Nông thôn khởi sắc từ rừng
- Cập nhật: Thứ tư, 20/10/2010 | 2:40:36 PM
YBĐT - Nhiều năm trở lại đây kinh tế lâm nghiệp của Yên Bái đã có bước phát triển vượt bậc. Trong giai đoạn 2005 - 2010 toàn tỉnh đã trồng mới 71.248 ha rừng, trong đó có 59.332 ha rừng kinh tế. Phần lớn gỗ rừng trồng được đưa vào các xưởng chế biến, tạo ra nguồn hàng lớn và có giá trị. Tiềm năng kinh tế đồi rừng đã được khai thác, góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm cho người lao động.
Chế biến gỗ rừng trồng ở Cụm công nghiệp Đầm Hồng, thành phố Yên Bái.
(Ảnh: M.Q)
|
Từ những chủ trương, chính sách của tỉnh và Nhà nước, người dân Yên Bái (nhất là các huyện, thị vùng thấp) đã thấy được giá trị của kinh tế đồi rừng, từ đó hăng hái nhận đất, cải tạo nương đồi để trồng cây gây rừng theo kỹ thuật mới, gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ. Thời điểm hiện tại giá gỗ có chu vi thân 40 cm có giá 1 triệu đồng/m3. Một héc - ta rừng sau 7 năm, ít nhất cũng thu được 50 đến 60 m3 gỗ, thu về 50 đến 60 triệu đồng. Giá gỗ và thị trường tiêu thụ thuận lợi nên có đất trồng rừng đúng là một cách làm giàu hiệu quả.
Theo số liệu thống kê, hiện mỗi năm Yên Bái trồng mới khoảng 1,2 vạn ha rừng, cùng hàng triệu cây lâm nghiệp xã hội, chủ yếu là rừng kinh tế với các giống như: keo, bạch đàn, mỡ, trám, xoan... Tại các huyện vùng cao, nhiệm vụ khoanh nuôi, bảo vệ rừng tự nhiên đã có sự chuyển biến rất tích cực, tình trạng phá rừng bừa bãi đã chấm dứt, nạn khai thác, vận chuyển lâm sản phép đã được ngăn chặn hiệu quả, phong trào trồng rừng bắt đầu hình thành và phát triển nhờ các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước và của tỉnh...
Nhờ vậy, rừng Yên Bái ngày càng lên xanh, mang lại hiệu quả kinh tế, tạo việc làm cho người lao động, cải tạo môi trường sinh thái, bức tranh nông nghiệp, nông thôn miền núi cũng khởi sắc. Nhìn tổng thể, phong trào trồng rừng, nhất là rừng kinh tế đã có những bước tiến vượt bậc, tuy nhiên công tác trồng rừng vẫn có cách biệt rất lớn giữa vùng thấp và vùng cao. Điều này rất dễ nhận thấy khi ở vùng thấp khó có thể tìm thấy đất bỏ hoang, đâu đâu cũng ngút ngàn keo, quế, bồ đề, bạch đàn, còn vùng cao Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải ngoài rừng tự nhiên, rừng thông mã vĩ còn rất nhiều đồi núi trọc hoặc đất với cây tái sinh lúp xúp, nghèo kiệt, không hiệu quả kinh tế, kém chức năng phòng hộ.
Trong câu chuyện trồng rừng có cái tốt, có cái chưa tốt, còn trong câu chuyện chế biến gỗ cũng có nhiều cái hay và cả cái chưa hay! Cơ chế mở ra, gỗ từ Đoan Hùng chở ngược, gỗ từ Tuyên Quang, Hà Giang chở sang, từ Lào Cai chuyển về Yên Bái vào các nhà xưởng chế biến ra nhiều mặt hàng xuất khẩu. Cỗ máy bóc không lớn tiền, việc vận hành rất đơn giản, sản phẩm làm ra được khách hàng dễ chấp nhận... đã khiến hàng trăm hộ gia đình ở Yên Bái mở xưởng chế biến gỗ. Phần lớn gỗ rừng trồng đều đưa vào các xưởng chế biến với sản lượng hàng trăm nghìn mét khối gỗ mỗi năm, nhiều doanh nghiệp làm ăn phát đạt, nhiều gia đình đã giàu lên nhờ nghề chế biến gỗ, đặc biệt các xưởng chế biến gỗ rừng trồng đã thu hút hàng vạn lao động và đóng góp hàng chục tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước. Sau thành công bước đầu, ngành nghề chế biến gỗ cũng bộc lộ những nhược điểm.
Việc mở xưởng gỗ không khó, đầu tư không lớn... nên ngành nghề chế biến gỗ phát triển mạnh nhưng manh mún và nhỏ lẻ. Việc phát triển thiếu quy hoạch, thiếu định hướng đã và đang tạo ra hệ lụy, có những địa phương phát triển quá nhiều xưởng chế biến nên thiếu nguyên liệu sản xuất, tình trạng mua cây non, cây nhỏ về bóc hay xẻ thanh là phổ biến. Xưởng nhỏ, sản phẩm ít, chất lượng không ổn định dễ bị khách hàng ép cấp, ép giá; những vấn đề như: đào tạo nghề, quản lý môi trường, xúc tiến thương mại, tìm thị trường... cũng đặt ra nhiều câu hỏi cho ngành chế biến, kinh doanh gỗ của Yên Bái.
Cần nhìn thẳng vào sự thật trong chương trình phát triển ngành lâm nghiệp ở Yên Bái, thành tích là rất cơ bản, cần phát huy; những khiếm khuyết đã bộc lộ rõ nét cần được kịp thời khắc phục; tránh tình trạng vùng thấp bù vùng cao trong việc trồng rừng, còn chế biến thì tiếp tục nhỏ lẻ, manh mún..
Lê Phiên
Các tin khác
YBĐT - Với diện tích 400 ha mặt nước luôn trong xanh và ổn định gồm trên 40 đảo cây lớn nhỏ, cùng với hồ Thác Bà, đầm Hậu (xã Minh Quân)..., hồ Vân Hội, xã Vân Hội, huyện Trấn Yên (Yên Bái) là một địa điểm tiềm năng về thủy sản và du lịch.
Giá vàng thế giới, đêm qua, bất ngờ giảm mạnh, trong bối cảnh thị trường hàng hóa, chứng khoán và tiền tệ đều bị bán tháo. Giá vàng giao ngay đóng cửa phiên giao dịch tại thị trường New York, Mỹ, giảm 34 USD còn 1.336 USD/Oz.
Nhân dịp kỷ niệm ngày truyền thống Đường sắt Việt Nam 21-10, Công ty Vận tải hành khách đường sắt Sài Gòn khuyến mại giảm 90% giá vé hiện hành cho hành khách đặt chỗ trên website www.vetau.com.vn và thanh toán tiền vé tại các điểm giao dịch hoặc máy ATM của hệ thống Ngân hàng Công thương Việt Nam.
YBĐT - Năm 2010, giá trị sản xuất công nghiệp của Yên Bái dự tính đạt 3.000 tỷ đồng, con số này trong vòng 5 năm tới sẽ khoảng 7.400 tỷ đồng, trong đó phần lớn là do các nhà máy thủy điện tạo ra.