Tây, miền Trung. "Gà cùng một mẹ" nhưng khi đến tay người tiêu dùng nó lại trở thành hàng Mỹ, hàng Sing... tùy ở sự biến hóa của người bán hàng!
Chị Thanh, chủ một cửa hàng giày dép thời trang trong khu vực chợ Trần Hữu Trang (quận Phú Nhuận, TP.HCM) tiết lộ: "Khách muốn là hàng ngoại thì nó là hàng ngoại, chuộng hàng nội thì cũng có ngay hàng nội. Ngay các công ty có tên tuổi uy tín còn xài chiêu này để chiều lòng thượng đế!". Trên thực tế, hàng công ty gia công không nhiều mà chủ yếu là đặt các cơ sở sản xuất gia công, cả cơ sở trong nước và nước ngoài.
Đối với những đơn đặt hàng số lượng lớn thì có thể cửa hàng sẽ độc quyền về mẫu mã nhưng thường các shop phải chia sẻ đơn hàng vì mỗi model mới ra chỉ được thị trường hưởng ứng trong thời gian ngắn, sau đó nhường cho những mẫu mã mới. Do đó, việc đụng hàng giữa các shop là điều đương nhiên, chỉ khác ở cái giá niêm yết và xuất xứ, tùy vào khả năng phù phép của các chủ cửa hàng!
Số liệu từ các Hiệp hội Dệt may, Giày da, đến 90% sản lượng của các doanh nghiệp lớn trong các lĩnh vực này là phục vụ cho xuất khẩu. Với thị trường nội địa, các doanh nghiệp xuất khẩu lớn chỉ tham gia cho có với các mẫu giày vải, giày thể thao, giày da, áo quần thời trang cũng rất hạn chế…
Sân chơi nội địa chủ yếu do các cơ sở sản xuất nhỏ gia đình tham gia và chiếm thị phần rất nhỏ, còn lại là hàng nhập bánh trướng hoặc hàng trong nước "lên đời" khiến người tiêu dùng trong nước phải è cổ trả tiền "ngoại" cho những sản phẩm nội, hoặc hàng nhập nhưng qua đường tiểu ngạch, giá trị thật sự không cao.
(Theo VietNamNet)
Các tin khác
Liên tiếp trong hai ngày 18 - 19.8, Ủy ban Chứng khoán nhà nước (UBCKNN) đã ban hành các quyết định để xử phạt 5 công ty đại chúng do vi phạm trong lĩnh vực CK.
YBĐT - Nhiệm kỳ 2005 - 2010, nhờ bám sát các nghị quyết chuyên đề, xây dựng chương trình hành động cụ thể, sát thực tiễn địa phương mà sản xuất nông - lâm nghiệp huyện Yên Bình (Yên Bái) đã có sự chuyển biến mạnh mẽ. Nổi bật là việc quy hoạch các vùng sản xuất hàng hoá, ứng dụng khoa học công nghệ vào chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, huy động nguồn lực phát triển nhanh kinh tế nông - lâm nghiệp…
YBĐT - Thực hiện Nghị quyết 07-NQ/HU của Ban chấp hành Đảng bộ huyện khóa XX về củng cố kinh tế tập thể, phát triển tiểu thủ công nghiệp và công nghiệp ngoài quốc doanh, trong đó có trồng rừng gắn với chế biến, những năm gần đây, diện tích rừng trồng ở Yên Bình không ngừng được mở rộng. Cùng với đó là sự ra đời và hoạt động của nhiều cơ sở chế biến gỗ rừng trồng góp phần giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động.
Hôm nay (19/8), hàng loạt các công ty kinh doanh gas chính tức tăng 4.000 đồng/bình 12kg. Nguyên nhân là do Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh chỉnh tỉ giá bình quân liên ngân hàng từ 18.544 VND/USD lên 18.932 VND/USD.