Dòng "vàng trắng" sẽ tuôn chảy trên đất rừng Yên Bái
- Cập nhật: Thứ năm, 21/10/2010 | 9:03:42 AM
YBĐT - Trồng và phát triển cây cao su là một chủ trương lớn của Chính phủ và của tỉnh Yên Bái, nhằm tạo ra bước đột phá trong phát triển kinh tế của các địa phương. Không ít khó khăn nhưng bằng ý chí quyết tâm của cả Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, cây cao su đang bén rễ trên đất đồi Yên Bái.
Công nhân Lâm trường Văn Yên trồng cao su tại xã An Bình.
|
Từ trung tâm huyện Văn Yên vượt qua hơn 40 km đường bụi, chúng tôi về thôn 6 - xã Châu Quế Thượng - một trong những điểm trồng thử nghiệm cây cao su của tỉnh. Trên diện tích 4 ha, 4 hộ dân đã bỏ trồng sắn, keo để trồng thử nghiệm cây cao su. Để có cơ sở chắc chắn cho việc có phát triển được cây cao su trên địa bàn tỉnh, cán bộ kỹ thuật Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc, cán bộ Trạm Khuyến nông huyện thường xuyên kiểm tra hướng dẫn kỹ thuật từ trồng đến chăm sóc, bảo vệ tới các hộ dân; theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến thời tiết khí hậu tác động đến sinh trưởng và phát triển của cây cao su.
Theo đánh giá của cán bộ kỹ thuật bước đầu cho thấy cây cao su phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở đây, tỷ lệ cây trồng sống đạt trên 97%. Đây là minh chứng xua tan đi bao hoài nghi về sức sống của cao su trên đỉnh Châu Quế Thượng đầy nắng gió. Nhìn những đồi cao su xanh ngắt cao quá đầu người chợt nhớ về những buổi đầu đưa cao su vào trồng. Có không ít ý kiến trái chiều, vì quan niệm của nhiều người cao su chỉ có thể trồng được ở những nơi có độ dốc thấp và khí hậu tương đối nóng, vậy ở nơi núi cao, gió mạnh quanh năm có sương mù cây cao su có phát triển được không? Nhưng cái lớn nhất vẫn là tư tưởng của nhân dân chưa thông suốt với đủ thứ lo như khí hậu thổ nhưỡng có phù hợp không, rồi chuyện nhân dân sợ mất đất sản xuất khi trồng cao su; cây cao su là "cây nhà giàu" liệu có phù hợp với tập quán sản xuất của nông dân?
Nhìn những đồi cao su xanh tốt cùng với việc 4 hộ dân ở đây đã bỏ cả đất sắn, đất keo để trồng thử nghiệm mới thấy người dân đồng thuận trồng cao su và nhận ra giá trị to lớn của loại cây được mệnh danh là “vàng trắng” này. Được biết, để đưa cao su vào trồng, tỉnh đã ban hành những chính sách khuyến khích tạo điều kiện về môi trường đầu tư, còn vốn do Tập đoàn Cao su đảm nhiệm. Người dân có đất thuộc vùng quy hoạch cao su tham gia góp cổ phần bằng đất, người dân sẽ được ký hợp đồng lao động trở thành công nhân trồng cao su, được hưởng mọi chế độ theo quy định, lợi nhuận phân chia theo tỷ lệ góp vốn. Đến nay, đã hoàn thành việc triển khai rà soát quy hoạch đất trồng cao su tại 33 xã thuộc 5 huyện trong tỉnh, với tổng diện tích tự nhiên dự kiến trên 12.180ha. Theo kế hoạch thì năm nay toàn tỉnh sẽ trồng mới 500 ha tập trung ở hai huyện Văn Yên và Văn Chấn, tiến tới từ 2011 mỗi năm trồng mới từ 1.000 -1.200ha cao su.
Rời đồi cao su ở Châu Quế Thượng chúng tôi đi thăm mô hình trồng cao su xã An Bình, đây là một trong những đại bản doanh đầu tiên của cây cao su ở Yên Bái. Ông Nguyễn Hoàng Hải, đội trưởng đội cao su xã An Bình, người nhiều năm gắn bó với cây cao su cho biết: "Đất và thời tiết khí hậu ở đây trồng cao su thì khỏi phải nghĩ, khỏi lo; giống cây này xem ra có nhiều cái nhất: phủ xanh đất trống đồi núi trọc nhanh nhất, cây cho giá trị kinh tế cao nhất, giải quyết việc làm cho nhiều lao động nhất" v.v... Được biết kế hoạch trồng cao su ở An Bình là 200 ha, để đảm bảo đúng tiến độ, An Bình thường xuyên huy động từ 100-150 công nhân, cùng với 3 xe cơ giới vận chuyển cây giống, 2 máy đào và một chiếc máy ủi làm việc hằng ngày.
Đến thời điểm này, xã đã khai hoang được 180 ha; đào hố 100ha, diện tích lấp trồng 80 ha; trồng được 60 ha. Sức người cùng sức máy đang hăng say lao động. Nhìn không khí lao động khẩn trương của công nhân mới thấy nông dân ở đây đồng thuận với chủ trương trồng cây cao su tới mức nào. Cứ đà này, kế hoạch 200ha đã nằm trong tầm tay.
Chị Hoàng Phương Can ở thôn 5, xã An Bình phấn khởi cho biết: "Em trước đây làm công nhân lâm trường, từ khi chuyển sang trồng cao su em được trả tiền công trên 100.000 đồng/ngày. Khi trồng xong, mỗi người được giao cho 3 ha cao su chăm sóc, quản lý. Ngoài những công nhân của lâm trường như em thì với cơ chế thông thoáng Công ty đã tuyển được nhiều công nhân lao động trong vùng vào làm việc với mức tiền công 120-150.000 đồng/ngày".
Ông Lê Cao Tấn, Phó chủ tịch UBND xã An Bình cho biết: "Khi cao su mới về, Nhà nước công bố chính sách ưu đãi, cung cấp cây giống, cán bộ về tận nơi vừa vận động, vừa cầm tay chỉ việc trồng cao su nhiều người còn bàn ra tính vào. Bây giờ thì mọi người đã hưởng ứng nhiệt tình. Trồng cao su cho thu nhập cao, đồng thời xóa bỏ tư tưởng du canh du cư làm ăn manh mún giúp người dân làm quen với tác phong công nghiệp. Giờ cao su đang dần bén duyên với đất và người An Bình rồi".
Rời An Bình khi mặt trời đã ngả bóng, những công nhân trên đồi cao su vẫn còn miệt mài làm việc, những chiếc xe chở cây giống vẫn rì rì chạy trên con đường mới mở đỉnh núi. Tương lai không xa, những dòng “vàng trắng” sẽ tuôn chảy từ những cánh rừng cao su kia làm thay đổi diện mạo của nhiều vùng quê Yên Bái.
Văn Thông
Các tin khác
YBĐT - ục Yên – vùng đất nổi tiếng với đá Rubi (hồng ngọc) cùng nhiều loại đá quí khác. Từ chỗ người dân ở đây chỉ biết khai thác các sản phẩm thô, bán với giá rẻ thì nay họ đã biết làm ra các sản phẩm tinh xảo như mặt nhẫn, dây chuyền, tranh, tượng, đá cảnh…nổi tiếng.
Từ 19-24.10, Hội chợ Trung Quốc - ASEAN lần thứ 7 (CAEXPO 2010) được tổ chức tại tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, với hơn 4.000 gian hàng của 2.500 doanh nghiệp.
Từ 19-24.10, Hội chợ Trung Quốc - ASEAN lần thứ 7 (CAEXPO 2010) được tổ chức tại tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, với hơn 4.000 gian hàng của 2.500 doanh nghiệp.
YBĐT - Nét nổi bật nhất trong sản nông nghiệp 5 năm qua ở Yên Bái là sản xuất lúa, gạo làm hàng hoá, lấy giá trị trên mỗi đơn vị canh tác làm thước đo về hiệu quả kinh tế.